(GLO)- Nghề trồng rừng như một cơ duyên và ngẫu nhiên gắn với cuộc đời ông Lê Việt Hào ngay tại con đèo hiểm trở bậc nhất Tây Nguyên thời ấy, đèo Mang Yang.
Năm 1955, khi vừa 16 tuổi, ông Hào đã được tập kết ra Bắc, là học sinh miền Nam, rồi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau tốt nghiệp, ông được tổ chức phân công làm việc tại Bộ Lâm nghiệp. Duyên nợ với rừng từ đó. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được điều về công tác tại Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ vị trí công tác ấy, ông nắm rõ tình hình tài nguyên rừng trong khu vực, nhất là thực trạng rừng Tây Nguyên.
Duyên nợ với rừng
Năm 1989, sau khi học xong văn bằng 2 ngành Kinh tế công nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông Hào được điều lên làm Giám đốc Lâm trường Bắc An Khê thuộc Liên hiệp Lâm công nghiệp Kon Hà Nừng. Thế là ông vác ba lô ngược lên Tây Nguyên. Xa phố về rừng nhưng với tư chất nghệ sĩ, ông không hề buồn nản mà lại thấy vui vui.
Ông Hào quê gốc ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), lấy vợ Hà thành. Đưa vợ rời Thủ đô vào Nam chưa được bao nhiêu năm, ông đã lại phải xa vợ con để theo tiếng gọi của niềm đam mê rừng núi.
Ảnh minh họa: Phan Nguyên |
Về nhận chức Giám đốc Lâm trường Bắc An Khê, ông Hào phải đứng trước bao nhiêu khó khăn thử thách. Ngày ấy, Lâm trường làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng nhưng đơn vị của ông chỉ được xếp hạng lâm trường loại 4, nghĩa là giám đốc tối đa chỉ được hưởng hệ số lương 3,94. Mà lương ông khi ấy đã ở mức 3,94 rồi. Vì vậy, đến tận ngày nghỉ hưu, ông không được tăng lương. Không chỉ giám đốc, công nhân lâm trường loại 4 này cũng thua thiệt đủ đường so với các lâm trường có rừng, có nhiệm vụ khai thác, chế biến gỗ. Lương đã thấp lại phải đối mặt với bao nhiêu hiểm họa. Nhất là họa lửa. Núi ở đây vừa cao, lại dốc thăm thẳm, mọc toàn cỏ lông heo, cỏ lông bông, cỏ tranh. Vào mùa khô, khu vực đèo Mang Yang lộng gió, hút gió. Rừng cháy triền miên. Mỗi lần cháy rừng là tất tật thầy trò đều phải chạy, phải lăn cả vào rừng. Mà cứ cháy rừng, mỗi người mất đứt một bộ quần áo và một đôi giày.
Để giữ rừng, trong những năm ấy, ông Hào đã đưa ra sáng kiến đốt rừng chủ động. Nghĩa là vào đầu mùa khô, chủ động phát cây cỏ, tạo các đường băng cản lửa và đốt trước nhằm ngăn cách, cô lập các khu rừng với nhau. Sau này, Lâm trường thành lập 11 đội bảo vệ rừng, 5 tổ trực 24/24 giờ ngay tại rừng trong những ngày mùa khô.
Phủ xanh cổng trời
Những năm ở Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, ông Hào đã nhiều lần lội nát khu vực đèo Mang Yang. Về với đất ấy, với núi đồi đèo dốc, cái máu điều tra, máu dã ngoại lại hừng hực trong ông. Cứ nhìn núi, nhìn mây là muốn trèo, muốn khám phá.
Qua nhiều lần khảo sát, ông Hào phát hiện trên các đỉnh núi cao thuộc vùng đèo Mang Yang vẫn có những vùng đất rất trong lành, nhiều vùng có suối nước, nhiều vùng còn có loại thông ba lá mọc tự nhiên rất tốt. Từ đó, trong đầu ông nảy ra ý tưởng trồng rừng trên những lưng đồi trơ trọi của đèo Mang Yang. Đó là một ý tưởng thật sự táo bạo, lúc ấy ít ai dám nghĩ tới.
