Tại SEA Games 30 lần này, những môn thể thao được xem là thế mạnh của Việt Nam như điền kinh, bơi lội, bắn súng, võ thuật… vẫn hứa hẹn sẽ đem lại thành tích cao cho đoàn.
Lễ thắp và rước ngọn đuốc SEA Games 30, Philippines. (Nguồn: sports.inquirer.net) |
Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30) sẽ chính thức diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 11/12/2019. Đây là đại hội thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.
Trước khi có tên chính thức là Đại hội thể thao Đông Nam Á-SEA Games (South-East Asian Games), sự kiện diễn ra 2 năm/1 lần này có tên là Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games).
Cách đây hơn nửa thế kỷ, xuất phát từ quan điểm rằng, những quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng về lối sống, nền văn hóa, khí hậu và cả thể chất con người; cùng có một trình độ căn bản tương đương nhau về thành tích thể thao, nên cần tập hợp lại, hỗ trợ lẫn nhau tổ chức thường xuyên và định kỳ một đại hội thể thao chung có quy mô thích hợp giữa các quốc gia.
Vì vậy, ngày 22/5/1958, đại biểu các nước trong khu vực bán đảo Đông Nam Á khi đó đang tham dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ III ở Tokyo (Nhật Bản) đã nhóm họp và nhất trí thành lập một tổ chức thể thao riêng của khu vực, mang tên là Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (viết tắt là SEAP Games Federation), nhằm mục đích: Tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; Không ngừng nâng cao thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao; Tạo điều kiện cho vận động viên các nước rèn luyện và thi đấu nhằm tham gia tốt hơn tại các Đại hội thể thao châu Á và Đại hội Olympic.
Sau đó một năm, SEAP Games 1 đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 12 đến 17/12/1959 với sự tham dự của 527 vận động viên thuộc các quốc gia Thái Lan, Burma (nay là Myanmar), Malaysia, Singapore, Việt Nam và Lào, tranh tài ở 12 môn thể thao.
Năm 1965, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á kết nạp thêm thành viên là Singapore sau khi Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia để thành lập một quốc gia độc lập.
Từ năm 1977, SEAP Games chính thức được đổi tên là SEA Games. Ở kỳ đại hội này, có thêm hai thành viên mới tham gia là Indonesia và Philippines. Tiếp sau đó, SEA Games có thêm sự tham gia của Brunei kể từ Đại hội lần thứ 10 tổ chức tại Jakarta, Indonesia vào năm 1979. Quốc gia cuối cùng tham gia vào SEA Games là Đông Timor tại SEA Games 22 tổ chức năm 2003 tại Việt Nam.
Ngày nay, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vẫn luôn là một sự kiện thể thao lớn của khu vực, được tổ chức 2 năm/1 lần với sự tham gia của các vận động viên thuộc 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Những môn thể thao tổ chức tại một kỳ đại hội do Liên đoàn thể thao Đông Nam Á quyết định, đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á.
Tính đến kỳ Sea Games 30, Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia có số lần tổ chức SEA Games nhiều nhất với 6 lần; Singapore, Indonesia và Philippines xếp thứ hai với 4 lần tổ chức Sea Games; Myanmar xếp thứ ba với 3 lần tổ chức; những quốc gia có 1 lần tổ chức bao gồm Việt Nam, Brunei, Lào.
Đoàn Thể thao Việt Nam đã tham dự SEA Games từ những ngày đầu thành lập. Trong đó, thời kỳ trước năm 1975, miền Nam Việt Nam trước đây đã là một trong những thành viên sáng lập Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á và liên tục đưa đoàn thể thao tham dự từ Đại hội lần thứ nhất (năm 1959) đến Đại hội lần thứ 7 (năm 1973).
Thời kỳ sau năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, trải qua một thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã từng bước tham gia trở lại vào sinh hoạt chung của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.
