Kỳ 1: Phát triển cây xanh đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Pleiku trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Nhưng theo chúng tôi, Pleiku không chỉ hướng đến “xanh” mà còn cần phải “sạch, sáng, thân thiện, an toàn” để xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Điều này cũng rất phù hợp khi thành phố coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong định hướng phát triển.
Trong định hướng xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, Đảng bộ, chính quyền TP. Pleiku đặc biệt quan tâm đến vấn đề cây xanh đô thị. Lựa chọn loài cây đặc trưng, bản địa hay là sự kết hợp của nhiều loài cây, thảm cỏ đa sắc màu cho “lá phổi xanh” của Phố núi đang là điều được cân nhắc, tính toán kỹ càng.
Thực trạng
Theo số liệu mà người viết có được, TP. Pleiku có gần 14.500 cây xanh thuộc 32 loài khác nhau được trồng trên 107/273 tuyến đường đã có tên. Vấn đề quy hoạch cây xanh đô thị Pleiku đã rất nhiều lần được bàn đến. Bởi lẽ, trước ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), Pleiku là một đô thị gắn liền với căn cứ quân sự lớn của chế độ cũ, việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị nói chung và cây xanh nói riêng không được chú ý. Trong khi quy hoạch từ thời Pháp thuộc chỉ phù hợp cho một đô thị nhỏ lúc bấy giờ. Theo lời kể của cố Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn, những năm trước 1945, khi ông học ở Trường Tiểu học Pháp-Jrai tại Pleiku thì ở đây chỉ có cây thông, long não và vài ba loại cây khác có tinh dầu được trồng. Người ta bảo các loài cây này thanh lọc không khí rất tốt cho một đô thị mới hình thành trên vùng cao nguyên, xứ mà người miền xuôi gọi là “rừng thiêng nước độc”. Những năm đầu sau giải phóng, chính quyền tập trung giải quyết cái ăn, cái mặc, phòng bệnh, chữa bệnh, chuyện học hành cho trẻ em đã là quá sức trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp; việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo đô thị, trong đó có cây xanh đô thị, tạm thời chưa bàn đến.
Liên tục các năm sau này, một số tuyến đường nội thị Pleiku như: Hùng Vương, Trần Phú, Lê Lợi, Phan Đình Phùng... được đầu tư cải tạo, nâng cấp và trồng cây xanh, dù chưa có một quy hoạch bài bản, chưa tính đến việc chọn chủng loại cây nào phù hợp cho từng tuyến đường. Vì thế, nhiều tuyến đường đã xuất hiện tình trạng mạnh ai nấy trồng, có cả những loại cây tạp, về sau phải đào bỏ. Cũng vì thiếu quy hoạch nên mới xảy ra chuyện cây mới trồng đã bị chặt hạ, đào bỏ vì vướng đến các công trình khác như cấp thoát nước, điện lưới, cáp quang, kiến trúc... Cứ luẩn quẩn như thế cho nên mãi mà Pleiku chưa hình thành được những con đường có cây xanh mang đặc trưng riêng để khi nhắc đến thành phố này, khách thập phương cũng như người dân Phố núi nghĩ và nhớ ngay đến một loài cây; hay nói đến một loài cây người ta nghĩ và nhớ ngay đến Pleiku!
Ngày 24-4-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/1999/NĐ-CP thành lập TP. Pleiku. Từ đây, Đảng bộ TP. Pleiku đặt vấn đề xây dựng đô thị có quy hoạch, bổ sung quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch. Rồi Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo Quyết định số 145/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Phải nói rằng, kể từ đây, phố phường như được thay áo mới. Hạ tầng sản xuất và xã hội được cả tỉnh và thành phố tập trung đầu tư, đô thị được chỉnh trang, nhiều tuyến đường được sửa sang, nâng cấp, vỉa hè mở rộng. Theo đó, cây xanh đường phố cũng đã được chú ý đến.
Đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) rợp bóng cây xanh. Ảnh: Đức Thụy
Đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) rợp bóng cây xanh. Ảnh: Đức Thụy
Vai trò cây xanh
Hẳn ai cũng biết vai trò của cây xanh trong đô thị, đặc biệt là với một đô thị đang trên đà phát triển công nghiệp và dịch vụ như Pleiku. Tại hội thảo bàn về phát triển cây xanh đô thị mới đây do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND TP. Pleiku tổ chức, nhiều ý kiến tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của cây xanh đô thị. Theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế, cây xanh có vai trò lớn trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, làm đẹp cảnh quan và tạo môi trường sống trong đô thị. Còn PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thì cho rằng: Cây xanh hai bên đường phố có thể làm giảm 30-60% lượng bụi trong không khí, ngăn cản tiếng ồn, góp phần đa dạng sinh học, làm giảm thiếu khí nhà kính, giảm bức xạ mặt trời, góp phần điều tiết khí hậu. Cũng theo PGS-TS. Nguyễn Danh, trung bình 1 ha rừng hoặc vườn cây xanh có thể hấp thụ đến 1.000 kg khí CO2 và thải ra 730 kg khí O2 mỗi ngày.
