Kỳ 1: Phá rừng lấy củi sấy thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cây thuốc lá đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ nông dân vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, việc phát triển loại cây trồng này cũng đem đến nhiều hệ lụy. Đặc biệt, việc sử dụng củi rừng để làm chất đốt cho hàng ngàn lò sấy thuốc lá là nguyên nhân khiến nhiều diện tích rừng nơi đây bị đốn hạ không thương tiếc.

Diện tích rừng tự nhiên tại khu vực Đông Nam tỉnh liên tục bị xâm hại trong thời gian qua. Nhiều vụ phá rừng đã bị phát hiện và xử lý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân phá rừng là để lấy củi phục vụ các lò sấy thuốc lá. Để xảy ra tình trạng này còn bởi lực lượng chức năng các địa phương buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Phóng viên Báo Gia Lai phát hiện một lượng lớn củi rừng tự nhiên tại thôn Bình Hòa (xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Ảnh: Quang Tấn
Phóng viên Báo Gia Lai phát hiện một lượng lớn củi rừng tự nhiên tại thôn Bình Hòa (xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Ảnh: Quang Tấn


Ngang nhiên xâm hại rừng

Khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Ia Pa và Kông Chro là “điểm nóng” về khai thác củi và gỗ trái pháp luật. Mới đây, từ nguồn tin của người dân, P.V Báo Gia Lai đã tiếp cận tiểu khu 778 thuộc lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro).

Mất hơn 2 giờ đồng hồ theo đường xương cá đi sâu vào rừng, chúng tôi phát hiện nhiều cây gỗ có đường kính 10-20 cm, chủ yếu là cà chít, dầu, bằng lăng và gỗ tạp bị đốn hạ, cắt thành từng khúc theo quy cách dài gần 1 m. Hầu hết các cây gỗ này đã bị lâm tặc đốn hạ cách đây khoảng 1 tháng nhưng chưa vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo người dẫn đường cho biết, số gỗ này chủ yếu họ lấy về làm củi đốt lò gạch và sấy thuốc lá. Vì thế, lâm tặc thường cắt theo quy cách rồi để tại chỗ đợi khô mới vận chuyển về bán. Cũng tại khu vực này, vào năm 2019, lực lượng chức năng phát hiện 155 lóng, hộp gỗ với tổng khối lượng hơn 20 m3.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Trần Ngọc Anh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa-thông tin: “Lợi dụng địa bàn giáp ranh, đất canh tác của người dân đan xen, đường đi khó khăn, các đối tượng đã cắt hạ một số cây rừng, sau đó chờ cho cây khô sẽ thu gom, vận chuyển về bán. Phát hiện vụ việc, chúng tôi đã kiểm tra hiện trường, thu gom cây bị cưa hạ. Đồng thời, Công ty làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa nhằm tăng cường công tác phối hợp ngăn chặn việc người dân vào lâm phần do đơn vị quản lý chặt hạ cây rừng”.

 Khối lượng củi gỗ tự nhiên tại các điểm tập kết do P.V Báo Gia Lai phát hiện và báo cho Kiểm lâm huyện Ia Pa là gần 14,5 ster củi. Ảnh: Quang Tấn
Khối lượng củi rừng tự nhiên tại các điểm tập kết do phóng viên Báo Gia Lai phát hiện và báo cho Kiểm lâm huyện Ia Pa là gần 14,5 ster. Ảnh: Quang Tấn


Đặc biệt, mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ phá rừng có quy mô lớn tại tiểu khu 1432 nằm trên địa bàn xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa. Tại đây có 119 cây bằng lăng, lim xẹt, gáo... bị cưa hạ, khối lượng thiệt hại hơn 43 m3 gỗ và 4,8 ster củi.

Trước đó, năm 2017, tại khu vực đèo Tô Na-ranh giới giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa cũng xảy ra tình trạng chặt hạ cây rừng lấy củi. Một điều rất dễ nhận thấy là ở những khu vực có lò sấy thuốc lá thường xuất hiện nhiều xe công nông và xe máy độ chế. Nhiều người dân cho biết, những xe này là phương tiện để vào rừng cắt củi, chở ra bán cho các lò thuốc lá.