Năm 1989, sau 13 năm (từ SEAP Games 8 - năm 1975 đến SEA Games 14 - năm 1987 không tham dự), Đoàn Thể thao Việt Nam đã hòa nhập trở lại đấu trường khu vực (SEA Games 15-1989). Từ chỗ thể thao Việt Nam tham dự với mục tiêu hoà nhập, học hỏi bạn bè quốc tế, giờ đây, thể thao Việt Nam có thể tự tin bước vào các trận thi tài quốc tế, đặc biệt là một số môn võ thuật.
Tham dự SEA Games, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng từng bước được nâng dần lên. Nếu như tại SEA Games lần thứ 15, 16, đoàn Thể thao Việt Nam còn xếp thứ 7 khu vực, thì đến SEA Games 21, đoàn Thể thao Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 4 khu vực, và đứng thứ nhất ở kỳ SEA Games 22 (với tư cách là nước chủ nhà). Trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, đoàn thể thao Việt Nam giữ vững vị trí thứ 3 trong các bảng tổng kết huy chương.
Tại SEA Games 30 lần này, những môn thể thao được xem là thế mạnh của Việt Nam như điền kinh, bơi lội, bắn súng, võ thuật… vẫn hứa hẹn sẽ đem lại thành tích cao cho đoàn. Đặc biệt, sự thành công của bóng đá Việt Nam trong hai năm gần đây đang là động lực mạnh mẽ cho các vận động viên ở các môn thể thao khác càng quyết tâm hơn để giành được những tấm huy chương vàng. Để vị thế của cả nền thể thao Việt Nam được nâng tầm chứ không riêng gì bóng đá.
Nhìn lại thành tích của các nước qua 29 kỳ SEA Games
- SEA Games 29 (2017, tại Malaysia): Malaysia xếp thứ nhất với 145 huy chương vàng (huy chương vàng), 92 huy chương bạc, 86 huy chương đồng; Thái Lan xếp thứ hai với 72 huy chương vàng, 86 huy chương bạc, 88 huy chương đồng; Việt Nam xếp thứ ba với 58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc, 60 huy chương đồng.
- SEA Games 28 (2015, tại Singapore): Thái Lan xếp thứ nhất (95 huy chương vàng, 83 huy chương bạc, 69 huy chương đồng); đứng thứ hai là Singapore (84 huy chương vàng, 73 huy chương bạc, 102 huy chương đồng); Việt Nam đứng thứ 3 (73 huy chương vàng, 53 huy chương bạc, 60 huy chương đồng).
- SEA Games 27 (2013, tại Myanmar): Thái Lan xếp thứ nhất (107 huy chương vàng, 94 huy chương bạc, 81 huy chương đồng); Myanmar xếp thứ 2 (86 huy chương vàng, 62 huy chương bạc, 85 huy chương đồng); Việt Nam xếp thứ 3 (73 huy chương vàng, 86 huy chương bạc, 86 huy chương đồng).
- SEA Games 26 (2011, tại Indonesia): Indonesia xếp thứ nhất (182 huy chương vàng, 151 huy chương bạc, 143 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (109 huy chương vàng, 100 huy chương bạc, 120 huy chương đồng); Việt Nam xếp thứ ba (96 huy chương vàng, 92 huy chương bạc, 100 huy chương đồng).
- SEA Games 25 (2009, tại Lào): Thái Lan xếp thứ nhất (86 huy chương vàng, 83 huy chương bạc, 97 huy chương đồng); Việt Nam xếp thứ hai (83 huy chương vàng, 75 huy chương bạc, 57 huy chương đồng); Indonesia xếp thứ ba (43 huy chương vàng, 53 huy chương bạc, 74 huy chương đồng).
Quang cảnh Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
- SEA Games 24 (2007, tại Thái Lan): Thái Lan xếp thứ nhất (183 huy chương vàng, 123 huy chương bạc, 103 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ hai (68 huy chương vàng, 52 huy chương bạc, 96 huy chương đồng); Việt Nam xếp thứ ba (64 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 82 huy chương đồng).
