Pleiku-Đời cây, đời người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều người dân Pleiku (tỉnh Gia Lai), những tàng cây cổ thụ như là chứng nhân cho sự đổi thay, phát triển của phố phường. Theo thời gian, người và cây ở Phố núi đã gắn bó bền chặt, che chở nhau đi qua những tháng năm biến động của cuộc đời. 
1. Khi chúng tôi đến thăm, ông Phạm Văn Phước (84 tuổi, trú tại tổ 6, phường Tây Sơn) đang lặng lẽ nhìn ngắm cây đa già chừng 10 người ôm ở ngay trước nhà. Ông quả quyết: “Nhờ có cây đa này cản gió, những năm qua, mái tôn của các hộ dân trong xóm không bị thổi tung. Đây cũng là một trong những lý do để người dân chúng tôi quyết tâm giữ cây cho đến bây giờ”. 
Nói về nguồn gốc cây đa trước nhà, ông Phước cho hay: “Năm 1956, gia đình tôi chuyển về đây sinh sống, còn phía gần đầu đường Nguyễn Du giao với đường Trần Hưng Đạo có 5 hộ khác. Khi đó đã có cây đa này rồi. Người dân quen gọi cây đa chứ thực ra đó là cây si. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây có một phòng học mẫu giáo. Thấy cây sinh trưởng nhanh, tán rộng nên bà con trong xóm giữ lại để che mát cho các cháu học sinh. Đến khoảng năm 1990 thì phòng học được chuyển thành hội trường tổ dân phố. Mấy chục năm trôi qua, cây càng ngày càng lớn, trở thành “biểu tượng” của xóm. Thi thoảng, có nhiều người đã chuyển đi nơi khác sinh sống trở về ngắm cây, như là một cách gợi nhớ ký ức, nhớ lại khoảng thời gian từng gắn bó với nơi này. Đây cũng là địa điểm để cả xóm gặp gỡ hàn huyên, làm lễ cúng tất niên hay Thanh minh mỗi năm”.
Anh Nguyễn Cao Kỳ và ông Phạm Văn Phước kể về nguồn gốc cây đa ở tổ 6. Ảnh: Hoành Sơn
Anh Nguyễn Cao Kỳ và ông Phạm Văn Phước kể về nguồn gốc cây đa ở tổ 6, phường Tây Sơn. Ảnh: Hoành Sơn
Với thế hệ thứ 2 sinh sống ở đây như anh Nguyễn Cao Kỳ-Tổ trưởng tổ dân phố 6 thì những kỷ niệm thời niên thiếu luôn gắn liền với hình bóng tàng cây cổ thụ này. Đó là những lần anh cùng bạn bè trang lứa nô đùa dưới gốc cây trong giờ ra chơi, những lần rủ nhau trèo cây bắt chim, đuổi bướm, xem bóng đá. “Thuở nhỏ, không có tiền mua vé vào sân xem đá bóng, chúng tôi thường rủ nhau trèo lên cây để nhìn qua. Trong lần xem trận bóng giữa đội tuyển tỉnh với đội Cuba, vì có nhiều người trèo lên, cành cây bị gãy dẫn đến một số người phải nhập viện. Sau lần đó, đám trẻ con chúng tôi khiếp vía, không dám trèo lên cây nữa”-anh Kỳ kể.
Trong khuôn viên Khu di tích lịch sử căn cứ Khu 9 ở cuối làng C, xã Gào cũng có 1 cây đa cổ thụ. Cùng tôi đi thăm chứng tích của một thời hoa lửa, ông Rơ Lan Biă (75 tuổi) rành rọt nhắc nhớ: “Hồi kháng chiến chống Mỹ, tôi từng tham gia hoạt động cách mạng, trú ẩn ở khu này. Ngày đó, bộ đội chủ lực và dân làng thường chọn hang đá sát suối Ia Púch để làm nơi trú ẩn, bàn tính kế sách đánh giặc. Cây đa không chỉ là vị trí để những du kích như tôi chọn làm nơi cảnh giới cho Ban cán sự Khu 9 họp mà còn là hòm thư liên lạc bí mật. Chúng tôi tự hào về cây đa này lắm bởi cây đã trở thành chứng nhân lịch sử, là biểu tượng khẳng định quyết tâm một lòng theo Đảng đánh đuổi giặc ngoại xâm của Nhân dân xã Gào”.
Ông Hmrik (bìa phải) kể chuyện về cây đa của làng Ia Nueng. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Hmrik (bìa phải) kể chuyện về cây đa của làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), 3 cây đa cổ thụ ở cạnh giọt nước là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn bà con Jrai nơi đây. Chẳng ai biết 3 cây cổ thụ bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ đã có trước khi lập làng. Theo già làng Hmrik thì, những cây đa này khoảng trên 200 tuổi. “Người Jrai khi lập làng sẽ chọn khu vực có cây cối xanh tốt và có nguồn nước dồi dào. Bố mẹ mình kể lại, khi dời làng về đây đã thấy những cây đa này rồi. Từ trước đến nay, mọi hoạt động chung của làng như cúng giọt nước, lễ bỏ mả, cưới hỏi… đều diễn ra tại đó vì bà con quan niệm tất cả thần linh đều trú ngụ trên cây cổ thụ. Dân làng tập trung tại đây, lấy nước nấu đồ ăn, chêm rượu cần dâng kính, cầu mong thần linh phù hộ cho khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Bao lớp người trong làng cứ quấn quýt với mấy cây đa đến trưởng thành hay khi nhắm mắt họ cũng mong được đi ngang đó để về với thế giới atâu. Vì thế, nói cây đa, giọt nước là linh hồn của làng Ia Nueng là không sai”-già làng Hmrik chia sẻ.