Cách đây gần 1 năm, P.V Báo Gia Lai cũng đã có chuyến đi vào khu vực rừng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa). Trên con đường độc đạo vào buôn 1, 2, 3 của xã Chư Drăng, chúng tôi không khỏi sửng sốt khi tận mắt chứng kiến từng đoàn xe máy độ chế (đã được thay đổi hình dáng, xoắn nòng, lắp thêm phuộc nhún) ngang nhiên chở gỗ từ rừng về, mỗi xe chất 2-3 lóng gỗ ước tính gần nửa mét khối. Có xe chở gỗ đã xẻ vuông vức, mỗi lóng có chiều dài 3-4 m, bề mặt 15-20 cm; có xe chở gỗ tròn dài hơn 1,3 m, đường kính 30-40 cm. Đáng nói là những chiếc xe máy này “vô tư” lưu thông trên con đường ngang qua trụ sở Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba mà không bị lực lượng chức năng xử lý.

Qua tiếp cận một số hộ dân sinh sống tại buôn 3 (nằm sát cửa rừng), chúng tôi được biết, tại buôn này có 1 bãi tập kết gỗ của lâm tặc và cả xưởng cưa làm đũa từ gỗ. Tại thời điểm chúng tôi đến, nơi đây còn sót lại khoảng 30 khúc gỗ nằm rải rác trong các bụi cây, mỗi khúc có chiều dài 3-4 m, đường kính 30-50 cm, nhiều cây gỗ có dấu cưa còn khá mới, chứng tỏ vừa được khai thác về.

Tan nát rừng giáp ranh giữa huyện Ia Pa và Kông Chro
Khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Ia Pa và Kông Chro là "điểm nóng" về phá rừng. Ảnh: Quang Tấn


Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2017 đến 2019, huyện Ia Pa đã để mất hơn 14 ha rừng. Còn tại huyện Krông Pa, diện tích rừng tự nhiên bị phá được được tính cấp số nhân, năm 2019 là 3 ha thì đến năm 2020 đã lên tới hơn 18 ha. Ngành chức năng các địa phương cho rằng người dân phá rừng để lấy đất làm rẫy. Tuy nhiên, số cây gỗ bị chặt hạ đã không được đề cập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ phá rừng. Do các đơn vị chủ rừng có diện tích lớn, lực lượng mỏng nên không quản lý chặt diện tích rừng được giao, dẫn đến các đối tượng lợi dụng khu vực tiếp giáp, những nơi có địa hình phức tạp để phá rừng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn việc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép”.

Củi rừng “chui vào” lò sấy

Tại vùng Đông Nam tỉnh hiện có gần 3.500 ha thuốc lá. Theo tính toán của các nhà chuyên môn cũng như nắm thực tế tại các lò sấy, 1 ha thuốc lá cần 1 lò sấy, mỗi vụ phải sấy 6 lần mới hết lá thuốc thu hoạch được. Mỗi mẻ sấy mất 7 ngày đêm và phải dùng ít nhất 4,5 ster củi. Như vậy, để sấy gần 3.500 ha thuốc lá, người dân vùng Đông Nam tỉnh phải sử dụng khoảng 94.500 ster củi. Đó là chưa kể, vùng này còn có hàng chục lò gạch, mỗi năm cũng cần đến hàng ngàn ster củi để đốt lò.

Với nhu cầu lớn như vậy, lượng củi rừng trồng trên địa bàn không thể đáp ứng đủ; các loại củi này cũng không đảm bảo nguồn nhiệt cho lò sấy do cháy nhanh, giữ nhiệt kém. Trong khi đó, than đá, than trấu chỉ có tác dụng đốt kèm vì không đáp ứng đủ nhiệt để cho ra loại thuốc lá màu đẹp, bán được giá cao nên người dân vẫn lén lút sử dụng củi rừng.
 

