Rừng trắc phủ bóng làng A Lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng A Lao (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm dưới chân dãy núi Lơ Pang. Đến đây, mọi người không khó để bắt gặp những cánh rừng trắc xanh ngát. Cây trắc đã giúp dân làng có cuộc sống ổn định. 
Cây quý hồi sinh
Dừng chân bên con đường thảm nhựa ở đầu làng A Lao, đưa mắt nhìn xung quanh sẽ thấy màu xanh chấp chới, ngút ngàn của những cây gỗ trắc. Cây mọc thành từng khoảnh trong vườn rẫy của người dân. Ánh nắng hiếm hoi cuối buổi sáng giữa mùa mưa chiếu rọi khiến màu lá của giống cây quý họ đậu xanh thêm. Trưởng thôn Yoh có diện tích rừng trắc nhiều nhất. Khi biết chúng tôi tìm hiểu để viết bài về cánh rừng trắc ở làng, anh vui vẻ dẫn lên đồi Tchre mục sở thị 7 sào trắc của gia đình. Vừa đi, anh vừa chuyện trò: “Nghe người già kể lại, ngày trước, bao quanh làng là cây trắc. Trắc mọc thành rừng, có nhiều cây rất to. Sau này, rừng trắc ngã rạp vì miếng cơm manh áo của người dân trong vùng. Cách đây chừng 15 năm, cây trắc non mọc lên rất nhiều trong vườn rẫy. Thấy thế, một vài người già ở làng tiên phong giữ lại để gây giống vì giá trị kinh tế cao. Tôi cũng làm theo nhưng rừng trắc của gia đình chỉ mới được 7-8 năm thôi. Hiện nay, tôi có 2 rừng trắc với diện tích khoảng 3 ha”.
Dân làng A Lao chung tay bảo tồn giống cây quý. Ảnh: Hoành Sơn
Dân làng A Lao chung tay bảo tồn giống cây quý. Ảnh: Hoành Sơn
Tại đồi Tchre có hàng ngàn cây trắc của 4 hộ dân làng A Lao là Yoh, Mưm, Hnghiệp, Lư. Có những cây mới nhú lên khỏi mặt đất nhưng cũng có không ít cây có thân to bằng cột điện, cao 3-4 m, cành lá sum suê. Theo quan sát của chúng tôi, rừng trắc của anh Mưm là đẹp nhất. Nói về nguồn gốc rừng trắc của nhà mình, anh Mưm tự hào: “Rừng này hơn 10 năm tuổi rồi, có 2.000 cây trắc mọc tự nhiên. Có lẽ do đất chỗ này tốt nên cây sinh trưởng nhanh, nhiều cây có gốc to bằng bắp chân người lớn. Cây trắc con mọc từ rễ và quả. Tuy nhiên, trắc mọc từ rễ phát triển nhanh hơn. Rễ mọc dài đến đâu thì cây con cứ nứt vỏ mọc lên theo đó. Thấy cây mọc theo rễ lan từ rẫy nhà này sang nhà khác, chúng tôi cứ để vậy. Cho nên bây giờ quả đồi này có khoảng 3 ha trắc”.
Gió miên man thổi trên cành lá, như vọng lời cảm tạ làng A Lao giúp rừng trắc hồi sinh. Cũng phải thôi, có nơi nào như nơi đây đâu, khi trong làng có khoảng 30 ha trắc của 40 hộ dân. “Đi đâu trong làng mình cũng thấy cây trắc hết. Hộ ít nhất thì chục cây, còn hộ nhiều thì vài ngàn cây. Giống cây này cũng dễ trồng và lên nhanh nên diện tích ngày càng mở rộng. Thường cứ đến mùa mưa, chúng tôi ra rạch vài đường trên thân, rễ cây, năm sau ra khoét mầm đó về nhà trồng; không thì đi nhặt hạt về rải giữa rẫy, sau nó tự lên”-anh Mưm cho hay.
Giữ rừng trắc cho đời sau
Ngồi dưới tán rừng trắc nghe kể chuyện bảo tồn cây quý mới hiểu hết tấm lòng người Bahnar ở ngôi làng sát chân dãy núi Lơ Pang. Họ đã nhìn thấy được lợi ích kinh tế từ việc trồng giống cây gỗ lớn họ đậu nhóm 1 đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này. Cũng đã có một số hộ khấm khá nhờ gỗ trắc. Đó là trường hợp gia đình ông Biên. Năm 2019, ông Biên đã bán bớt một ít cây trắc cho dân nơi khác di thực về trồng. Với 70 triệu đồng tiền bán cây, ông mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe công nông và sửa lại căn nhà. “Rẫy mình nhiều cây trắc nên bán bớt để mua sắm đồ dùng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Có nguồn thu từ gỗ trắc sau nhiều năm giữ gìn, mình rất phấn khởi”-ông Biên chia sẻ.
Với nhiều hộ dân trong làng, việc bán đi một ít cây trắc nơi vườn rẫy đã giúp cuộc sống gia đình tránh được gánh nặng cơm áo hàng ngày. Từ đó, con cái cũng được học hành đàng hoàng hơn. Anh Mưm bộc bạch: “Nhiều nhà nghèo lắm, đến mùa giáp hạt là thiếu gạo để ăn. Họ bán vài cây trắc là giải quyết ổn chuyện lương thực cho gia đình. Sau đó thì trồng cây mới thay thế”.
1. Cây trắc con mọc lên từ phần rễ nằm sâu trong lòng đất
Đối với làng A Lao, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục bảo vệ những cánh rừng trắc và trồng mới. Ảnh: Hoành Sơn
Điều khiến chúng tôi tâm đắc nhất là chuyện bảo vệ môi trường sống của dân làng A Lao. Làng ở sát chân núi cao, khi mưa, nước từ trên cao đổ xuống trôi hết hoa màu và cuốn theo bùn non vương vãi khắp nơi. Đến mùa nắng thì thường trực nỗi lo thiếu nước tưới, sinh hoạt. “Khi biết được lợi ích của việc giữ rừng, dân làng chú trọng hơn đến trồng rừng. Có nhiều quả đồi ngày xưa trống trơn nhưng giờ đã được phủ xanh cây cối. Ở đó, dân làng trồng xen cây trắc với một số cây khác như: bời lời, mì… Nhờ vậy, đất đai ít bị xói mòn và giữ được mạch nước ngầm. Bên cạnh đó, hộ nào cũng trồng vài cây trắc quanh nhà nên mùa hè bớt nóng hơn. Đám trẻ con có nơi vui chơi dù trời nắng. Chúng tôi đang vận động bà con tiếp tục trồng rừng, nhất là cây trắc, đồng thời đề nghị bà con nên hạn chế bán cây. Dân làng ủng hộ chủ trương này lắm. Lý do là họ muốn giữ lại cho con cháu đời sau. Vài chục năm nữa, con cái chúng tôi sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ rừng”-Trưởng thôn A Lao cho hay.
Sau khi dẫn đường đưa chúng tôi lên núi tham quan những cánh rừng trắc ở làng A Lao, ông Trần Minh Hoàng-kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Lơ Pang-thông tin: Thời gian qua, huyện Mang Yang rất chú trọng tới công tác trồng rừng. Do vậy, diện tích rừng trồng được mở rộng. Đối với làng A Lao, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục bảo vệ những cánh rừng trắc và trồng mới. Đặc biệt, vận động người dân không bán cây trắc để di thực về nơi khác trồng. Bà con cũng đã thống nhất sẽ không bán trắc và ký bản cam kết.
 
HOÀNH SƠN