(GLO)- Được ví như những “đại thụ” ở vùng phên giậu của tỉnh Gia Lai, nhiều già làng đã có những đóng góp lớn để xây dựng buôn làng ấm no, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Chiều biên giới, cơn mưa bất chợt đổ xuống, chúng tôi có phần ái ngại khi định về thăm làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Gọi điện thoại cho già làng Rơ Châm Tích, ông cười bảo: “Nhà báo yên tâm đi, đường vào làng mình bây giờ đổ bê tông rồi, ô tô vào tận làng, không có gì phải ngại”. Vậy là chúng tôi yên tâm về làng. Già Tích đón chúng tôi tận cửa với cái bắt tay nồng ấm và nụ cười hiền. Năm nay đã bước qua gần 70 mùa rẫy, hơn ai hết, ông hiểu rõ những khó khăn, gian khổ trong quá khứ và sự đổi thay nhanh chóng ngày hôm nay. “Làng mình có 228 hộ với hơn 1 ngàn khẩu. Trước đây, cuộc sống của người dân khó khăn lắm, tỷ lệ hộ nghèo của làng chiếm hơn 50%, nhưng giờ chỉ còn hơn 8,3%”-già Tích cho biết thêm.
Người dân trên vùng biên giới Ia Dom vẫn thường gọi già làng Rơ Châm Tích là người “vác tù và hàng tổng” bởi bao năm qua, ông không quản ngại vất vả dành nhiều thời gian đến từng gia đình tuyên truyền, vận động không tụ tập uống rượu, phải chăm lo lao động để có cuộc sống ấm no. Đêm đêm, ông lại cùng tổ tự quản an ninh trật tự của làng đến từng nhà nhắc nhở bà con bảo quản tài sản, mở ti vi nhỏ tiếng để con em học bài. Hay như chuyện ông vận động bà con hiến hơn 300 m2 đất và chặt bỏ hàng trăm cây ăn quả, cây cà phê để làm đường, xây dựng các công trình công cộng, giúp làng hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Mình là già làng mà không gương mẫu thì nói chẳng ai nghe. Có những việc phải xử lý theo hương ước, quy ước của làng, lấy cộng đồng để giáo dục nhắc nhở thì mọi người mới làm theo. Mình cũng thường bảo với mọi người không tin những lời lừa bịp của kẻ xấu gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”-già Tích chia sẻ.
Già làng Rơ Châm Tích (thứ 5 từ phải sang; làng Mook Đen 1, xã Ia Dom) đang tuyên truyền vận động các gia đình không để con em mình tảo hôn. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều cán bộ Biên phòng và người dân làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai) thường gọi già làng Rơ Châm Hloắc là “cây kơ nia của đại ngàn”. Bởi lẽ, để dân làng có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, ngoài sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nỗ lực của mỗi người thì vai trò của già làng Hloắc rất quan trọng. Ông là người đi đầu trong việc vận động người dân chuyển đổi lúa rẫy sang trồng cao su và điều. “Trước đây, người dân trong làng chỉ trồng lúa rẫy nên cuộc sống khó khăn. Trong khi đó, người dân một số nơi trồng cao su, điều cho thu nhập cao. Vì vậy, mình vận động dân làng chuyển đổi cây trồng. Cái gì không biết, không hiểu thì đi học, tìm đến Bộ đội Biên phòng, chính quyền và các doanh nghiệp mà học thôi. Mình nói đúng thì bà con tin, thấy hiệu quả thì làm theo”-già Hloắc tâm sự. Chính nhờ ông tuyên truyền, vận động mà giờ đây, làng Kloong đã có 84 ha cây công nghiệp, trong đó có hơn 30 ha cao su tiểu điền, 35 ha điều. Ngoài ra, người dân còn trồng 30 ha mì, 20 ha lúa và nhiều loại cây khác. Đời sống của bà con ngày một cải thiện.
Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Các già làng, người có uy tín được coi như linh hồn của làng. Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, họ còn tham gia các tổ tự quản, tổ hòa giải của thôn, làng. Vì thế, họ được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương. Có những việc chính quyền nói người dân chưa nghe nhưng già làng, người uy tín nói thì bà con đều hiểu và chấp hành.
Già làng Rơ Châm Trôm (bìa trái; làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) cùng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Già làng Rơ Châm Trôm (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) là một minh chứng cho nhận định của Đại tá Trần Tiến Hải. Năm nay tròn 80 tuổi nhưng ông luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động của làng. Ông cho hay: “409 hộ dân làng mình luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về khu vực biên giới. Làng đã có quy ước, ai sai không chỉ bị xử lý theo pháp luật mà còn bị phạt, đưa ra cộng đồng để giáo dục răn đe. Mình là già làng nên phải tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ biên cương, chăm lo lao động sản xuất để xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.
Nhắc đến những “đại thụ” vùng biên không thể không nói tới già làng Ksor H’Lâm ở làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Nữ thủ lĩnh của làng này luôn đi đầu trong mọi phong trào và được xem như biểu tượng cho tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên mảnh đất biên giới Chư Prông. Bà tâm sự: “Là già làng thì phải làm tròn trách nhiệm của mình với cộng đồng, với chính quyền. Vì thế, mình tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc trên địa bàn đoàn kết cùng nhau chăm lo lao động sản xuất, bảo vệ biên cương. Bởi chỉ có chăm lo lao động sản xuất mới có cuộc sống bình yên”.
VĨNH HOÀNG