Người neo giữ ký ức Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 50 năm gắn bó với nghề đánh bắt tép ở Biển Hồ, ông Ksor Nưk (60 tuổi, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của vùng đất này. Với ông, ký ức về “đôi mắt Pleiku” chính là những hoài niệm về năm tháng cuộc đời mình.

 Ông Ksor Nưk có hơn 50 năm gắn bó với nghề đánh bắt tép ở Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung
Ông Ksor Nưk có hơn 50 năm gắn bó với nghề đánh bắt tép ở Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung

Có lẽ hình ảnh ông già Nưk xuất hiện hàng ngày ở Biển Hồ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với dân làng Ia Nueng. “Tôi lớn lên và mưu sinh ở Biển Hồ. Một ngày không được ra đây, tôi cảm thấy như thiếu vắng điều gì đó. Theo thời gian, Biển Hồ đã thay đổi rất nhiều, nhưng ký ức về nó thì tôi nhớ rất rõ và trân trọng vô cùng”-ông Nưk mở đầu câu chuyện.

Ông Nưk kể, từ năm lên 10 tuổi, ông đã cùng cha và những người già trong làng lênh đênh trên mặt nước Biển Hồ để thả lưới bắt tép, cá về cải thiện bữa ăn cho gia đình cũng như bán cho người dân trong vùng. Cha ông là người đánh bắt nổi tiếng lúc bấy giờ. Trước năm 1975, nhờ nghề bắt cá mà gia đình ông Nưk làm được căn nhà to nhất làng.

Khi xưa, Biển Hồ là bến nước uống chung của dân làng Ia Nueng. Nước ở đây rất xanh trong, soi rõ mặt người cùng những bãi cát dài thoai thoải và đá cuội nhấp nhô. “Ngày còn nhỏ, chúng tôi vẫn ra đây tắm mát và chơi đùa vào mỗi buổi chiều. Từ trên làng đi xuống lòng hồ, cây cối rậm rạp, chỉ có một vài lối đi nhỏ. Trên cây, lũ khỉ, sóc chuyền cành gọi bầy, dưới đất là thỏ và nai rừng”-ông Nưk nhắc nhớ.

Dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng nước Biển Hồ chưa khi nào vơi cạn. Không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và nguồn thủy sản phong phú, Biển Hồ còn có cảnh quan tuyệt đẹp, thoáng đãng, khí hậu mát mẻ quanh năm, trở thành nơi hẹn hò của nhiều đôi nam nữ trong làng. “Cũng như bao đôi trai gái của làng, vợ chồng mình nên duyên ở bến nước này. Nơi này trở thành “ông mai, bà mối” mát tay khi bao cặp vợ chồng đến với nhau và sinh con đẻ cái để làng mình ngày càng đông vui, hạnh phúc”-ông Nưk tâm sự.

Ngày nay, Biển Hồ được đầu tư, tôn tạo và đón nhiều du khách. Thời gian đầu, do chưa quen với sự thay đổi này nên đôi lúc ông Nưk cảm thấy rất buồn, có phần hụt hẫng. Ông bày tỏ: “Thế rồi, khi con đường lớn được mở chạy dài xuống lòng hồ cùng những hàng thông cao vút, ngát xanh, du khách đến với Biển Hồ ngày một đông. Làng cũng trở nên đông vui hơn. Tôi cũng dần nguôi nỗi buồn. Sau nhiều lần nói chuyện với khách tham quan, tôi trở thành người giới thiệu về Biển Hồ và làng Ia Nueng cho họ”.

  Ông Ksor Nưk  tự hào khi mình được chúng kiến sự đổi thay của Biển Hồ. Ảnh Trần Dung
Ông Ksor Nưk tự hào khi mình được chứng kiến sự đổi thay của Biển Hồ. Ảnh Trần Dung



Theo già làng Hmrik, nếu muốn biết tường tận về những đổi thay của Biển Hồ, có lẽ phải tìm tới ông Nưk. Là người đã gắn bó cả cuộc đời mình ở lòng hồ này, ông Nưk luôn có ý thức gìn giữ từng gốc cây, ngọn cỏ và cả mặt nước hồ. Ông còn luôn nhắc nhở bà con và du khách khi tới Biển Hồ phải gìn giữ vệ sinh chung, phải biết bảo vệ nguồn nước.

Ngày nay, dù cuộc sống dần đủ đầy nhưng hàng ngày, ông Nưk vẫn miệt mài đánh bắt thủy sản, vừa thỏa mãn niềm đam mê của mình, vừa tăng thêm thu nhập khi bán được loài tép đặc sản. Để có được mớ tép tươi rói, ông Nưk thường chèo thuyền đánh bắt thủ công vào ban đêm. Ông hào hứng kể: “Tép là quà tặng của thiên nhiên giúp người làng cải thiện bữa cơm hoặc có khi đánh bắt được nhiều thì sẽ có thêm nguồn thu nhập. Tép Biển Hồ là ngon nhất vì nó có kích thước vừa phải, độ ngọt rất thanh. Cách đây hơn 10 năm, tép Biển Hồ rất nhiều. Mỗi đêm, chúng tôi có thể đánh bắt được cả gùi lớn. Hồi đó, du khách phương xa tới thăm làng và thưởng thức món tép này, họ rất ngạc nhiên vì hương vị đặc biệt của nó”.

Là người lưu giữ và trân trọng nghề đánh bắt loài tép đặc sản, ông Nưk có nhiều kinh nghiệm để những mẻ lưới luôn đầy ắp. Những năm gần đây, Ia Nueng trở thành làng du lịch, người dân đánh bắt tép lâu năm như ông Nưk lại có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các nhà hàng, du khách. Và, cũng từ đây, câu chuyện về Biển Hồ của ông được nhiều người biết đến.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thạch-nhân viên bảo vệ Khu du lịch sinh thái Biển Hồ-cho biết: “Ông Nưk là người đánh bắt tép thủ công lâu năm ở quanh vùng hồ. Sự có mặt của ông đã trở nên quen thuộc đối với chúng tôi. Hình ảnh ông Nưk cần mẫn lao động ven lòng hồ trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nhiếp ảnh gia khi tới thưởng ngoạn và sáng tác nghệ thuật tại đây. Ông Nưk như một nhân chứng cho sự đổi thay của nơi này”.

 

 TRẦN DUNG