Cái lợi của việc trồng rừng phủ xanh dốc đèo thì quá rõ rồi, song phía trước là vô vàn khó khăn. Từ tiền vốn đầu tư, hiệu quả sinh trưởng của cây, rồi chất độc hóa học và đạn bom từ thời chiến tranh còn sót lại trong lòng đất... Tất cả là những câu hỏi chưa có lời đáp. Mê rừng và say sưa phương án trồng rừng, nhiều đêm, ông Hào thức trắng suy nghĩ, nghiên cứu tài liệu, củng cố quyết tâm. Lại nhiều ngày ông bỏ nhiệm sở để leo núi. Sau đó, ông quyết định dời cơ quan từ An Khê lên chân đèo Mang Yang để thực hiện sự nghiệp trồng rừng.
Đèo Mang Yang. Ảnh: Trần Phong |
Khi đã nắm chắc tình hình địa bàn, có những nghiên cứu cụ thể, ông Hào tiến hành vận động sự ủng hộ của các ban, ngành của tỉnh. Ông đã mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh tâm huyết với rừng nhiều lần đi dã ngoại kiểm tra thực địa và thuyết trình các dự định, những ý tưởng tâm huyết mà có phần lãng mạn của mình. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, gọi là Chương trình trồng rừng 327. Mơ ước của ông Hào lúc ấy cứ như trời hạn gặp mưa. Được lãnh đạo tỉnh ủng hộ, được tham gia Chương trình 327, việc trồng rừng phủ xanh đèo Mang Yang đang được hiện thực dần. Đùng một cái, cũng đúng cái năm 1990 ấy, người vợ thân yêu của ông đột ngột qua đời để lại cho ông một nách 3 đứa con nhỏ. Khó khăn chồng chất khó khăn. Thương xót người vợ thân yêu xấu số, ông lại tự thấy mình như người có lỗi. Đó thực sự là một mất mát, một sự hụt hẫng lớn trong đời ông. Dẫu vậy, đã quyết tâm trồng rừng trên đỉnh đèo, đã có sự giúp đỡ ủng hộ của cấp trên, ông Hào không thể dừng lại được.
Thế nhưng khi đã bắt tay vào công việc, có lúc ông Hào như bị ngớp. Mảnh đất ấy còn dày đặc bom đạn, nhiều công nhân cuốc đất trúng mìn bị trọng thương. Đơn vị phải thuê bộ đội Trung đoàn 7 (Quân đoàn 3) rà phá bom mìn hết toàn bộ khu vực rừng đèo. Việc dò gỡ bom đạn cũng là một bước gian nan. Vì đơn vị thiếu tiền, định mức cho phép đầu tư rà phá bom mìn chỉ có 1,2 triệu đồng/ha. Với giá ấy, thực tế chỉ đủ tiền nước nôi. Để được việc, ông Hào đã phải lặn lội, trình bày hết khát vọng, ý tưởng của mình với thủ trưởng Trung đoàn 7. Cảm thấu tấm lòng yêu rừng của ông, lại thương công nhân có thể đổ máu vì màu xanh, cuối cùng Trung đoàn trưởng đã quyết định đảm nhận phần việc khó khăn ấy với một tấm lòng thơm thảo. Hàng ngày, bộ đội phải rà từng tấc đất, bất kể núi cao, suối sâu với bao rủi ro rình rập. Công việc ấy cứ thầm lặng qua tháng ngày trả lại cho những đỉnh đồi sự an lành vốn có.
Giải phóng được mặt bằng, đến công đoạn trồng cây cũng không kém phần nan giải. Đầu tiên là dư lượng chất độc dioxin. Ở những vùng trũng, đất cuốc lên còn nồng nặc mùi chất độc màu da cam hăng nồng. Nhiều công nhân tiếp xúc với chất độc bị đau đầu, nôn mửa, bỏ ăn, thậm chí đổ bệnh. Có người thấy vậy phát nản. Ông Hào lại phải gần gũi, an ủi, động viên. Mọi người hiểu tấm lòng ông nên ai cũng ráng sức. Cũng may là dù có ốm đau, rốt cuộc ai cũng qua, chẳng có người nào phải nằm lại với rừng. Ông Hào bảo: “Mình có mạng cầm quân; chất độc, đạn nổ mà may mắn không bị cướp đi mạng sống nào!”.
