"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, lời căn dặn của Bác, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Gia Lai quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Gắn với lợi ích người dân
Vụ mùa vừa qua, gia đình anh Rơ Mah Tuýt (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) phấn khởi khi 3 sào lúa cho năng suất đạt cao. Anh Tuýt cùng với 17 hộ dân trong làng được địa phương chọn tham gia mô hình thí điểm sản xuất lúa nước vụ mùa. Anh được cán bộ hướng dẫn tận tình về quy trình làm đất, gieo sạ, sử dụng giống lúa (ngắn ngày). Anh Tuýt bày tỏ: “Ruộng nhà mình được san phẳng, cày bừa kỹ, đủ nước, đủ phân nên sau khi gieo sạ, cây lúa phát triển đều, đẹp. Canh tác theo hướng này ruộng cũng ít cỏ, mình tiết kiệm được nhiều công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật. Lần đầu tiên mình thu hoạch lúa vụ mùa sau 3 tháng gieo trồng và thu về trên 2 tấn lúa”.
Trước đó, huyện Chư Prông cũng triển khai các mô hình về trồng lúa nước vụ mùa, vụ Đông-Xuân tại các xã: Ia Púch, Ia Vê, Ia Boòng nhằm giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. “Năng suất lúa đạt cao nên bà con rất phấn khởi. Nhiều hộ còn đề xuất tiếp tục gieo trồng vụ mới. Chúng tôi mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp bà con nắm vững các khâu trong quy trình, kỹ thuật canh tác để có thể chủ động hơn trong các vụ tiếp theo”-anh Tuýt đề xuất. 
năm 2021 xã Ia O (huyện Ia Grai) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Năm 2021 xã Ia O (huyện Ia Grai) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Anh Huy
Kết quả trên phản ánh cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở địa phương thực sự quan tâm chăm lo phát triển đời sống của người dân. Các mô hình “Dân vận khéo” như trên đã khơi gợi, phát huy được sức mạnh toàn dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.  
Sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân khi thấy kết quả mang lại cũng thể hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Từ năm 2021 đến nay, bà con trong tỉnh đã đóng góp trên 31,5 tỷ đồng, hiến 48.149 m2 đất và tham gia gần 60 ngàn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm có 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư đạt chuẩn văn hóa và 98% gia đình đạt chuẩn văn hóa.
Đề cập đến phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O (huyện Ia Grai) thông tin: Doanh nghiệp và người dân đã đóng góp trên 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt người dân chủ động chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ; làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; di dời chuồng trại ra xa nhà ở, giữ gìn cảnh quan, môi trường sống… Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 82,18%; hộ có nhà tắm hợp vệ sinh đạt 81,81%; hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 80,77%. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cũng được các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện sâu rộng. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày càng đi vào thực chất
Theo thống kê từ Ban Dân vận Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng được 564 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó 339 mô hình, điển hình tập thể trên các lĩnh vực và 225 mô hình, điển hình cá nhân. Các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ông Đinh Ơng-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII đã ban hành Đề án số 01-ĐA/HU, ngày 7-10-2021 về “Nâng cao chất lượng công tác dân vận, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng bộ huyện với Nhân dân theo 4 nội dung trọng tâm “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% cấp ủy, tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, có mô hình về công tác dân vận. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng trên 130 mô hình “Dân vận khéo” ở các xã, thị trấn và các tổ chức cơ sở Đảng. Riêng năm 2022, có 5 xã, thị trấn và 10 cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện  20 mô hình.
Con nuôi đồn Biên phòng cũng là 1 trong những mô hình dân vận khéo do Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai, duy trì có hiệu quả nhiều năm qua. Ảnh: Anh Huy
"Con nuôi đồn Biên phòng" cũng là 1 trong những mô hình dân vận khéo do Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai, duy trì có hiệu quả nhiều năm qua. Ảnh: Anh Huy
Còn ông Kpuih Hồ Công Thông-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho rằng: Hiệu quả nhất phải kể đến các mô hình trong xây dựng nông thôn mới, như: “Đường ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa”, “Rào vườn và cải tạo vườn tạp cho Nhân dân”, “Trồng và thâm canh cây lúa nước”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự”... Nhờ thực hiện hiệu quả các mô hình đến nay đời sống của người dân từng bước được nâng cao, góp phần giúp 7 xã và 8 thôn, làng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo" và nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả, huyện phấn đấu trong năm 2022 có thêm 1 xã và 3 thôn, làng về đích nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra.
Trao đổi với P.V, ông Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-khẳng định: “Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, hội quần chúng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào thực chất. Phong trào đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm “gần dân, trọng dân, vì dân”, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng các hoạt động dân vận về cơ sở, bám sát thực tế, phù hợp chức năng, nhiệm vụ và gắn với các phong trào thi đua yêu nước nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
ANH HUY