(GLO)- Trăn trở trước thực trạng rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, nhiều hộ dân trong tỉnh đã đứng ra vận động thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thu gom rác thải nhằm bảo vệ môi trường sạch đẹp.
1. Nhắc đến ông Trần Văn Hay-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Phong (xã Tân An, huyện Đak Pơ), người dân địa phương ai cũng biết bởi ông có sáng kiến giúp cho môi trường trong thôn trở nên sạch đẹp.
Trăn trở trước vấn đề rác thải vứt bừa bãi, năm 2020, ông Hay thành lập Tổ thu gom rác thải. Ông chia sẻ: “Mỗi lần tham gia họp thôn, tôi lại đem vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp ra bàn bạc với bà con. Ban Nhân dân thôn đã nhiều lần làm việc với Công ty TNHH một thành viên Hoa Thiện cũng như Đội công trình giao thông huyện để thu gom rác thải cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do mật độ dân cư thưa nên không thực hiện được. Vì vậy, tôi quyết định vận động thành lập Tổ thu gom rác thải”.
Sau khi Tổ thu gom rác thải được thành lập, ông Hay sử dụng chiếc xe tải nhỏ của gia đình để chở rác. Cứ thứ tư hàng tuần, ông Hay cùng với các thành viên đến từng nhà dân để thu gom rồi đem tới bãi rác của huyện xử lý. Đặc biệt, Tổ thu gom rác thải thôn Tân Phong còn thu gom rác thải trên địa bàn thôn Tân Hội. Theo quy ước, mỗi hộ nộp phí 25.000 đồng/tháng để trang trải chi phí hoạt động. Bà Lâm Thị Lệ Thu (thôn Tân Phong) chia sẻ: “Trước đây, tôi thường gom rác để đốt trong vườn. Tuy nhiên, mỗi lần đốt, mùi bốc lên từ các bao ni lông, đồ nhựa, hộp xốp bị cháy rất khó chịu. Khi gặp trời mưa, rác không đốt được nên bị tồn đọng rất ô nhiễm. Từ ngày Tổ thu gom rác đi vào hoạt động, việc thu gom xử lý rác thải của gia đình đơn giản và sân vườn cũng sạch sẽ hơn”.
Ông Trần Văn Hay-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Phong (xã Tân An, huyện Đak Pơ) là người có sáng kiến giúp cho môi trường trong thôn trở nên sạch đẹp. Ảnh: Nhật Hào |
Còn bà Phạm Thị Ngọc Loan-Phó Chủ tịch UBND xã Tân An thì nhận xét: Mô hình thu gom rác thải của ông Trần Văn Hay được đánh giá rất cao vì đã giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, qua đó gỡ khó cho xã trong thực hiện tiêu chí môi trường. Đặc biệt, xã Tân An đang hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí về môi trường.
2. Cũng trăn trở trước thực trạng rác thải sinh hoạt vứt tràn lan trên các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường, năm 2017, ông Hồ Sư Cần (thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) đề xuất UBND xã về việc thành lập HTX thu gom rác thải. Nhận thấy ý tưởng này thiết thực, tháng 11-2017, xã Ia Krêl chính thức thành lập HTX sản xuất, thương mại, công-nông nghiệp và dịch vụ môi trường Ia Krêl (nay đổi tên là HTX Thiên Phước) do ông Cần làm Giám đốc. Theo đó, HTX tiến hành thu gom rác thải 2 lần/tuần tại các tuyến đường của xã. Nhận thấy môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể từ khi HTX hoạt động, người dân đồng tình đăng ký tham gia ngày càng tăng. Bà Lê Thị Mận (làng Ia Lâm) cho biết: “Từ khi HTX tổ chức thu gom rác, đường sá trở nên sạch sẽ, không còn rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường”.
Các thành viên Hợp tác xã Thiên Phước (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) thu gom rác thải. Ảnh: Nhật Hào |
Hiện nay, HTX đã mở rộng địa bàn thu gom rác sang xã Ia Din với hơn 1.400 hộ đăng ký. Các hộ đóng góp kinh phí mua hơn 700 thùng rác đặt tại các vị trí thuận lợi cho việc thu gom. Đặc biệt, đối với 70 hộ nghèo và cận nghèo, HTX miễn đóng phí thu gom rác. Ông Cần chia sẻ: Hợp tác xã mong tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí để mua xe chuyên dụng phục vụ thu gom rác nhằm đảm bảo an toàn lao động.
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan-Chủ tịch UBND xã Ia Krêl-cho biết: Ý tưởng về việc thành lập HTX thu gom rác thải của anh Hồ Sư Cần là rất phù hợp. Từ khi HTX đi vào hoạt động, trên địa bàn xã không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi nữa. Hợp tác xã cũng thu gom theo đúng định kỳ nên không để xảy ra tồn đọng rác. Kết quả này đã góp phần giúp xã thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
NHẬT HÀO