(GLO)- Những năm qua, chính quyền TP. Pleiku đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, lòng đường, vỉa hè, tạo cảnh quan đô thị, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự. Đây còn là “điểm nhấn” để thành phố đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch.
Cần quan tâm đầu tư hệ thống điện chiếu sáng
Theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế, thành phố hiện có 207/207 con đường chính đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống đèn chiếu sáng với 8.723 bóng đèn các loại; trong số 2.215 con hẻm đã có 450 hẻm lắp đặt được 4.686 bóng đèn. Đó là sự cố gắng lớn của chính quyền trong những năm qua. “Sáng” là một trong những tiêu chí mà nhiều đô thị hướng tới cùng với mục tiêu “xanh-sạch”. Nhớ thời trước, không chỉ có Pleiku mà nhiều nơi trong cả nước, mang danh là chốn phồn hoa đô hội nhưng để có được những con đường thật sự “sáng” theo nghĩa đen là một mơ ước. Giờ đây, cho dù chỉ là những thị tứ, thị trấn từ đồng bằng cho đến vùng xa xôi hẻo lánh thì điện đường cũng sáng rực cả đêm. Các nhà sản xuất cũng ngày càng cho ra đời nhiều loại thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện năng như: đèn led, đèn năng lượng mặt trời...
Tại những con đường nội thành Pleiku như: Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Cách Mạng Tháng Tám... cùng với việc đầu tư mở rộng, nâng cấp mặt đường và vỉa hè thì hệ thống chiếu sáng, các loại đèn trang trí công cộng cũng được đầu tư bài bản, đồng bộ. Đèn chiếu sáng đô thị ngoài tạo ra cảnh quan đường phố, giảm thiểu tai nạn giao thông, ngăn ngừa tội phạm thì còn là “điểm nhấn” góp phần tăng thêm giá trị thương hiệu cho các sản phẩm nền kinh tế, nhất là dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng, tạo nét đặc trưng của một đô thị.
Đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyên Võ |
450/2.215 con hẻm ở TP. Pleiku có điện chiếu sáng là con số còn quá thấp. Được biết, những năm gần đây, lãnh đạo thành phố cũng đã vận dụng chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong việc huy động vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại nhiều con hẻm, đảm bảo vừa thuận tiện cho việc đi lại, mua bán của người dân, vừa góp phần làm thay đổi “bộ mặt hẻm”. Tuy vậy, ở vùng liền kề ngoại ô hay nhiều khu phố, nhất là các “làng trong phố” còn rất nhiều con hẻm thiếu ánh sáng về đêm. Vì vậy, thành phố cần có kế hoạch vận động người dân tham gia đóng góp kinh phí nâng cấp những con hẻm và đường làng, cùng với đó là đầu tư hệ thống chiếu sáng để thuận tiện cho việc đi lại, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, làm sáng và đẹp cảnh quan thành phố.
Đèn trang trí ở TP. Pleiku cũng là điều nên quan tâm. Hiện ở khu vực nội thị Pleiku, nhiều con đường và những nơi sinh hoạt công cộng như quảng trường, công viên... đã có hệ thống đèn trang trí khá bắt mắt với những họa tiết, màu sắc mới lạ. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết thì cần có định hướng về nghệ thuật mang tính đặc trưng văn hóa của một đô thị miền núi cao nguyên, tránh làm theo kiểu “ngẫu hứng”. Chúng tôi nghĩ, với kỹ thuật-công nghệ ngày nay, không khó để tạo những thiết kế hoa văn, họa tiết, màu sắc phù hợp với không gian đô thị mang đặc trưng riêng biệt “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” mà TP. Pleiku hướng đến. Nhân đây cũng nói thêm, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, siêu thị... đã biết lấy đèn trang trí, ngoài chức năng quảng bá hình ảnh của đơn vị theo cách thông thường, còn làm điểm nhấn về “phong cách” đặc trưng riêng biệt của loại hàng hóa mà mình sản xuất kinh doanh. Điều đó nên phát huy, nhân rộng.
Đường thông, hè thoáng
Câu chuyện đường thông, hè thoáng ở TP. Pleiku có lẽ kể mãi không bao giờ hết. Như đã nói ở những phần trên, trở thành đô thị loại I, Pleiku đã cố gắng dành kinh phí đầu tư cho việc chỉnh trang đô thị, nâng cấp, mở rộng nhiều con đường nội đô, giải tỏa nhiều “chướng ngại vật”, từng bước thiết lập lại trật tự đô thị... Thế nhưng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh, đậu đỗ xe vẫn còn xảy ra, gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị.
Mua bán trên vỉa hè và hàng rong trên phố là một nhu cầu khách quan. Nóng vội bằng các hình thức hành chính xóa bỏ việc này là chưa thể. Nhưng không phải vì thế mà người người tranh nhau từng mét vuông vỉa hè, góc phố để “mở cửa hàng”, thậm chí là... mở chợ. Nhiều hè phố của TP. Pleiku khá rộng rãi, nhưng vì không ít người dân thiếu ý thức, không chấp hành các quy định của chính quyền, lấn chiếm làm của riêng nên không còn lối dành cho người đi bộ. Vấn đề nữa là đời sống, thu nhập của đại đa số người dân Pleiku ngày càng khá lên, nhu cầu đi lại tăng nên lượng ô tô, xe máy ngày càng nhiều, lại chưa có quy hoạch nơi đậu đỗ hợp lý, do đó, chủ phương tiện tùy tiện đậu đỗ bất cứ nơi nào có thể cũng là chuyện cần bàn. Phía trước nhà ở của mình, nhiều hộ tự ý làm mái che cố định hoặc mái di động không theo một quy định nào. Có nhiều đoạn lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm xây bậc thềm để lên xuống gây mất thẩm mỹ, rất khó chịu đối với khách bộ hành. Nên chăng có các quy định, quy ước rất cụ thể về khoảng không gian trước, trên các vỉa hè mà nhà người dân được sử dụng, có vạch quy định lối dành cho người đi bộ và đậu đỗ phương tiện giao thông, cũng có thể quy giờ được mua bán và kết thúc ở những nơi công cộng...
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên |
Được biết, trong hành trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền và người dân TP. Pleiku phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị hợp lý, hài hòa, đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa để trở thành “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Trong hành trình này, thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ trước mắt và dài hạn như: thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, trong đó đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Theo Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân, thành phố sẽ triển khai các giải pháp cụ thể nhằm liên kết, phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch, kết nối với các địa phương trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên, hình thành các điểm du lịch có chất lượng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư với các khu đô thị mới, khách sạn chất lượng cao, nhà phố thương mại, các chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí; tập trung thu hút đầu tư vào các điểm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương. Đồng thời, phát triển các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, dịch vụ ẩm thực tại các làng nông thôn mới, làng văn hóa du lịch. Cùng với đó, xây dựng thành phố là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, bảo đảm các điều kiện tốt nhất về môi trường “xanh-sạch-đẹp”, an ninh, an toàn và thân thiện để thu hút du khách. Đầu tư bảo tồn và xây dựng một số làng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
BÍCH HÀ