Đưa văn hóa vào homestay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với hệ thống khách sạn, loại hình homestay ở Pleiku đã góp phần quảng bá khá hiệu quả cho ngành du lịch địa phương. Dễ nhận ra cái tôi riêng của chủ nhà qua cách bài trí, tạo cho mỗi homestay một không gian giàu cảm xúc. Đó là nỗ lực rất đáng quý để mỗi homestay trở thành một “bảo tàng sống” về văn hóa bản địa, văn hóa “lưu trú tại nhà dân” đúng chất homestay, tránh biến tướng như nhiều homestay ở một số thành phố du lịch hiện nay.   
Đây là vấn đề được chị Phùng Thị Thảo Nhung-người sáng lập trang E-dulich quan tâm và có những đóng góp tâm huyết dựa trên kinh nghiệm 7 năm trong ngành du lịch. Đến nay, cô gái thuộc thế hệ 9X đã đi 34 nước trên thế giới và có hơn 7 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, được đào tạo và hỗ trợ các homestay, khách sạn, travel blogger và các công ty du lịch.
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế-Luật (TP. Hồ Chí Minh) nhưng công việc hiện tại của Nhung lại là 1 travel blogger, online travel agency (đại lý du lịch trực tuyến) của Local-Bali và Local-Vietnam.Với kinh nghiệm của mình, những đóng góp của cựu học sinh Trường THPT Pleiku về xây dựng và vận hành homestay nhằm giúp loại hình lưu trú này phát triển bền vững, gắn kết người dân vào phát triển du lịch địa phương.
Giữ “chất homestay”  
Theo Phùng Thị Thảo Nhung, để loại hình homestay không bị biến tướng, người kinh doanh cần ý thức được rằng, đây là mô hình khách du lịch ở cùng với chủ nhà và có nhiều sự tương tác giữa chủ với khách, chia sẻ những điểm đến thú vị và văn hóa đặc trưng của địa phương. Nếu cơ sở lưu trú nào chỉ thuần cho thuê phòng ngắn hạn thì nên gọi là khách sạn, nhà nghỉ hoặc cao cấp hơn là resort, không nên gọi là homestay.
Để xây dựng homestay tốt, chủ nhà cần biết thêm kiến thức từ cách check-in, check-out, chăm sóc khách trong quá trình ở, chia sẻ những điểm tham quan thú vị và văn hóa bản địa hấp dẫn. Đồng thời, homestay cần đảm bảo tính sạch sẽ, thoải mái, ấm cúng và chú ý chất lượng từ chăn-ra-gối-đệm tới ánh sáng tự nhiên của phòng. Chủ homestay cũng cần biết cách marketing homestay để nhiều người biết tới, cách đăng bán phòng và tối ưu trên các kênh bán phòng, cách vận hành homestay ít tốn chi phí mà hiệu quả.
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Hani House, TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Hani House, TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).
“Sau khi tiếp xúc với nhiều chủ homestay tại địa phương, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều điểm yếu. Đa số chủ homestay sở hữu toàn bộ đất và nhà, không phải đi thuê nên còn chút “ỷ lại”, không chú ý đến việc tối đa hóa tỷ lệ đầy phòng. Kiểu là có khách cũng được không cũng không sao, không chú ý nâng cao kỹ năng cũng như hiểu biết trong ngành lưu trú, du lịch, do đó còn nhiều điều bất cập về homestay tại Pleiku. Đặc biệt, sự bắt chước phong cách kinh doanh giữa các homestay quá nhiều, không tạo sự khác biệt dẫn đến cạnh tranh về giá là điều có thể gây ra thiệt hại sau này”-Nhung chia sẻ.
Ngoài ra, 9X này cũng cho biết, để hoạt động hiệu quả, chủ homestay cần cập nhật thêm kiến thức và đặc biệt có kế hoạch phối hợp quảng bá hình ảnh đẹp ở Gia Lai trên mạng xã hội, group du lịch để kích cầu số lượng khách đến với địa phương.
