Thu hút khách du lịch từ làng truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku có 26 dân tộc anh em sinh sống hòa thuận cùng đồng bào bản địa Jrai, Bahnar. Dưới tác động của đô thị hóa, những ngôi làng trong lòng Phố núi cũng có nhiều biến đổi. Chính vì vậy, việc giữ nguyên bản một ngôi làng truyền thống để phát triển du lịch là rất cần thiết.
Nhiều nước trên thế giới rất thành công khi phát triển du lịch gắn với gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của làng. Ở Việt Nam, nhiều địa phương cũng đã đưa vào định hướng du lịch làng truyền thống trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố Pleiku hiện có 2 ngôi làng trong nội thành được đưa vào đầu tư, phát triển du lịch là làng Ốp (phường Hoa Lư) và làng Kép (phường Đống Đa). Hai ngôi làng này có ưu thế nằm trong lòng thành phố rất thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động du lịch về cơ bản vẫn chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không thường xuyên. Chính vì vậy, thực tế đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng mô hình phát triển du lịch để vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của làng truyền thống.
Một câu hỏi đặt ra là: “Tại sao các nơi khác giữ chân khách du lịch được dài ngày, còn Pleiku thì không?”. Vấn đề này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Hoạt động du lịch của chúng ta lâu nay mới chỉ chú trọng vào việc đưa khách đến tham quan mà chưa giới thiệu những giá trị văn hóa khác của làng, các hoạt động trải nghiệm, khám phá về làng hầu như không có, do đó việc giữ chân du khách là rất khó.
Để đáp ứng yêu cầu này, TP. Pleiku rất cần một kế hoạch cũng như chiến lược lâu dài về phát triển du lịch văn hóa làng. Trước hết, chính quyền thành phố cần đầu tư xây dựng, phục dựng một ngôi làng nguyên bản của đồng bào dân tộc bản địa (có thể chọn các làng đang làm điểm du lịch để xây dựng như làng Ốp và làng Kép) với các giá trị văn hóa phi vật thể, các giá trị về kiến trúc, những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Jrai; chứ không phải là lổn nhổn nhà mái bằng xen kẽ nhà mái tôn như hiện nay. Diện tích làng truyền thống không cần quá rộng nhưng có sự tập trung quây quần, tạo thành một không gian văn hóa đặc trưng. Mỗi người, mỗi gia đình sống trong khuôn viên truyền thống đó đều tự mình là một hướng dẫn viên du lịch, một người kết nối văn hóa, bởi không ai hiểu văn hóa của người Jrai hơn chính người Jrai.
Du khách hào hứng với tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: N.L.V.Q
Du khách hào hứng với tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc 
Sẽ thú vị hơn rất nhiều khi du khách ghé thăm làng và được hòa mình cùng trải nghiệm các công việc nơi đây như: được hướng dẫn dệt thổ cẩm, nấu một món ăn đặc trưng của người Jrai, tham gia vào việc tạc tượng, tập đánh cồng chiêng, đan lát, làm rượu ghè, ra suối bắt cá, lấy nước bằng bầu khô… và những đêm xoang Tây Nguyên với miếng cơm nếp dẻo ngọt, thịt nướng vương mùi khói lửa, bên những ghè rượu cần sóng sánh ngây ngất hương thơm. Đến mùa lễ hội thì làng phục dựng lễ bỏ mả, lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ tạ ơn... Nếu du khách có yêu cầu thì có thể cùng ăn ở, cùng sinh hoạt, sản xuất với dân làng. Như vậy, để phát triển du lịch làng, chúng ta có thể khai thác nghề truyền thống với những nghệ nhân lành nghề, đồng thời mở lớp dạy nghề cho các em nhỏ để phát triển đội ngũ kế cận làm du lịch, phát triển văn hóa phi vật thể, phát triển du lịch các di sản kiến trúc như nhà rông, nhà sàn, kiến trúc nhà mồ…, phát triển các dịch vụ homestay. Ngoài ra, chúng ta có thể kết hợp cùng với các điểm đến nổi bật khác của Pleiku như tour du lịch xanh (đến các trang trại, nông trang cà phê, cao su, các farmstay…) hoặc kết hợp các tour du lịch trải nghiệm khám phá ở các địa phương lân cận như leo núi Chư Nâm, Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), trải nghiệm thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thăm làng Vua Lửa (huyện Phú Thiện)… Việc này sẽ giữ chân du khách được lâu hơn chứ không phải chỉ lướt qua, ngắm nhìn, chụp vài tấm ảnh rồi đăng lên Facebook là đã tới Pleiku.
Cùng với đó, ngành du lịch nên chú trọng khai thác nét đẹp văn hóa đa dạng của người Jrai. Tuy nhiên, không vì lợi ích thương mại mà sửa đổi cho phù hợp với thị trường vì có thể làm bóp méo, mất đi nét văn hóa truyền thống đặc trưng vốn có của người Jrai. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển du lịch và những tiềm năng kinh tế mà du lịch đem lại cho tỉnh nhà và người dân nơi đây, để du lịch làng trở thành một điểm đến thú vị đối với du khách và bạn bè quốc tế khi đến thăm Pleiku.
LÊ VI THỦY