Thi hát karaoke về Pleiku: Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để giới thiệu cho nhiều người biết về Pleiku, từ đó góp phần kích cầu du lịch, có một cách làm quen thuộc là tạo ra và phổ biến các giá trị văn học nghệ thuật. Đơn cử như: tổ chức sáng tác văn học; biểu diễn âm nhạc; thi hoặc triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật; hội diễn văn nghệ... Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thì tổ chức cuộc thi hát karaoke về Pleiku có thể gây hiệu ứng nhanh và mạnh hơn.
Nếu lấy thời gian làm tiêu chí, Phố núi Pleiku sở hữu 2 mảng ca khúc chính: trước và sau năm 1975. Âm nhạc trữ tình về Pleiku trước năm 1975, không thể không nhắc đến những ca khúc vượt thời gian như: Còn một chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy), Những bước chân âm thầm (thơ Kim Tuấn, nhạc Y Vân)…
Âm nhạc về Pleiku sau năm 1975 có thể tạm chia thành 2 nhóm nhỏ: sáng tác của các nhạc sĩ ngoài tỉnh và sáng tác của các nhạc sĩ trong tỉnh. Ở nhóm thứ nhất, Nguyễn Cường (tác giả của Đôi mắt Pleiku) và Thanh Sơn (Thị trấn sương mù) là những người gây ảnh hưởng lớn. Tương tự như vậy, Ngọc Tường (nhạc sĩ của Pleiku thân yêu, Pleiku mùa xuân-lời thơ Tuấn Kiệt và Pleiku chưa xa đã nhớ) được nhiều người biết đến ở nhóm thứ 2.
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khá nhiều ca khúc viết về Pleiku. Không kể các bài hát đã đi vào lòng người ở những mức độ khác nhau vừa nêu ở phần trên, có thể kể đến một số tác giả, tác phẩm đáng chú ý: Lê Xuân Hoan với Pleiku quê em, Hoàng hôn phố núi, Khoảng trời lá thông (thơ Phạm Đức Long)…; Thảo Nam Giang: Pleiku và tôi, Xuân phố núi; Trương Đức Hà: Pleiku gió (thơ Kpă Y Lăng), Pleiku ơi Pleiku…; Phan Tấn Ni: Pleiku, em ở núi rừng; Đức Chính: Em muôn thuở Pleiku; Nguyễn Quốc: Tháng ba Pleiku; Văn Chừng: Vầng trăng Pleiku; Y Jang Tuyn: Pleiku yêu thương…
Phần lớn các ca khúc nói trên đã được dàn dựng, hòa âm, phối khí và công bố dưới nhiều hình thức; nhiều bài hát được trình bày bởi các ca sĩ có tên tuổi, trên những sân khấu lớn; nhiều tác phẩm đã trở thành sản phẩm karaoke.
Mỗi người một kiểu sáng tác, nhưng sương mù, thông, dốc, Biển Hồ, Hàm Rồng, phố nhỏ nhiều kỷ niệm, người em gái thương yêu… là những chi tiết được nhắc đến trong phần lớn các bài hát về Pleiku. Một loạt hình ảnh thân thuộc ấy cùng với các giai điệu da diết về đô thị này, khi được cất lên và lan tỏa, có thể ngay lập tức chưa khiến người ta yêu mến và đến với Pleiku sớm hơn dự định nhưng việc tạo ra một dấu ấn, một ý niệm về Phố núi với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng là cần thiết.  
Với số lượng các bài hát hiện hữu, nếu Pleiku tổ chức một cuộc thi hát karaoke về thành phố này thì có thiếu tác phẩm để các thí sinh chọn không? Theo tôi là không. Tất nhiên, cần thêm sự giới thiệu và tuyển lựa của các nhà chuyên môn trước khi tiến hành các bước để karaoke hóa, hòa nhập vào hệ thống chung, đưa lên mạng.
Pleiku hiện có 68 cơ sở karaoke được cấp phép (gần bằng 1/3 số lượng điểm hát karaoke của cả tỉnh) với khoảng hơn 500 phòng hát. Không thể nói khác, tại Pleiku, karaoke là một dịch vụ giải trí mang lại nguồn thu đáng kể và cũng là một phần của hoạt động du lịch. Theo quan sát, hiện không có nhiều bài hát về Pleiku trong các cơ sở karaoke ở thành phố này. Theo chủ một cơ sở karaoke cho biết, lý do thiếu vắng là vì nhiều bài hát về Pleiku chưa được karaoke hóa và cập nhật vào hệ thống chọn bài.
Về vấn đề này, theo một người hòa âm, phối khí có kinh nghiệm ở Pleiku, việc “biến” một bản nhạc được in trên giấy thành một clip với đầy đủ âm thanh, hình ảnh sống động không hề khó và cũng không mất nhiều thời gian. Nếu đã có video về bài hát đó thì việc “bắn” chữ lên nền nhạc lại càng đơn giản. Giá cho một video ca nhạc làm mới dao động từ 3 đến 9 triệu đồng tùy loại; riêng bắn chữ karaoke chỉ tốn dưới 1 triệu đồng cho mỗi sản phẩm.
Về tổ chức thi, thí sinh sau khi đăng ký thành công, được cấp mã số và danh sách các bài hát theo quy định để chọn và luyện tập. Mỗi cá nhân, đơn vị tham gia sẽ quay phim 1 bài hát (clip) đưa lên tài khoản Facebook hoặc Youtube của mình rồi gửi đường dẫn (link) cho bộ phận liên quan. Số lượng like, share dưới mỗi video dự thi là một điểm cộng cho thí sinh. Trên cơ sở các video này, Ban giám khảo sẽ quyết định số lượng người cụ thể lọt vòng vào trong... Chung kết cuộc thi và trao giải được trực tiếp trên truyền hình địa phương và các nền tảng số khác.
Ứng dụng công nghệ trong thi hát karaoke về Pleiku bao gồm cả việc tạo ra một cửa sổ trên website của UBND thành phố (hoặc trang điện tử của cơ quan chức năng trực thuộc) nhằm lưu giữ dữ liệu về sự kiện. Tất nhiên, thiết bị số di động được quan tâm đầy đủ trong trường hợp này. Trước, trong và sau cuộc thi, tất cả mọi người có thể truy cập vào trang hoặc cửa sổ điện tử được chỉ định để xem lại các clip. Quan trọng hơn, tại đây, họ dễ dàng tìm thấy tất cả những bài hát về Pleiku đã được karaoke hóa để tập, hát hoặc sử dụng cho các mục đích tích cực khác.
Ngân sách chi cho những hoạt động như vừa nêu ở phần trên thường có hạn. Đây là lý do chính quyền địa phương cần xã hội hóa hoạt động thi hát karaoke. Sự tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp (trong đó có các cơ sở karaoke ở Pleiku) không chỉ giải quyết vấn đề kinh phí, mà còn là cách để có thêm nhiều người, nhiều thế hệ cùng quan tâm đến các ca khúc về đô thị này, thực sự chung tay quảng bá cho du lịch địa phương.
Trên thực tế, không ít người từng đi tìm chiếc lá diêu bông huyền ảo, sau khi nghe ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Trần Tiến (thơ Hoàng Cầm). Cũng như vậy, “em Pleiku má đỏ môi hồng” dẫu đã quen thuộc lại vẫn thôi thúc bước chân bao người đến với nơi này. Mong một ngày không xa, cuộc thi hát karaoke về Pleiku sẽ diễn ra và thành phố thân thiện này có thêm cơ hội được nhiều du khách biết đến hơn.
NGUYỄN QUANG TUỆ