Du lịch lòng hồ, mặt nước: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài “thương hiệu” phố núi đầy sương với những con dốc trải dài miên man, TP. Pleiku còn có nhiều hồ nước, dòng suối rất đẹp được đánh giá là lợi thế lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên đến nay, tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức” để kết nối, hình thành tour du lịch tham quan, khám phá.
Nằm cạnh hồ Tơ Nưng là hồ thủy lợi Biển Hồ (hay còn gọi là Biển Hồ B) có diện tích mặt nước rộng đến hàng trăm héc ta với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Khi tích đầy nước, mặt hồ rộng lớn, phẳng lặng được bao bọc bởi những dãy đồi cà phê xanh ngút ngát và những rặng thông soi bóng. Mùa nước dâng, mặt hồ trở nên rộng hơn kéo dài đến tận chân núi Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tạo cảnh sông nước hữu tình với “biển-núi kết hợp”. Không chỉ du ngoạn, thưởng thức cảnh đẹp sông nước của khu vực lòng hồ, du khách còn có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm hoạt động đánh bắt thủy sản cũng như nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar sinh sống ven hồ. 
Tận dụng lợi thế mặt nước Biển Hồ B, đầu năm 2021, anh Nguyễn Thanh Trung-hướng dẫn viên du lịch trải nghiệm có yếu tố mạo hiểm ở Gia Lai đã thử nghiệm hoạt động chèo sup (một loại thuyền bằng cao su) lênh đênh trên lòng hồ ngắm cảnh. Theo anh Trung, ở Gia Lai, loại hình hoạt động này khá mới mẻ nhưng được rất nhiều người ưa thích bởi được trải nghiệm cảm giác bình yên giữa bốn bề sóng nước. Sau thời gian thăm dò thị trường, anh Trung nhận định: Thành phố Pleiku có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch dịch vụ mới này. Đẹp nhất là được chèo sup giữa lòng Biển Hồ, nhưng đây là nguồn cấp nước sinh hoạt của thành phố nên khả năng này khó thực hiện. Tuy vậy, Biển Hồ B cũng không hề kém cạnh với mặt hồ rộng lớn, trải dài tít tắp với thiên nhiên, phong cảnh hữu tình. Từ lòng hồ có thể quan sát hàng thông trăm tuổi hay bơi thuyền đến sát chân núi lửa Chư Đang Ya. “Năm 2022, chúng tôi đang hướng đến việc mở rộng loại hình này theo hướng kết hợp vừa cắm trại và chèo thuyền sup dạo lòng hồ ngắm cảnh. Không cần đi quá xa, ngay ở ngoại ô TP. Pleiku, du khách cũng có được những tấm ảnh check-in đầy lãng mạn, núi non hùng vĩ với biển nước trong xanh phẳng lặng”-anh Trung cho hay.
Bình minh trên Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Bình minh trên Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Trong khi đó, anh Cao Huyền Tuấn Anh-chủ Homestay Tiên Sơn Pleiku-cho biết: Nhiều năm nay, anh đã ấp ủ ý định khai thác du lịch Biển Hồ B. Anh đã tiến hành khảo sát, đồng thời lên ý tưởng khai thác du lịch mặt nước, cụ thể là du lịch tham quan lòng hồ kết hợp ăn uống nhằm tạo điểm nhấn, điểm vui chơi giải trí cho du khách khi đến nghỉ dưỡng tại homestay. “Tầm tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là lúc hồ tích đầy nước, rất thích hợp cho hoạt động du thuyền tham quan lòng hồ hay loại hình giải trí bằng ca nô nước. Tuy có thể hiệu quả mang lại từ kinh doanh loại hình du lịch này không nhiều nhưng sẽ tạo ra điểm đến, nơi vui chơi cho du khách. Song, đây là loại hình dịch vụ quá mới nên chúng tôi lo ngại sẽ gặp khó trong việc xin cấp phép hoạt động. Chúng tôi mong muốn chính quyền tạo điều kiện để mạnh dạn triển khai thực hiện ý tưởng thú vị này”-anh Tuấn Anh đề xuất.
Không riêng gì Biển Hồ B, hồ thủy lợi Trà Đa ở ngoại ô thành phố với khung cảnh thiên nhiên đẹp tựa bức tranh thủy mặc cũng hứa hẹn là điểm đến lý tưởng thu hút du khách trong thời gian đến. Cảnh quan xung quanh hồ xanh mát với những vườn hồ tiêu hàng nối hàng thẳng tắp, vườn cà phê ngút ngàn không thấy điểm dừng, hàng thông xanh trải dài vô tận dẫn đến hồ nước. Hay gần hơn nữa là một điểm đến hấp dẫn, thích hợp du lịch check-in, sống ảo là hồ tự nhiên Ia Nong (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế) nằm cạnh “đôi mắt Pleiku” với khung cảnh thơ mộng không kém. Thiên nhiên yên tĩnh, cảnh đẹp hoang sơ những vẫn đậm đà hơi thở của cuộc sống bình dị thường ngày.
Trong khi đó, anh Bạch Trúc Lâm (phường Hội Thương) thì lại có ý tưởng táo bạo hơn khi hiến kế phát triển du lịch ngay trong lòng đô thị dựa vào dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú. Khi dần thành hình, dự án đã mang lại một dáng vẻ mới khang trang cho bộ mặt đô thị Pleiku. “Không phải địa phương nào cũng có được lợi thế như TP. Pleiku khi có dòng suối trong đô thị. Dòng suối Hội Phú trải dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến vị trí đắc địa nhất là chùa Minh Thành. Tại sao chúng ta không trồng mai anh đào hay phượng vàng dọc hai bên bờ suối này để tạo điểm nhấn; đồng thời, có phương án tích nước đoạn suối này để khai thác du lịch “chèo thuyền ngắm cảnh ngay trên dòng suối để thu hút du khách đến với thành phố. Như vậy, du khách không phải cất công đến tận Măng Đen (tỉnh Kon Tum) để ngắm mai anh đào. Ngoài ra, có thể trang trí những cây cầu qua suối bằng hệ thống đèn hoa rực rỡ. Thả mình lênh đênh theo dòng nước ngắm phía xa là ngôi chùa đẹp như tranh vẽ soi bóng dưới lòng suối, cảnh quan ấy đâu phải nơi nào cũng có được”-anh Lâm đề xuất.
Trò chuyện với P.V xung quanh những ý tưởng sơ khai về khai thác du lịch lòng hồ, dòng suối của TP. Pleiku, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-hào hứng: Thành phố có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này, nếu được tận dụng tốt sẽ tạo nên nét mới, đặc trưng riêng của Phố núi, tạo sự đa dạng, phong phú về các sản phẩm du lịch. Đây cũng chính là cơ sở để thành phố kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư du lịch khai thác tiềm năng, lợi thế của Biển Hồ B, hồ thủy lợi Trà Đa, hồ Diên Hồng hay suối Hội Phú. “Trên cơ sở những lợi thế này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần xây dựng đề án khai thác, mức độ đầu tư, loại hình du lịch hướng đến thì thành phố mới có thể đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn nếu có, đồng thời hỗ trợ phát triển loại hình du lịch mới mẻ này”-ông Hà nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN