Để con trẻ có trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các cặp vợ chồng ngày càng sinh ít nên con cái được chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình nuông chiều con quá mức, đặc biệt khi chung sống ở những gia đình liên thế hệ. Điều này không những cản trở sự phát triển tự nhiên mà còn khiến cho trẻ khó tự lập, thiếu kỹ năng tự chịu trách nhiệm khi lớn lên.
Sáng nay, bước vào quán ăn sáng, có 2 người mẹ ngồi bàn bên cạnh tôi. Một cô bé độ 5 tuổi nói với mẹ: “Con muốn ăn nước mắm không cay”. Người mẹ trả lời: “Con muốn thì tự đi qua bàn bên kia mà lấy, cẩn thận kẻo đổ ra váy”.
Còn bà mẹ ngồi kế bên, vừa hối hả đút cho con ăn, vừa giục: “Nhanh lên con, ba đang chờ ngoài xe”. Cậu bé này cũng đã cao bằng mẹ, tôi đoán cũng đã bước vào THCS.
Hai người mẹ với 2 phương pháp dạy con trái ngược đã khiến tôi suy nghĩ để đặt bút viết bài này. Cha mẹ ai cũng thương con, nhưng cần phải thương đúng cách, nếu không sẽ làm hại con trong tương lai.
Những ngày đầu mới đi học, tôi thường dắt tay con đến lớp, trao tay con cho cô giáo mới yên tâm về làm việc. Tuy nhiên, tối hôm trước, tôi nói với con: “Con đã học lớp chồi rồi, từ ngày mai, con phải tự đến lớp, mẹ đưa con đến chân cầu thang thôi”.
Hôm đó, con trai nhìn tôi với ánh mắt van nài như muốn nói: “Mẹ theo con thêm một quãng nữa thôi”, nhưng tôi cứng rắn nghiêm giọng bảo: “Con đi nhanh lên kẻo mẹ trễ giờ làm”. Tôi thương con trai bé bỏng bị mẹ cự tuyệt. Nhưng, tôi sẽ để con tự lập bước tới. Tôi dõi theo con khi con đến cửa lớp bước vào gặp cô rồi mới quay về.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chúng tôi có một nhóm đạp xe tập thể dục buổi chiều. Hôm ấy, cậu con trai bạn tôi đòi đạp xe đạp cùng mẹ. Bạn ấy nói với con: “Đường nhà mình đi thì dễ nhưng về là lên dốc. Con sẽ rất mệt. Nếu con đồng ý thì dắt xe ra. Mẹ sẽ không giúp khi con về”.
Nhìn cậu chàng mướt mát mồ hôi khi đẩy xe lên dốc, tôi thương lắm. Nhưng tôi không giúp, tôi muốn qua đó cháu học được sự trách nhiệm trong lời nói của mình. Đã cam kết là phải thực hiện như lời mà cháu đã nói với mẹ cháu vừa xong.
Một lần, tôi gặp một gia đình người nước ngoài với những đứa trẻ lên ba lên năm buồn ngủ, chúng nằm gục lên bàn cà phê và ngủ. Người mẹ chỉ bôi kem chống muỗi rồi để mặc chúng nằm dài ra bàn. Tôi hỏi: “Vì sao thế, về đi”. Chị đáp: “Chúng có quyền tự quyết. Mẹ đã nói nếu đi cà phê thì sẽ về muộn. Chúng đồng ý đi theo thì phải chịu trách nhiệm”.
Năm tôi học đại học, có một bạn trai nhảy từ tầng 7 của ký túc xá xuống sân vì cậu không thể hòa nhập được. Bố mẹ làm lãnh đạo của một địa phương, thứ sáu mẹ xuống trường chuẩn bị đồ ăn, quần áo cho con, mua cho con cả tủ lạnh, máy lạnh để con đỡ nóng.
Chúng tôi, những sinh viên nghèo thường ao ước mình được một phần của cậu ấy. Nhưng rồi khi cậu ấy nhảy lầu, chúng tôi mới vỡ lẽ, cậu ấy không biết làm gì hết và cảm thấy khác mọi người xung quanh. Cậu rơi vào trầm cảm và tự hủy hoại bản thân mình.
Cha mẹ rồi cũng sẽ già đi và không thể bao bọc con suốt cuộc đời này. Chính vì vậy, việc hướng dẫn con sống tự lập, trách nhiệm sẽ trở thành một kỹ năng mà các bậc cha mẹ cần tham khảo khi xã hội ngoài kia biến đổi từng ngày.
TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.