Những vị tướng nặng tình với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều vị tướng từng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Đối với họ, mảnh đất này không chỉ gắn liền với những chiến công vang dội như: Plei Me, Đak Tô-Tân Cảnh và đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên mà còn thấm đẫm nghĩa tình đồng đội, đồng chí, đồng bào.

Một thời “hoa lửa”

Những ngày trung tuần tháng tư lịch sử, nhận được tin Trung tướng Nguyễn Quốc Thước-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa để dự hội thảo về Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, tôi vội vàng tìm đến gặp ông. Năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng tướng Thước vẫn còn khá minh mẫn. Vì là người quen nên tôi được ông đón tiếp khá thân tình. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về những tháng năm ông cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, tướng Thước tâm sự: Nói đến chiến tranh là nói đến những đau thương mất mát, nhưng vì độc lập, tự do, chúng ta phải chấp nhận, đánh đổi bằng xương máu của bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào mình. Để Tây Nguyên được tươi đẹp như ngày hôm nay, nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, máu xương của họ đã hòa vào đất đai xứ sở. “Tôi đau lắm bởi đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng nhiều đồng đội của mình vẫn còn đang nằm lại nơi những cánh rừng, ngọn núi... Chưa đưa được họ về, lòng tôi luôn quặn thắt”-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nghẹn ngào.

Trung tướng Khuất Duy Tiến (bìa trái) và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trung tướng Khuất Duy Tiến (bìa trái) và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Vĩnh Hoàng



Cũng như tướng Thước, Trung tướng Khuất Duy Tiến từng có những năm tháng gắn bó với Tây Nguyên và đảm nhận nhiều cương vị khác nhau: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 rồi Tư lệnh Quân đoàn 3. “Thực lòng tôi không muốn nhắc nhiều đến chiến tranh vì đó là đau thương mất mát. Nhưng không nhắc đến sẽ không thấy được sự gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi đây”-Trung tướng Khuất Duy Tiến bắt đầu câu chuyện với tôi như thế. Trong câu chuyện của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến không khỏi tự hào khi nhắc đến chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, sự kiện lịch sử mà ông cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đều tham gia và giữ vai trò quan trọng. Chiến dịch Tây Nguyên được xem là đỉnh cao về nghệ thuật nghi binh của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại: “Để thực hiện thành công kế hoạch này, chúng tôi được đồng bào các dân tộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum giúp đỡ rất nhiều. Người dân không chỉ giúp bộ đội mở đường, đưa xe tăng vào đánh các cứ điểm ở Đức Cơ, Kon Tum để địch tin rằng chúng ta sẽ đánh lớn ở Bắc Tây Nguyên và đây là hướng chủ công. Ngoài ra, người dân còn truyền tai nhau rằng “Quân giải phóng sẽ đánh lớn ở đây vì họ thấy nhiều xe tăng và quân chủ lực”. Địch nghe được thông tin này càng làm cho kế hoạch nghi binh của ta thuận lợi hơn. Trong khi đó, quân chủ lực, phương tiện trang bị của ta đã áp sát Buôn Ma Thuột. Để rồi khi các cánh quân của ta nổ súng đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, địch không kịp trở tay”.

Nặng tình với Tây Nguyên

Trong câu chuyện với tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến luôn nhắc nhiều đến Tây Nguyên bởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có gần 3 vạn liệt sĩ nằm lại trên mảnh đất này. “Từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh giờ ngồi máy bay chỉ mất 2 giờ và từ Tây Nguyên vào đó cũng chưa đến 1 giờ bay. Nhưng năm xưa, chúng tôi phải hành quân và chiến đấu hơn 20 năm mới vượt qua khoảng cách đó. Nói như thế để thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, từ đó chúng ta phải cố gắng gìn giữ non sông, đất nước, bảo vệ bằng được độc lập tự do của dân tộc”-Trung tướng Khuất Duy Tiến trải lòng.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ghi vào sổ lưu niệm Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ghi vào sổ lưu niệm của Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Khi trở lại chiến trường xưa, mỗi người đều dâng đầy cảm xúc, vừa nhớ về quá khứ đau thương nhưng anh dũng kiên cường, vừa rưng rưng tự hào khi chứng kiến sự đổi thay trên mảnh đất Tây Nguyên. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: “Đầu tháng 3 vừa rồi, tôi và nhiều đồng đội trở lại Gia Lai và được Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên tiếp đón. Nghe chia sẻ về những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây đạt được, tôi rất mừng. Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã đổi thay nhiều lắm. Điều đó làm cho những đồng đội của chúng tôi đã đổ máu xương và nằm lại nơi đây thêm ấm lòng. Sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút, không biết bao giờ trở lại nơi đây nên thấy bản thân mình mắc nợ với mảnh đất này. Tôi mong muốn sẽ có nhiều lần trở lại, vừa thăm lại chiến trường xưa, vừa thắp nén nhang cho đồng đội còn nằm lại đâu đó”.

Mỗi lần 2 vị tướng này trở lại Tây Nguyên, tôi thường may mắn đi theo các ông để thăm lại chiến trường xưa hoặc đến trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3. Trong câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ, 2 vị tướng luôn căn dặn ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì trong cuộc sống phải biết yêu dân, trọng dân và giúp dân. “Các đơn vị phải dựa vào dân để xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh để không bị bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, Gia Lai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong chiến tranh, bà con đã giúp đỡ, che chở và sát cánh cùng chúng tôi. Vì vậy, tôi rất mong tỉnh sẽ có nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao đời sống bà con”-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước mong muốn.

 

 VĨNH HOÀNG