- SEA Games 23 (2005, tại Philippines): Philippines xếp thứ nhất (113 huy chương vàng, 84 huy chương bạc, 94 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (87 huy chương vàng, 78 huy chương bạc, 118 huy chương đồng); Việt Nam xếp thứ ba (71 huy chương vàng, 68 huy chương bạc, 89 huy chương đồng).
- SEA Games 22 (2003, tại Việt Nam): Việt Nam xếp thứ nhất (158 huy chương vàng, 97 huy chương bạc, 91 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (90 huy chương vàng, 93 huy chương bạc, 98 huy chương đồng); Indonesia xếp thứ ba (55 huy chương vàng, 68 huy chương bạc, 98 huy chương đồng).
- SEA Games 21 (2001, tại Malaysia): Malaysia xếp thứ nhất (111 huy chương vàng, 75 huy chương bạc, 85 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (103 huy chương vàng, 86 huy chương bạc, 89 huy chương đồng); Indonesia xếp thứ ba (72 huy chương vàng, 74 huy chương bạc, 80 huy chương đồng).
- SEA Games 20 (1999, tại Brunei): Thái Lan xếp thứ nhất (65 huy chương vàng, 48 huy chương bạc, 56 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ hai (57 huy chương vàng, 45 huy chương bạc, 42 huy chương đồng); Indonesia xếp thứ ba (44 huy chương vàng, 43 huy chương bạc, 58 huy chương đồng)…
- SEA Games 19 (1997, tại Indonesia): Indonesia xếp thứ nhất (194 huy chương vàng, 101 huy chương bạc, 115 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (83 huy chương vàng, 97 huy chương bạc, 78 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ ba (55 huy chương vàng, 68 huy chương bạc, 75 huy chương đồng).
- SEA Games 18 (1995, tại Thái Lan): Thái Lan xếp thứ nhất (157 huy chương vàng, 98 huy chương bạc và 91 huy chương đồng); Indonesia xếp thứ hai (77 huy chương vàng, 67 huy chương bạc và 77 huy chương đồng); Philippines xếp thứ ba (33 huy chương vàng, 48 huy chương bạc và 62 huy chương đồng).
- SEA Games 17 (1993, tại Singapore): Indonesia xếp thứ nhất (88 huy chương vàng, 81 huy chương bạc và 84 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (63 huy chương vàng, 70 huy chương bạc và 63 huy chương đồng); Philippines xếp thứ ba (57 huy chương vàng, 59 huy chương bạc và 72 huy chương đồng)
- SEA Games 16 (1991, tại Philippines): Indonesia xếp thứ nhất (92 huy chương vàng, 86 huy chương bạc và 69 huy chương đồng); Philippines xếp thứ hai (91 huy chương vàng, 62 huy chương bạc và 84 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ ba (72 huy chương vàng, 80 huy chương bạc và 71 huy chương đồng)…
- SEA Games 15 (1989, tại Malaysia): Indonesia xếp thứ nhất (102 huy chương vàng, 78 huy chương bạc, 71 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ hai (67 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 76 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ ba (62 huy chương vàng, 63 huy chương bạc, 66 huy chương đồng).
- SEA Games 14 (1987, tại Indonesia): Indonesia xếp thứ nhất (185 huy chương vàng, 136 huy chương bạc và 59 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (63 huy chương vàng; 58 huy chương bạc và 67 huy chương đồng); Philippines xếp thứ ba (59 huy chương vàng, 78 huy chương bạc và 69 huy chương đồng).
- SEA Games 13 (1985, tại Thái Lan): Thái Lan xếp thứ nhất (93 huy chương vàng, 65 huy chương bạc và 59 huy chương đồng); Indonesia xếp thứ hai (62 huy chương vàng, 75 huy chương bạc và 76 huy chương đồng); Philippines xếp thứ ba (43 huy chương vàng, 54 huy chương bạc và 51 huy chương đồng).
- SEA Games 12 (1983, tại Singapore): Indonesia xếp thứ nhất (64 huy chương vàng, 67 huy chương bạc và 54 huy chương đồng); Philippines xếp thứ hai (49 huy chương vàng, 48 huy chương bạc, 53 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ ba (49 huy chương vàng, 40 huy chương bạc, 38 huy chương đồng).
