"Lạ mắt, lạ miệng" với những món ăn độc đáo ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những món ăn có cách chế biến, tạo hình độc đáo cũng khiến cho mâm cơm ngày Tết của gia đình bạn thêm phong phú, đặc sắc hơn.

Ảnh đồ họa: Thanh Nga
Ảnh đồ họa: Thanh Nga


Bánh chưng ngũ sắc

Bánh chưng ngũ sắc vẫn giữ nguyên hương vị bánh chưng truyền thống, chỉ là thêm màu sắc từ nguyên liệu tự nhiên, với ước muốn năm mới được tươi sáng hơn.

Năm màu sắc trong bánh chưng ngũ sắc theo tâm linh tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ước nguyện một năm mới trọn vẹn bình an, may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc.

Màu trắng với sắc gạo nếp trắng thơm ngon, luộc với lá dong nên có màu xanh nhạt mát mắt là màu sắc truyền thống của bánh chưng. Màu xanh đậm là màu của lá dứa với hương thơm đặc trưng hay lá riềng xay nhỏ kỳ công chắt lọc. Màu vàng là sắc màu của nghệ tươi vừa thơm ngọt vừa dậy mùi thơm. Màu đỏ lấy sắc từ quả gấc, màu tím đen lấy màu của gạo nếp cẩm dẻo thơm đặc biệt.

Thịt bò kho quế

Đây là món ăn với sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của thịt bò, hương thơm béo ngậy của mỡ heo và vị cay nồng tỏa ra từ bột quế.

Món ăn này thường được người miền Trung ăn vào ngày Tết nhiều hơn là miền Bắc và miền Nam.

Giò me xứ Nghệ

Giò me, giò bê hay giăm bông thịt bê là tên gọi của món ăn đặc sản Nghệ An được làm từ thịt bê nguyên tảng và bì bê xay nhuyễn đem cuộn và hấp cách thủy. Món ăn này có nguồn gốc từ huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. "Me" là từ địa phương nghĩa là con bê.

Thịt me được hấp nên giữ nguyên được độ ngọt, có màu hồng hồng trông rất đẹp mắt. Khi ăn, miếng thịt ngọt, mềm và hương vị rất thơm. Bạn có thể thái thành từng miếng vuông vắn như giò bình thường để bày trong mâm cỗ cúng Tết, hoặc có thể thái từng lát mòng làm mồi nhậu.

Rau nộm

Nếu như những món nem, giò chả đầy dầu mỡ thì rau nộm là món thanh đạm, chống ngán hiệu quả nhất. Nộm có cách chế biến khác nhau như: nộm rau muống, hoa chuối, su hào… Nhìn chung, món này khá dễ làm và dễ ăn, phù hợp cho mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình.

Sườn non nấu củ sen

Cách nấu sườn non củ sen khá đơn giản. Sau khi cho sườn non vào nồi, đổ nước ngập mặt đun sôi, nhớ canh vớt sạch bọt cho nước trong. Sau đó, đun đến khi sườn chín thì cho củ sen vào đun tiếp. Khi củ sen chín, nêm vào một ít muối, hạt nêm cho vừa ăn thì tắt bếp. Múc canh ra bát, cho vào ít hành lá, ngò thái nhỏ và thưởng thức.

https://laodong.vn/dinh-duong-am-thuc/la-mat-la-mieng-voi-nhung-mon-an-doc-dao-ngay-tet-873382.ldo



Theo THANH NGA (T/H, LĐO)