Là con nhà quy hoạch, ông Hào nghiên cứu khá kỹ địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn vùng đèo. Đất dốc, sỏi đá nên chỉ phù hợp với loài thông ba lá, loại cây cùng một lập địa với thông rừng tự nhiên ở một số vùng trên đỉnh núi. Mùa mưa ở vùng đèo Mang Yang vào tháng 6 là đủ lượng nước để trồng cây. Để chủ động trong công việc, đảm bảo thời vụ trồng cây sớm, ông Hào có sáng kiến đưa cây vào rừng sớm hơn 1 tháng, tức là vào tháng 5 hàng năm. Cây đưa sớm vào rừng, phải mất công chăm tưới xa xôi vất vả. Lâm trường cắt cử công nhân dựng lán, hàng ngày múc nước suối để tưới. Thế nhưng việc này đã giúp Lâm trường tránh được sự lầy lội của đường rừng khi mùa mưa đến, chủ động được nguồn cây giống để trồng sớm khi mưa xuống. Đặc biệt theo ông Hào, việc chủ động giống cây tại chỗ đã nâng cao hiệu quả của công tác trồng dặm. Ông cho biết, tỷ lệ cây thông ba lá trồng sống khoảng 95%.
Để chủ động đưa được cây giống vào rừng trước mùa mưa với quãng đường khoảng 10 km, Lâm trường đã phải bốc dỡ, vận chuyển qua 4 loại phương tiện khác nhau. Đầu tiên là dùng ô tô chở cây từ nhà các vườn ươm tập kết đến chân đèo, chân núi. Tiếp đến, phải dùng các loại xe độ chở cây đến cửa rừng. Sau đó phải dùng xe bò kéo luồn lách vượt dốc chở cây giống lên tập kết tại các lô. Cuối cùng là thuê đồng bào dân tộc thiểu số dùng gùi mang cây từ lô về các tiểu khu trên sườn dốc 40-45 độ. Người khỏe tối đa gùi mang được 80 bầu giống cây. Mỗi ngày, một người mang được 2-3 chuyến vượt dốc trên quãng đường 4-5 km. Những năm đầu, Lâm trường chỉ dám trồng 50-100 ha. Về sau, khi đã có kinh nghiệm, lại được sự đầu tư từ Chương trình 661 (chương trình 5 triệu ha rừng), Lâm trường đã mạnh dạn trồng khoảng 200 ha/năm. Qua 10 năm (1991-2001), Lâm trường Bắc An Khê, dưới sự chỉ huy đầy nhiệt huyết của ông Hào đã trồng được xấp xỉ 1.000 ha rừng phủ xanh hầu hết đỉnh đèo Mang Yang. Sau hàng thập kỷ, từ khu rừng chết, đèo Mang Yang đã được trả lại màu xanh.
Với một tâm hồn thi vị, ông Hào không chỉ trồng rừng phủ xanh lưng đèo mà còn chỉ đạo công nhân trồng cây bóng mát hai bên đường đèo bằng một loài hoa cũng đầy chất thơ. Đó là loài hoa sữa, loài hoa ngạt ngào của Thủ đô Hà Nội đã đi vào bao áng thơ ca trữ tình. Bây giờ ở hai bên đường đèo Mang Yang, hoa sữa đã mọc thẳng hàng, cho hoa thơm nức như phố Nguyễn Du của Hà Nội. Có người bảo, ông Hào quá nhớ Hà Nội nên trồng đầy con đường đèo toàn là hoa sữa. Không biết có đúng không? Hỏi, ông chỉ cười rất vui. Mà có nhớ Hà Nội cũng là đúng thôi. Đời ông đã lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, làm việc ở Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm liền, lại lấy vợ người chính gốc Hà Nội, không nhớ sao được!
Bây giờ, ông Lê Việt Hào đã nghỉ hưu. Là người mê lội rừng và săn ảnh thiên nhiên kỳ thú, bức ảnh đẹp nhất dành cho người trồng rừng lãng mạn một thời đang thành hình giữa cổng trời vút cao hùng vĩ. Cây trên đèo Mang Yang đã thành rừng đại thụ!
PHẠM ĐỨC LONG