Người đi tìm, quảng bá nét đẹp ở buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã gặt hái không ít thành công khi chọn bầu bạn với chiếc máy ảnh. Từ một nghề làm "cần câu cơm" rồi đam mê khi nào không biết, người nghệ sĩ ấy dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn rong ruổi không biết mệt mỏi để tìm kiếm, bắt trọn khoảnh khắc, vẻ đẹp nơi buôn, làng.

Hồi còn công tác ở Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai tôi và Trần Văn Hùng được lãnh đạo phân công tham gia tổ chức, biên tập tập san Giáo dục. Từ đó, tôi phát hiện anh Hùng, người con của vùng đất Quảng Trị một thời hoa lửa, ngoài chuyên môn là giáo viên Văn THPT, anh còn có nhiều năng khiếu khác như hội họa, nhiếp ảnh… Khi được phân công về giảng dạy ở Trường THPT Chư Prông, anh Hùng có điều kiện tiếp cận với học sinh và đồng bào dân tộc bản địa nơi đây và anh bắt đầu cảm nhận, yêu mến những nét đẹp thuần khiết, hoang sơ của phong cảnh núi rừng, buôn làng và con người mộc mạc, chân chất như được chắt lọc ra đất đá bazan nguyên bản, từ nắng gió cao nguyên trong lành.

Anh Trần Văn Hùng. Ảnh: B.Q.V
Anh Trần Văn Hùng. Ảnh: B.Q.V

Một thời gian sau, tôi được tin anh Hùng đã xin nghỉ việc và lập gia đình. Khi chuyển nghề, với sự năng động vốn có, anh thuê một căn phòng nhỏ ở Bến xe nội thị xã (trên đường Trần Phú, TP. Pleiku) để mở cửa hiệu vẽ truyền thần kết hợp nhiếp ảnh.

Từ chiếc máy Praktica đầu tiên, anh bắt đầu bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh. Khi đã xác định được con đường dấn thân, anh Hùng dời về rạp Hoa Lư cũ (cuối đường Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku nay là Quảng trường Đại Đoàn Kết) thuê mặt bằng mở tiệm chụp hình. Thời đó, nghề nhiếp ảnh rất thịnh hành và nhiều người kinh doanh lĩnh vực này khá thành công. Không dừng lại ở nghề nhiếp ảnh đơn thuần, với niềm đam mê nghệ thuật, anh Hùng đã bắt đầu chuyển sang lĩnh vực sáng tác; từ chiếc máy ảnh cơ với ảnh trắng đen rồi ảnh màu và chọn đối tượng khai thác là “Đất và người Tây Nguyên”.

Bấy giờ, anh có nghệ danh là Hùng Hoa Lư. Tên “Hoa Lư” là để lưu lại dấu ấn ban đầu nơi anh dấn thân vào nghề nghiệp mới với những thành công nhất định. Anh hay đùa với bạn bè, cái tên Hùng Hoa Lư nói lái là “Hùng Hư Loa” để ám chỉ sự thật là anh mất giọng khi còn đứng trên bục giảng. Anh cho rằng, khi đã gắn bó với lĩnh vực ảnh nghệ thuật là phải biết đam mê và hy sinh cả thời gian và vật chất. Đây cũng là “nghề chơi lắm công phu”, không phải lúc nào xách máy ra là có thể gặt hái được thành quả mà cần phải có tính kiên trì của người câu cá, và chọn đúng thời cơ vàng để bấm máy… Người làm ảnh nghệ thuật, ngoài am tường kỹ thuật còn phải có ý tưởng và chọn được đề tài, nội dung để thể hiện, chú trọng yếu tố chiều sâu của tác phẩm ảnh, phải độc và lạ…
 

Afternoon of mother.
"Afternoon of mother"-một tác phẩm ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư


Trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật của mình, Hùng Hoa Lư đã có hàng trăm tác phẩm đạt giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Đây là sự cống hiến không mệt mỏi của người nghệ sĩ luôn gắn bó với buôn làng, với nét đẹp tiềm ẩn, nguyên sơ của những con người thoát thai từ “văn hóa rừng” mà không phải ai cũng có con mắt tinh tường để nhìn ra. Trong đó, tác phẩm “Present and future” (Hiện tại và tương lai) thực sự ấn tượng khi đạt nhiều huy chương vàng giải quốc tế, tác giả được mời sang Indonesia nhận giải và đi thực tế sáng tác tại đất nước này. Bức ảnh có ý tưởng độc đáo với hình ảnh hai đứa bé Jrai ngây thơ đứng nép giữa rừng tượng nhà mồ của dân tộc bản địa. Những bức tượng gỗ ngồi ôm mặt với nét trầm tư, huyền bí… thường thấy ở “rừng ma”, nơi của thế giới atâu (thế giới của người chết).

