"Ghi điểm" từ chuyện nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lâu nay, trong ngành xây dựng, nhà vệ sinh thường được xem là công trình phụ. Những câu chuyện liên quan đến WC vì vậy cũng chỉ là… chuyện vặt. Nhưng khi Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku phối hợp với UBND các phường, xã phát động phong trào “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng” thì mới thấy đây không còn là chuyện nhỏ.
Mới đây, với sự phối hợp vận động, hơn 300 logo nhận diện nhà vệ sinh cộng đồng được dán tại các cơ sở, nhà hàng, khách sạn và hộ gia đình trên địa bàn các phường: Hội Thương, Hoa Lư, Tây Sơn và xã Biển Hồ (TP. Pleiku). Logo được thiết kế thân thiện, màu xanh biển, có biểu tượng mặt cười và câu khẩu hiệu: “Thoải mái như ở nhà-Comfort as home” giúp du khách dễ nhận biết và sử dụng miễn phí nhà vệ sinh cộng đồng. Hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu, xây dựng nếp sống văn minh cũng như tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến TP. Pleiku tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới, nhất là loạt sự kiện nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022). 
Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Phong trào “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng” được UBND thành phố phát động từ năm 2018. Trước đó, khi tỉnh chuẩn bị tổ chức Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vào tháng 11-2018, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn và UBND TP. Pleiku triển khai mô hình này; kết quả đã vận động được hơn 850 cơ sở kinh doanh và hộ gia đình nằm trên các trục đường chính tham gia, ủng hộ nhiệt tình. Lần đầu tiên đến Gia Lai, chị Hoàng Thị Kiều Nga-du khách đến từ Hà Nội-hài lòng bày tỏ: “Dạo quanh nội thành Pleiku, tôi thấy nhiều logo “Thoải mái như ở nhà”. Đây là mô hình rất thân thiện và văn minh, lịch sự, khiến tôi rất ấn tượng về thành phố trẻ này”.
Logo nhận diện nhà vệ sinh cộng đồng được dán tại quán cà phê Gia Lê (97C Lê Lợi, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Logo nhận diện nhà vệ sinh cộng đồng được dán tại quán cà phê Gia Lê (97C Lê Lợi, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Tiếp đó, tại nhiều sự kiện lớn tiếp theo như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku (3/12/1929-3/12/2019), Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021, công tác vận động tiếp tục được triển khai. Qua đó, các cơ sở kinh doanh và người dân ý thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng hình ảnh vùng đất và con người Pleiku thân thiện trong lòng du khách. Với việc đồng ý dán logo nhận diện nhà vệ sinh cộng đồng, họ sẵn sàng mở cửa phục vụ du khách miễn phí. Sự thành công của dự án không những góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị mà còn giúp thành phố tiết kiệm một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng và duy trì các nhà vệ sinh công cộng. 
Với đà hồi phục của du lịch sau dịch Covid-19, lượng du khách đổ về TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung ngày càng tăng. Bên cạnh đáp ứng tốt các dịch vụ ăn uống, lưu trú, mua sắm…, sự “lo xa” trước những nhu cầu thiết yếu, cơ bản của du khách là vô cùng cần thiết. Đây cũng được xem là một trong những yếu tố đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch của địa phương.  
Còn nhớ, trong chuyến du lịch cách đây nhiều năm đến đất nước Chùa tháp, chúng tôi phải nể phục tư duy làm du lịch chuyên nghiệp tại đây, trong đó có vấn đề “chuyện nhỏ mà không nhỏ”. Số là, khi xe chúng tôi di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác, trên đường đi dù khách có nhu cầu “giải tỏa nỗi buồn”, anh hướng dẫn viên người Campuchia nhất quyết không dừng xe bên đường mà động viên chờ lúc đến cây xăng hoặc một nhà dân đã được kết nối vào tour tuyến. Cách làm này vừa văn minh, lịch sự, vừa giúp du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa bản địa. Cũng từ đó, nhờ ghé thăm nhà dân mà chúng tôi biết thêm một phong tục rất thú vị: Nhà nào có treo rèm hồng nghĩa là nhà ấy có con gái đang vào tuổi cập kê, hẹn hò. Chủ nhà cũng rất thân thiện, sẵn lòng tiếp đón và trả lời những thắc mắc của đoàn. Từ những ấn tượng rất đẹp, rất đáng mến ấy, chúng tôi luôn mong được trở lại Campuchia một lần nữa khi có dịp.  
Việc vận động dán logo nhận diện nhà vệ sinh cộng đồng tuy chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng thực sự mang ý nghĩa lớn, thể hiện văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện giúp TP. Pleiku ghi điểm trong lòng du khách gần xa. Một khi biết chăm chút từ những việc nhỏ nhất, ta mới có thể làm nên chuyện lớn hơn. 
LAM NGUYÊN