Tận dụng rừng thông để khai thác du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cánh rừng thông đã tạo nên cảnh quan xanh-sạch-đẹp, là địa điểm thu hút du khách đến với Phố núi Pleiku. Đây là lợi thế để Pleiku phát triển du lịch sinh thái, xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Gắn bảo vệ rừng với phát triển du lịch sinh thái

Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Biển Hồ đang quản lý, bảo vệ hơn 9.100 ha rừng phòng hộ ở địa phận TP. Pleiku và các huyện: Chư Păh, Ia Grai. Trong đó có trên 1.600 ha rừng thông 3 lá (là loại cây gỗ lớn, lá kim, thanh lọc không khí rất tốt, nhiều lợi ích cho sức khỏe con người) ở một số xã, phường như: Ia Kring, Chi Lăng, Trà Bá, Ia Kênh, Diên Phú, Biển Hồ... Những khu rừng này không chỉ là “lá phổi xanh” đối với các khu dân cư, nơi bảo tồn các loại thực vật rừng quý giá, mà còn là nguồn lực đặc biệt quan trọng thúc đẩy du lịch Pleiku phát triển bền vững.

Du khách tham quan rừng thông Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Cư
Du khách tham quan rừng thông Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Cư

Chính bởi vẻ đẹp tự nhiên mà những khu rừng thông này thu hút du khách đến thư giãn, vui chơi, nhất là dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần... Khu rừng thông 3 lá trên 30 năm tuổi ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) nằm cạnh TP. Pleiku. Từ lâu, khu rừng này là điểm đến quen thuộc của nhiều người, nhất là các bạn trẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Nhà tôi ở phường Diên Hồng, rất gần với nơi này. Do đó, tôi thường đưa các con và người thân vào rừng thông này dã ngoại. Những lần như thế, gia đình có thời gian giúp các cháu nhỏ khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, người lớn được nghỉ ngơi, thư giãn để tích lũy năng lượng tích cực cho những ngày dài học tập, lao động kế tiếp”.

Những cánh rừng thông cao lớn, khép tán xanh mát soi bóng xuống Biển Hồ cũng là điểm đến quen thuộc của không riêng cư dân Pleiku. Ông Quách Trọng Hoan (ở gần cầu treo Biển Hồ) bộc bạch: “Tôi sống ở đây đã mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy chán cảnh đẹp nơi này. Đúng là một bức tranh thủy mặc, có đủ rừng cây, mặt nước, mây trời, không khí mát mẻ, trong lành. Vẻ đẹp Biển Hồ đã đi vào biết bao thi ca, nhạc họa nên nghĩ mình hâm mộ, yêu thích nó cũng là điều dễ hiểu”.

Duy trì và phát triển những cánh rừng trên địa bàn TP. Pleiku là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và người dân, nhưng trước hết là trách nhiệm của các chủ rừng. Vì thế, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ luôn chủ động triển khai kế hoạch gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng phù hợp, nhất là thời điểm khô hanh, rất dễ xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban phụ trách Ban QLRPH Bắc Biển Hồ-cho biết: “Thời gian này, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền vận động và hướng dẫn bà con cách thức phòng cháy, chữa cháy rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ Tết Tân Sửu 2021 đến nay, Ban đã phối hợp với các lực lượng yêu cầu tất cả các nhóm người vào khu vực rừng thông Biển Hồ, Ia Dêr và các nơi đều phải tháo dỡ lều trại, nghiêm cấm sử dụng lửa cũng như mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng”.

Cần mở điểm du lịch núi Hàm Rồng

Tận dụng vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên để làm du lịch là hướng phát triển kinh tế rất tốt đối với nhiều địa phương. Chẳng hạn, TP. Đà Nẵng đã khai thác hiệu quả điểm du lịch núi Chúa (cao 1.489 m, ở huyện Hòa Vang); tỉnh Lào Cai với điểm du lịch núi Hàm Rồng (cao 1.850 m, ở thị xã Sa Pa); tỉnh Lâm Đồng với điểm du lịch núi Lang Biang (cao hơn 2.124 m, ở huyện Lạc Dương)...

Núi Hàm Rồng nhìn từ hướng TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư
Núi Hàm Rồng nhìn từ hướng TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư

Núi Hàm Rồng (cao 1.028 m) nằm phía Nam TP. Pleiku, ngay bên ngã ba giao nhau giữa quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) và quốc lộ 19, rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Đây là ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm về trước, có nhiều góc nhìn kỳ thú và rừng thông cổ thụ. Đỉnh núi khá bằng phẳng hình cánh cung, nhiều tháng mây phủ, đặc biệt là được che phủ bởi màu xanh của rừng thông lá kim quanh năm tươi tốt, mát mẻ. Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt có thể nhìn thấy bao quát cả TP. Pleiku. Bên cạnh đó, núi Hàm Rồng còn gắn với câu chuyện rất độc đáo của cư dân bản địa.

Nhiều du khách khi đến Pleiku đã hỏi: Tại sao tỉnh Gia Lai chưa mở điểm du lịch núi Hàm Rồng? Trước thắc mắc này, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Sê-chia sẻ: “Ý kiến này là tốt. Nếu chưa đủ điều kiện đầu tư quy mô, bài bản thì có thể làm một phần, một phía của núi. Đưa núi Hàm Rồng vào khai thác sẽ thu hút được nhiều du khách đến với Phố núi, góp phần thúc đẩy kinh tế-văn hóa địa phương phát triển”.

Còn Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế thì cho biết: “Ý tưởng mở điểm du lịch núi Hàm Rồng đã có từ lâu, được thành phố đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, quyết định là ở cấp thẩm quyền và liên quan. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cấp lãnh đạo xem xét”.

HOÀNG CƯ