Lan man nghề mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ, những thanh gỗ vô tri đã trở thành vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân phố núi Pleiku.
 

Theo những người làm mộc lâu năm thì nghề này được người dân miền xuôi mang theo khi đến lập nghiệp ở Pleiku. Ban đầu, người thợ chỉ làm những chi tiết tỉ mỉ liên quan đến phần gỗ cho nhà mình và vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Dần dần, phố núi Pleiku xuất hiện một số cơ sở mộc truyền thống phục vụ nhu cầu làm nhà, bàn ghế, giường, tủ… của người dân. Với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ cùng con mắt tinh tường, giàu thẩm mỹ, những người thợ mộc đã dày công sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo.

  Ông Huỳnh Hữu Điền (làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ) bên máy bào gỗ hiện đại. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Huỳnh Hữu Điền (làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ) bên máy bào gỗ hiện đại. Ảnh: Nguyễn Diệp


Với ông Huỳnh Hữu Điền (61 tuổi, trú tại làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ), nghề mộc không chỉ để mưu sinh mà còn chứa bao ký ức của tuổi thơ. Ông Điền kể: Những năm trước giải phóng, cha mẹ ông từ Bình Định lên Đak Lak, sau đó quay về vùng đất Pleiku sinh sống và làm nghề mộc cho đến nay. Từ nhỏ, ông đã được cha chỉ vẽ từ lựa chọn nguyên liệu đến các động tác cưa, đẽo, đục, bào gỗ. Trong thời gian nghỉ hè, ông thường theo cha và người bác ruột để học, dần dần nghề mộc ngấm sâu vào máu thịt. “Nghề mộc được truyền lại từ nhiều đời. Ở quê tôi xưa, thợ mộc rất được người dân coi trọng. Nghề mộc đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó; có đôi bàn tay khéo léo, cái nhìn thẩm mỹ. Mọi công đoạn phải làm theo đúng quy trình, quy cách của từng sản phẩm. Mỗi khi tạo ra những sản phẩm ưng ý, được khách hàng khen ngợi, tôi luôn thấy hạnh phúc và đây cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, giữ gìn và phát huy nghề gia truyền này”-ông Điền tâm sự.

Nghề mộc cũng là nghề gia truyền của gia đình ông Nguyễn Văn Minh (tổ 9, phường Yên Đổ). Ông Minh đã có hơn 35 năm gắn bó với nghề. Lúc đầu chỉ phục vụ cho các hộ dân xung quanh nhưng nhờ tay nghề cao, ông Minh được khách ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Quảng Ngãi… tìm đến đặt hàng. Ông Minh chia sẻ: “Nghề mộc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác và cả sự sáng tạo để làm ra những sản phẩm đẹp, độc lạ. Khách hàng tìm đến tôi chủ yếu để đặt làm cầu thang, bàn ghế, tủ… Dù nghề mộc bây giờ không còn hot như trước, nhưng với tôi, đây là nghề góp phần làm đẹp cho đời từ những khúc gỗ vô tri”.

Nghề thợ mộc trước đây chủ yếu sử dụng sức người. Vậy nên, người thợ thường được gắn với hình ảnh “cây bút chì cài tai”. Ngày nay, nhiều người sản xuất theo hướng công nghiệp. Thị trường nghề mộc truyền thống dần bị thu hẹp, thu nhập của người thợ cũng giảm. Tuy nhiên, đối với những người sành chơi thì đồ gỗ mỹ nghệ được tạo ra từ những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ vẫn có sức hút mạnh mẽ. Do đó, nghề mộc truyền thống vẫn có chỗ đứng trong nhịp sống hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn 3, xã An Phú) chia sẻ: “Tôi theo nghề thợ mộc gần 20 năm. Trước đây, tôi làm công nhân tại một xí nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ nổi tiếng của tỉnh. Sau này, nguồn nguyên liệu giảm dần, công việc cũng ít nên tôi tìm đến cơ sở đóng đồ gia dụng tại phường Phù Đổng để tiếp tục làm công việc chà nhám, phun sơn… Tôi gắn bó với nghề vì niềm đam mê tạo ra những sản phẩm đồ gỗ dân dụng làm đẹp cho người dân sử dụng”.

Còn ông Điền thì bộc bạch: Giống như nhiều ngành nghề khác, nghề mộc cũng có ngày giỗ tổ nghề. Đó là ngày 20 tháng Chạp. Hàng năm, vào ngày này, những người thợ mộc đều dâng hương tưởng nhớ tổ nghề. “Nghề mộc truyền thống ở TP. Pleiku vẫn có chỗ đứng nhất định, chỉ tiếc là lớp trẻ bây giờ rất hiếm người chọn theo nghề. Tôi sẵn sàng truyền dạy cho những bạn trẻ có đam mê với nghề, bởi đây cũng là lưu giữ nghề truyền thống của cha ông”-ông Điền nói.

 

 NGUYỄN DIỆP