Đưa văn hóa vào homestay
Nếu năm 2019, số lượng homestay ở Phố núi còn khá khiêm tốn với trên dưới 10 cơ sở thì đến đầu năm 2021, con số này đã tăng gấp 3 lần. Có thể kể đến một số homestay có “phong cách” như: Hoa vàng homestay, Xom Organic farmstay, Paksong farmstay (mô hình lưu trú kết hợp với nông trại), Nhà của Nếp…
Tuy nhiên, một số homestay mới có hiện tượng copy những mô hình kinh doanh thành công trước đó, làm mất đi nét riêng của loại hình lưu trú này. Nhung chia sẻ: “Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng rất đặc sắc, có địa hình đặc trưng của vùng cao nguyên, là lợi thế rất lớn để tạo nên những dấu ấn kiến trúc dựa vào tự nhiên. Nhưng nhiều người lại chưa có tư duy đem văn hóa vào homestay”.
Theo Nhung, các homestay có tính bản địa phải chú trọng thổi hồn vào yếu tố kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, cách thức trang trí... Ví dụ, nơi đó có gì đặc sắc thì phải lựa chọn đưa vào, một ngôi nhà bằng tre, nứa, gỗ sẽ mang lại cảm giác ấm cúng, hòa quyện với tự nhiên của đồi núi, khách sẽ rất thích ở. Nhất là bên trong ngôi nhà ấy chứa đựng những câu chuyện văn hóa chân thật thông qua cuộc sống sinh hoạt, những cuộc chuyện trò, tương tác thú vị giữa khách và chủ.
Đem văn hóa vào kinh doanh homesaty sẽ góp phần quảng bá du lịch từ chính nơi ở. Ảnh Phương Linh
Đem văn hóa vào kinh doanh homestay sẽ góp phần quảng bá du lịch từ chính nơi ở. Ảnh: Phương Linh
Ngay cả ở các thành phố cũng đều có những homestay và với cách bài trí riêng, phù hợp với địa hình, hòa hợp với thiên nhiên, tạo ấn tượng với khách lưu trú. Homestay ở Đà Lạt khiến người ta nhớ đến kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên núi rừng mộng mơ. Homestay ở Hội An gắn với những mảnh vườn xinh, nơi khách lưu trú có thể vừa uống trà vừa xắn tay áo để cuốc cỏ, trồng rau. Homestay ở TP. Kon Tum hiền hòa mang hơi thở núi đồi trập trùng, những dòng sông lặng lẽ đi qua làng cổ trầm buồn mà đẹp sâu sắc.
Phố núi Pleiku là cao nguyên tất nhiên có đặc trưng riêng và phát triển mô hình lưu trú này sau những thành phố khác, vì vậy nên học hỏi sự thành công của họ và khai thác, tận dụng tối đa ưu thế về địa lý, văn hóa để làm cái riêng cho mình.
Nhung cho biết, sau 7 năm làm du lịch và trực tiếp làm việc với nhiều khách quốc tế, cô nhận ra ngoài yêu thích cảnh đẹp của Việt Nam, họ còn rất quan tâm đến yếu tố văn hóa. Do đó, họ thường chọn homestay thay cho khách sạn. Vì vậy, khi kinh doanh dịch vụ này, cần thay đổi tư duy chỉ phục vụ đối tượng ít tiền.
“Nhiều khách quốc tế hạng sang, trong đó có những khách hàng của tôi khi du lịch Việt Nam thường có lựa chọn nơi ở dân dã, giàu bản sắc văn hóa. Mô hình lưu trú này hấp dẫn họ vì yếu tố trang trí và sự trải nghiệm. Vì vậy, các homestay ở Phố núi thay vì cạnh tranh nhau ở mức giá tầm trung 150-300 ngàn đồng/ngày như hiện nay thì nên lưu ý mức giá, cùng với nâng cấp chất lượng dịch vụ, có đủ điều kiện phục vụ khách nhiều tiền và sẵn sàng chi tiền cao”-Nhung cho biết.
HOÀNG NGỌC