2. Phố núi Pleiku cũng từng là “thánh địa” của cây cổ thụ, nhất là thông. Nhà thơ Văn Công Hùng từng thổn thức khi nhắc nhớ về những hàng cây cổ thụ rợp bóng ở Phố núi. Ông kể: Xong đại học, tôi lên Gia Lai làm việc. Hồi ấy, Pleiku rợp bóng cây, nhiều nhất là thông, ra khỏi phố là rừng, thăm thẳm xanh. Ở đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng… từng có cơ man cây cổ thụ như thông, đa, sung, long não. Có những đêm lạnh quá, áo quần phong phanh, một vài người còn lấy dao rạch vào vỏ cây cho thông già ứa nhựa rồi đốt sưởi ấm. 
Đường Nguyễn Du (TP. Pleiku) rợp bóng cây xanh. Ảnh: Hoành Sơn
Đường Nguyễn Du (TP. Pleiku) rợp bóng cây xanh. Ảnh: Hoành Sơn
Nhắc đến những hàng cây cổ thụ thuở trước ở Phố núi là một trời kỷ niệm đối với anh Nguyễn Ngọc Ngân (phường Phù Đổng). “Mỗi lần đi qua gốc đa cổ thụ ở tổ 6, phường Tây Sơn, trong tôi lại trào dâng xúc cảm. Chuyện là năm 1975, lúc mẹ trở dạ, mọi người dìu mẹ từ nhà (phía đối diện ngã tư Diệp Kính, nay là đường Quang Trung) qua con hẻm nhỏ để đến Bệnh viện tỉnh cũ (khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết ngày nay). Nhưng khi đến vị trí cây đa cổ thụ thì mẹ đẻ rơi và tôi bị gãy tay phải. Bà nội vừa khóc vừa chạy qua bệnh viện gọi bác sĩ qua trợ giúp. Lớn hơn chút, tôi theo đám bạn đùa nghịch, bắt tổ chim trên mấy cây cổ thụ bên đường quanh sân bóng Pleiku”-anh Ngân hồi nhớ. Còn với ông Nguyễn Vĩnh Thành (tổ 6, phường Tây Sơn), kỷ niệm đáng nhớ nhất là cùng với người dân trong tổ đề nghị không cắt bỏ cây đa cổ thụ khi có chủ trương mở rộng đường Nguyễn Du. “Đơn vị thi công đưa máy định cắt cây, bà con kéo ra phản ứng dữ lắm. Sau thì đường được mở rộng về hướng đối diện, cây đa được giữ lại cho đến hôm nay. Nếu ngày đó mà cây bị đốn hạ thì giờ đây tìm đâu ra trong phố một tàng cây cổ thụ như vậy nữa”-ông Thành nói. 
Những cây đa ở làng Ia Nueng có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Hoành Sơn
Những cây đa ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Hoành Sơn
Pleiku hiện không còn nhiều cây xanh cổ thụ, cũng chưa có cây nào được công nhận là Cây di sản. Vậy nên, với người dân Phố núi, giữ đại thụ cho phố là sứ mệnh và neo giữ hồn cốt cho làng. Thời gian qua, bà con làng Ia Nueng đã chung tay đóng góp kinh phí cùng với chính quyền xã Biển Hồ xây bồn, lát gạch, quét dọn vệ sinh hàng tuần. Thấy mấy tấm tôn quây quanh gốc đa, phía bên trong là căn nhà sàn xây dở, tôi hỏi già làng Hmrik sự tình. Ông bảo: “Có người định làm quán bán hàng ăn phía bên trong đó. Dân làng cũng có ý kiến là không được xâm hại cây, không được làm bẩn nguồn nước giọt. Nếu mà họ không làm đúng cam kết, chúng tôi sẽ kiến nghị chính quyền xử lý”. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ Trần Anh Tuấn thì cho hay: “Công trình phía trong cây đa vi phạm quy định về xây dựng, xã đã tạm đình chỉ và đề nghị thành phố xử phạt hành chính. Đây là 3 cây đa cổ thụ được thành phố quan tâm đặc biệt nên chúng tôi kiên quyết không để chúng bị xâm hại”.
Nặng lòng với Phố núi, nhà thơ Văn Công Hùng cho rằng, cần có một quy hoạch cụ thể, chi tiết cho Pleiku về trồng cây xanh, trồng hoa thay cho việc trồng-chặt do chọn phải loại cây không phù hợp như trước đây đã từng làm. Cùng với việc bảo vệ cây đại thụ còn sót lại, nên chăng có thêm những con đường trồng những loài cây đặc trưng, phù hợp với khí hậu, địa hình Pleiku như thông, kơ nia, pơ lang, dã quỳ. Qua đó, tạo vẻ đẹp cho phố, thu hút du khách thập phương đến Gia Lai.
HOÀNH SƠN