- SEA Games 11 (1981, tại Philippines): Indonesia xếp thứ nhất (85 huy chương vàng, 73 huy chương bạc và 56 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (62 huy chương vàng, 45 huy chương bạc, 41 huy chương đồng); Philippines xếp thứ ba (55 huy chương vàng, 55 huy chương bạc, 77 huy chương đồng).
- SEA Games 10 (1979, tại Indonesia): Indonesia xếp thứ nhất (92 huy chương vàng, 78 huy chương bạc và 52 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (50 huy chương vàng, 46 huy chương bạc, 29 huy chương đồng); Myanmar xếp thứ ba (26 huy chương vàng, 26 huy chương bạc, 24 huy chương đồng).
- SEA Games 9 (1977, tại Malaysia): Indonesia xếp thứ nhất (62 huy chương vàng, 41 huy chương bạc và 34 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (37 huy chương vàng, 35 huy chương bạc và 33 huy chương đồng); Philippines xếp thứ ba (31 huy chương vàng, 30 huy chương bạc và 30 huy chương đồng).
- SEA Games 8 (1975, tại Thái Lan): Thái Lan xếp thứ nhất (80 huy chương vàng, 45 huy chương bạc và 39 huy chương đồng); Singapore xếp thứ hai (38 huy chương vàng, 42 huy chương bạc và 49 huy chương đồng); Myanmar xếp thứ ba (28 huy chương vàng, 35 huy chương bạc và 33 huy chương đồng).
- SEA Games 7 (1973, tại Singapore): Thái Lan xếp thứ nhất (47 huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 28 huy chương đồng); Singapore xếp thứ hai (45 huy chương vàng, 50 huy chương bạc và 47 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ ba (30 huy chương vàng, 35 huy chương bạc và 49 huy chương đồng)
- SEA Games 6 (1971, tại Malaysia): Thái Lan xếp thứ nhất (44 huy chương vàng, 27 huy chương bạc, 38 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ hai (41 huy chương vàng, 43 huy chương bạc, 55 huy chương đồng); Singapore xếp thứ ba (32 huy chương vàng, 33 huy chương bạc, 31 huy chương đồng).
- SEA Games 5 (1969, tại Myanmar): Myanmar xếp thứ nhất (57 huy chương vàng, 46 huy chương bạc, 46 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (32 huy chương vàng, 32 huy chương bạc, 45 huy chương đồng); Singapore xếp thứ ba (31 huy chương vàng, 39 huy chương bạc, 23 huy chương đồng).
- SEA Games 4 (1967, tại Thái Lan): Thái Lan xếp thứ nhất (77 huy chương vàng, 48 huy chương bạc và 40 huy chương đồng); Singapore xếp thứ hai (28huy chương vàng, 31 huy chương bạc, 28 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ ba (23 huy chương vàng, 29 huy chương bạc, 43 huy chương đồng).
- SEA Games 3 (1965, tại Malaysia): Thái Lan xếp thứ nhất (38 huy chương vàng, 33 huy chương bạc, 35 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ hai (33 huy chương vàng, 36 huy chương bạc, 29 huy chương đồng); Singapore xếp thứ ba (26 huy chương vàng, 23 huy chương bạc, 27 huy chương đồng)
- SEA Games 2 (1961, tại Myanmar): Myanmar xếp thứ nhất (35 huy chương vàng, 25 huy chương bạc, 22 huy chương đồng); Thái Lan xếp thứ hai (21 huy chương vàng, 18 huy chương bạc, 22 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ ba (12 huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 16 huy chương đồng).
- SEA Games 1 (1959, tại Thái Lan): Thái Lan xếp thứ nhất (35 huy chương vàng, 26 huy chương bạc, 16 huy chương đồng); Myanmar xếp thứ hai (11 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 14 huy chương đồng); Malaysia xếp thứ ba (8 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 11 huy chương đồng).
Theo An Ngọc (TTXVN/Vietnam+)