Công viên, lâm viên, vỉa hè... được trồng các loại cỏ xanh, cỏ cho hoa quanh năm sẽ điểm tô cho phố phường thêm màu sắc, làm dịu mắt khách bộ hành. Vai trò thảm cỏ xanh được PGS-TS. Nguyễn Danh khẳng định, mỗi người dân đô thị cần 10 m2 cây xanh hoặc 25 m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống. Vỉa hè TP. Pleiku những năm gần đây được đầu tư duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng đã góp phần làm cho phố phường sạch, đẹp, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, việc tạo ra các dải phân cách xanh, thảm cỏ xanh cho vỉa hè còn chưa được quan tâm chú ý.
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Cần quy hoạch đồng bộ
Khách quan mà nói, việc trồng cây xanh đường phố lâu nay khá tùy tiện, chưa có quy hoạch đồng bộ cả hệ thống hạ tầng dịch vụ. Vì vậy, trong tương lai, để xứng với đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là 1 trong 20 đô thị thuộc loại này của cả nước, Pleiku cần có bước đột phá về xây dựng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII đề ra: Xây dựng Pleiku trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Trước hết, trừ những con đường, những vị trí nội thành đã thành... cổ, chúng ta cần giữ lại thì việc mở rộng nội thành, đầu tư xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đường phố, xây dựng hoa viên, công viên, tiểu lâm viên... cần một quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch và thực hiện quy hoạch trồng cây xanh, thảm cỏ.
Thực hiện việc làm nói trên, trước hết, chúng tôi đồng tình với ý kiến của PGS-TS. Nguyễn Danh rằng hệ thống cây xanh trong đô thị không chỉ đẹp và thân thiện với cộng đồng dân cư, hài hòa với các công trình kiến trúc, tạo dấu ấn riêng của đô thị mà còn đem lại hiệu quả cho cả kinh tế, môi trường, cảnh quan... Ông nhấn mạnh: “Hệ thống cây xanh đô thị cần có sự đa dạng về chủng loại, chiều cao, tán cây, loài hoa, màu sắc (lá và hoa); ưu tiên chọn những loài cây bản địa, tạo điểm nhấn cho từng con đường, khu phố, công viên, lâm viên”. Hiện ở TP. Pleiku, trong tổng số 107 tuyến đường và một số công viên đã trồng được 14.500 cây xanh mà theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku gồm 5.719 cây sao đen, 2.824 cây dầu rái, 2.661 cây thông, 532 cây bằng lăng. Số cây xanh còn lại phân bổ cho nhiều loài bản địa và ngoại lai. Theo số liệu đã nêu thì rõ ràng chúng ta chưa có quy hoạch định hướng về loài cây chủ lực và bản địa để làm điểm nhấn, nhất là những loài cây bản địa vốn đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại gần gũi với người dân địa phương.
Vấn đề xã hội hóa việc trồng cây xanh cũng rất cần thiết. Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách có hạn, công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thành phố đầu tư trồng và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ là việc nên làm. Nhất là trong khuôn viên các cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang, các khu-cụm công nghiệp, tùy thực tế từng nơi cần dành diện tích thích hợp cho việc trồng cây xanh, thảm cỏ và hoa. Lẽ ra, trong quy hoạch phát triển, mở rộng nội thành Pleiku ra ngoại vi cần có quy hoạch những vành đai xanh, có thể dành diện tích đáng kể cho trồng rừng che chắn gió từ ngoại thành. Khi biết Thủ tướng Chính phủ phát động toàn dân trồng 1 tỷ cây xanh, một cán bộ trẻ gọi cho tôi nêu ý tưởng vận động mọi tầng lớp nhân dân, đi đầu là các hội đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, chọn một vùng đất đã được quy hoạch trồng cây xanh quanh TP. Pleiku để mọi người, mọi ngành trong các sự kiện chung hoặc cá nhân đến đó trồng cây làm mốc lưu niệm.
Một vấn đề khá nan giải trong việc phát triển cây xanh, thảm hoa, cỏ trong đô thị là ý thức bảo vệ của cộng đồng. Trồng thì dễ nhưng chăm sóc, bảo vệ không hề dễ. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động mọi người trồng cây, cơ quan chức năng cần đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những người vô ý thức hoặc cố tình phá hoại cây xanh, thảm cỏ và hoa trong thành phố. Ký cam kết giữa cơ quan chức năng với từng hộ dân trong việc bảo vệ, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, thảm hoa đường phố, nhất là cây được trồng ngay vỉa hè cạnh nhà riêng của người dân, có thể có “sơ yếu lý lịch” của cây để quản lý. Làm được thế thì ý thức của người dân trong việc bảo vệ cây xanh đường phố sẽ từng bước thay đổi.
 
BÍCH HÀ
-------------
Kỳ 2: Xử lý rác thải