Present and future
Tác phẩm “Present and future” (Hiện tại và tương lai) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư

Trong không gian huyền ảo ấy bỗng xuất hiện hai gương mặt trẻ thơ với đôi mắt hồn nhiên, vô tư như những viên ngọc lung linh đang nhìn về thế giới con người. Chúng đứng tựa vào nhau giữa rừng tượng như những thiên thần hiện ra từ một thế giới hôm nay và tương lai. Tác phẩm này đã gây ấn tượng mạnh cho người xem, thể hiện được chiều sâu tư duy nhưng vẫn giữ được cốt cách và nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Còn với tác phẩm “Village elder" (Già làng) của anh theo lối tả thực đầy gợi cảm với góc ảnh trực diện diễn tả toàn bộ gương mặt cương nghị một già làng với chòm râu, mái tóc và làn da, nếp nhăn đặc trưng, mang sắc thái dân tộc bản địa, phía sau là những lò gạch cũ. Với motif tả thực này, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh thể hiện khá thành công nhưng đối với Hùng Hoa Lư, anh đã có góc nhìn riêng, thường chọn đường nét, ánh sáng và cảm xúc trên gương mặt đối tượng để lột tả chiều sâu của nhân vật.

Cũng với lối miêu tả chân dung, trong các tác phẩm đã từng đạt giải quốc tế như: “Mother Ayun Pa" (Người mẹ Ayun Pa) hay “Winter afternoon" (Chiều đông), “Mother Mang Yang" (Người mẹ Mang Yang)… đều đem đến cho người xem cảm xúc chân thực được thể hiện với từng nét suy tư, lo lắng trên khuôn mặt và ánh mắt như muốn nói lên điều gì đó mà mọi người có thể nhận ra. Hai tác phẩm: “A cosy life" (ấm cúng), “Highland culture" (Văn hóa cao nguyên) với đối tượng là cậu bé người dân tộc bản địa trong vòng tay của cụ bà với đường nét gợi cảm, có hồn, khá đặc trưng đem đến cho người xem nhiều ấn tượng đẹp về hình tượng, sắc thái cao nguyên.

Ở một thể loại “ảnh ý tưởng”, dù mới tham gia lần đầu ở giải quốc gia (năm 2022), Hùng Hoa Lư đã gặt hái được thành công trong khi vượt qua hàng ngàn tác phẩm khác để có được vinh dự này. Với tác phẩm “Ước mơ vùng cao”, tác giả cũng chọn đối tượng thể hiện là những thiếu niên người dân tộc bản địa hồn nhiên đang chơi đùa giữa cánh đồng lúa với những chiếc chong chóng trên tay và hình ảnh một cậu bé tươi cười cũng đang cầm chong chóng quay bay trên đầu lũ trẻ. Ý tưởng xuất phát từ đây, một ước mơ vươn lên, bay cao bay xa của một thế hệ mới đang hướng về tương lai của các em nơi vùng cao nguyên hiện còn nhiều gian khó…

Tác phẩm “Village elder- (Già làng)”
Tác phẩm “Village elder" (Già làng) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư



Nhận xét về đồng nghiệp của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam-đánh giá: “Anh ấy đến với nhiếp ảnh nghệ thuật bằng niềm đam mê và tài năng, nhưng quan trọng là Hùng Hoa Lư đến với nghệ thuật trên nền tảng tri thức khá bài bản và chuyên nghiệp. Thành công của anh là sự phấn đấu không ngừng, bên cạnh đó, mảnh đất Tây Nguyên là vùng “địa lợi” để người nghệ sĩ ấy thi triển sở trường của mình”.


Có thể nói, thành công nối tiếp thành công trên lĩnh vực ảnh nghệ thuật đã thôi thúc nghệ sĩ Hùng Hoa Lư đầu tư mở rộng trong lĩnh vực hoạt động của mình mặc dù đang ở độ tuổi U70. Vốn là một thầy giáo, bước sang lĩnh vực nhiếp ảnh, anh đã nghĩ đến việc đào tạo một thế hệ người dân tộc bản địa có tay nghề và đam mê nghệ thuật. Hiện tại, anh đã có vài học trò người Jrai bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh này, nhưng con đường phía trước còn dài, còn phải chăm chút để ươm mầm tài năng. Bên cạnh đó, anh còn sử dụng mạng Youtube để quảng bá hình ảnh Tây Nguyên, những nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao với sự cộng tác của nữ MC người Jrai-Rơcham Xuân Pleiku (đã tốt nghiệp đại học) có giọng đọc khá tốt và dịch qua ngôn ngữ địa phương (Jrai), tiếng Anh để phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước. Đến nay, các chương trình và nội dung của anh chuyển tải trên Youtube đã thu hút khoảng 100 ngàn lượt xem.

Với ý tưởng, làm thế nào để chuyển tải hình ảnh, nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên đến với mọi tầng lớp nhân dân và các dân tộc trên thế giới, bên cạnh sự sáng tạo trong nghệ thuật nhiếp ảnh, anh còn mở rộng nhiều kênh khác như: học cách tạc tượng dân gian của các nghệ nhân Jrai, Bahnar để tự tay điêu khắc gỗ, phối hợp với các loại hình nghệ thuật khác để quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Tây Nguyên hùng vĩ đến mọi người, trong đó có ý tưởng kết hợp giữa hội họa và nhiếp ảnh, hai lĩnh vực sở trường của anh để tạo nên bước đột phá mới trên con đường nghệ thuật.

 

BÙI QUANG VINH