Một lò sây thuốc lá tại thôn 1, xã Pơ Tó, huyện Ia Pa ngang nhiên sử dụng cửi rừng tự nhiên để làm chất đốt. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một lò sấy thuốc lá tại thôn 1, xã Pơ Tó, huyện Ia Pa ngang nhiên sử dụng cửi rừng tự nhiên để làm chất đốt. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Để tránh bị phát hiện khi sử dụng củi rừng để sấy thuốc lá, hầu hết các hộ có lò sấy dùng chiêu thức “lập lờ đánh lận con đen” khi để ở phía trước nhà một ít củi vườn ngụy trang nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: “Trên thực tế, một số hộ vẫn lén lút sử dụng củi rừng để sấy thuốc vì nó cháy lâu hơn, đảm bảo về nhiệt độ. Một số hộ mua củi rừng khai thác ở các hồ thủy lợi, thủy điện từ 3 năm nay, mặc dù đã đốt hết nhưng vẫn giữ lại hóa đơn để làm “bùa phép” cho lượng củi rừng mới tuồn về lò sấy. Điều này thực chất là cách lách luật, đề phòng khi sử dụng củi rừng bị các cơ quan chức năng phát hiện”.

Ngày 31-3, trong quá trình đi thực tế lấy tư liệu cho bài viết này, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi phát hiện ở huyện Ia Pa, củi rừng vẫn được các chủ lò sấy thuốc lá sử dụng công khai. Cụ thể, chúng tôi phát hiện 1 bãi tập kết củi rừng sát bờ suối thuộc thôn Bình Hòa (xã Chư Răng) và một vài bãi tập kết tại thôn 1 (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Từ thông tin chúng tôi cung cấp, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa đã đến thu gom được 14,5 ster củi.

Ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa-cho hay: “Chúng tôi đã tuyên truyền, ký cam kết với các lò sấy không được sử dụng củi rừng. Tuy nhiên, một số hộ vẫn lén lút mua củi rừng về sử dụng. Thời gian tới, Hạt sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đề nghị chính quyền các địa phương cùng vào cuộc, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá”.

Gỗ củi được cắt hạ theo quy cách dài gần 1 m để khô tại chỗ sau đó vận chuyển về tiêu thụ.
Cây rừng bị cắt hạ theo quy cách dài gần 1 m để khô tại chỗ, sau đó vận chuyển về tiêu thụ. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Trong tổng số hơn 1.000 lò sấy thuốc lá ở vùng Đông Nam tỉnh, không phải lò nào cũng sử dụng củi rừng tự nhiên. Thế nhưng, không khó để thấy rằng, việc các lò sấy sử dụng củi rừng tự nhiên còn diễn ra phổ biến.

Chị Trần Thị Hà (buôn Luk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) thừa nhận: “Tôi trồng thuốc lá đã hơn 10 năm. Khoảng 4 năm về trước, chúng tôi sấy bằng cây rừng. Tuy nhiên, mấy năm nay thì không. Hiện nay, đến mùa sấy, nhiều người vẫn tìm đến nhà chào bán cây rừng, nhưng chúng tôi không mua. Một xe củi rừng 4 ster được họ bán với giá 4,5-5 triệu đồng, trong khi đó củi từ rừng trồng hoặc củi điều chỉ 3-3,2 triệu đồng/xe”.

Quy định cấm sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá đã có từ nhiều năm nay. Vậy nhưng, những cánh rừng ở vùng Đông Nam tỉnh cứ thưa dần qua từng năm, nguyên nhân một phần do người dân lấy củi để làm chất đốt cho các lò sấy thuốc lá. Để xảy ra tình trạng này là một dấu hỏi về trách nhiệm của chính quyền, ngành chức năng địa phương và các đơn vị chủ rừng.


Ông Dương Hoàng Nguyện-Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh): Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ phá rừng. Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung điều tra, xử lý; kiểm điểm những cá nhân, tập thể liên quan. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng, chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm các địa phương làm việc với các chủ lò sấy thuốc lá ký cam kết không sử dụng củi rừng để sấy thuốc. Đồng thời, tập trung xử lý nghiêm những trường hợp dùng củi rừng để sấy thuốc lá.
 


 VĨNH HOÀNG-QUANG TẤN