Ngược núi trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù gió núi thổi buốt thịt da nhưng hàng chục người vẫn cần mẫn làm việc cho đến lúc tối mịt. Công việc của họ là trồng thêm những mầm xanh cho rừng núi.

Gùi cây non ngược núi

Tại một khoảnh đất ở lưng chừng núi Prong (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) có hàng trăm cây thông non được tập kết chờ đưa lên đỉnh núi. Một nhóm thanh niên người Jrai đi bộ từ trên núi xuống đến khoảnh đất bằng phẳng liền tản ra nghỉ ngơi. Quệt những giọt mồ hôi chen lẫn nước mưa đọng trên khuôn mặt, anh Rơ Châm Ngới (trú làng Broch, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) với tay lấy chai nước trong gùi tre uống ừng ực. Anh bộc bạch: “Đường lên núi khó đi, xe máy hay ô tô không lên trên đỉnh được, chỉ có cách đi bộ thôi. Chủ thuê chở thông non đến đây tập kết, còn chúng tôi đi bộ 4 lượt/ngày từ đỉnh núi xuống để gùi lên. Mỗi lượt đi mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Công việc nặng nhọc này chỉ phù hợp với người thật khỏe”.

Người dân gùi thông non lên núi Prong (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) để trồng. Ảnh: Hoành Sơn
Người dân gùi thông non lên núi Prong (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) để trồng. Ảnh: Hoành Sơn


Khoảng 5 phút sau, anh Ngới cùng nhóm bạn tiến đến bãi đất nhặt cây thông non xếp vào trong gùi tre. Một gùi khoảng 30-40 cây thông non còn nguyên bầu. Xếp xong, đoàn người nhắm hướng đỉnh núi ngược lên. “Mấy ngày trước trời nắng, chúng tôi dùng xe máy tăng bo lên tập kết trên đỉnh núi. Chở xe máy được nhiều cây, đỡ mệt hơn. Còn mưa như này thì chỉ có cách gùi thôi. Có hôm gùi nặng quá, gặp dốc cao, người đi trước trượt chân ngã khiến những người sau cũng ngã theo. Có người ngã trúng đá rách da, chảy máu”-anh Rơ Châm Dơng (làng Broch) rủ rỉ.

Chúng tôi theo nhóm người lầm lũi gùi thông lên đến đỉnh Prong. Càng lên cao, càng nghe nặng tiếng thở. Trên này có 2 đoàn người ở huyện Đak Đoa và huyện Chư Păh đang đảm nhận việc trồng thông cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Mỗi đoàn trồng ở một triền núi khác nhau. Một vài người đi trước dùng cây gỗ to bằng bắp tay đã vót nhọn đầu chọt xuống hố đã đào và khỏa lấp đất sẵn. Những người đi sau trồng thông vào đấy cho khỏi sót. Bới đất, lột lớp ni lông bọc bên ngoài bầu đất rồi trồng cây thông non xuống, Rơ Châm Nhi (làng Broch) chia sẻ: “Thi tốt nghiệp lớp 12 xong, em lên núi làm việc với bố. So với gùi thông, việc trồng cây đỡ vất vả hơn. Mọi người chia sẻ với nhau phần việc, người già và con gái thì trồng, thanh niên xuống gùi thông, đào hố… Bọn em được hướng dẫn kỹ lưỡng trước khi trồng nên nắm rõ kỹ thuật rồi”.

Thời gian này, ở đỉnh Chư Jú cao hơn 1.200 m so với mặt nước biển, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cũng có một đoàn người đang làm các phần việc tương tự để trồng thông. Tại một khoảnh đất trống, 5 người đàn ông Jrai đang phát cỏ dưới sự hướng dẫn của anh Hoàng Thái Hà-người nhận khoán việc trồng rừng nơi này. Tại một khoảnh đất trống sát khe suối là vườn ươm. Hàng ngàn bầu đất có cây thông non nhú cao hơn 1 gang tay người lớn được xếp hàng thẳng thớm, lá xanh rì. Anh Hà cho hay: “Năm nay, tôi nhận trồng mới hơn 74 ha thông cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai. Sau khi ký hợp đồng, tôi thuê người dân các làng lên đây giúp việc trồng rừng. Chúng tôi đã ươm xong gần 2 vạn cây thông non và đang phát cỏ để đào hố, chờ mưa nhiều hơn chút nữa là tiến hành trồng”.

Mưu sinh khó nhọc

Đã 6 giờ 30 phút sáng mà sương mù còn bủa vây ngọn Prong. Trong 3 túp lều tạm thưng bạt dựng bên những cây thông trên 20 năm tuổi, những người đảm nhiệm trồng rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ ngồi san sát nhau bên mấy cái bếp lửa để ăn bữa sáng. Bên ngoài, mưa vẫn nặng hạt, gió thông thốc thổi khiến những căn lều tạm run bần bật.

 Người dân chọc lỗ để trồng thông trên núi Prong (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Hoành Sơn
Người dân chọc lỗ để trồng thông trên núi Prong (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Hoành Sơn


Anh Bùi Quốc Nguyên (TP. Pleiku) chia sẻ, anh lên trên này làm lều ở lại để chuẩn bị cho việc trồng rừng từ đầu tháng 6. Ngoài ra, anh cũng về làng Broch rủ thêm nhân công lên làm cùng. “Ở đây có 35 người đều là anh em, họ hàng ở làng Broch. Vì nhiều phần việc nên họ ở luôn trên này hơn 1 tháng rồi. Tính bình quân, mỗi người có thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng”-anh Nguyên tâm sự.

Xúc từng thìa cơm nguội ngắt cho vào miệng, ông Siu Blơng (làng Broch) chia sẻ: “Cơm này mình mới xới nhưng lạnh quá nên nhanh nguội. Như này còn đỡ ấy, có hôm lạnh quá, nuốt không nổi đâu. Trên này, điều kiện ăn ở không đảm bảo nhưng bù lại là tiền công cao, 200-250 ngàn đồng/ngày. Đang mùa mưa, lại ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tìm được việc làm có tiền công cao như này cũng khó lắm. Vì thế, có khổ đến mấy thì mình cũng cố gắng bám trụ để kiếm tiền về nuôi gia đình”.

Lên núi tham gia công việc trồng thông từ đầu tháng 6, chị Bùi Thị Hương (quê ở tỉnh Thanh Hóa) bùi ngùi: “Ở trên này vất vả lắm, nhất là với chị em phụ nữ. Do mưa nhiều, phải thường xuyên mặc đồ chưa khô khiến nhiều chị em bị bệnh về da. Khổ lắm, nhưng có tiền để nuôi mấy đứa con nhỏ nên mình ráng bám trụ”.

Theo ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, năm 2021, đơn vị được giao trồng 100 ha rừng ở huyện Chư Păh. Để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị yêu cầu người nhận khoán thuê nhân công trong huyện. “Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người dân. Dù công việc trên này nặng nhọc, nhưng đổi lại bà con có nguồn thu ổn định cho 3 tháng mùa mưa. Còn hơn ở dưới làng, ít việc và tiền công cũng không cao”-ông Thành nói.

Vườn ươm thông trên núi Chư Jú. Ảnh: Hoành Sơn
Vườn ươm thông trên núi Chư Jú (huyện Krông Pa). Ảnh: Hoành Sơn


Việc ăn uống, nghỉ ngơi của những người trồng rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai cũng không kém phần vất vả. Muốn vào được địa điểm trồng rừng ở Chư Jú, chúng tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe máy lẫn đi bộ ngược núi. Đêm ngủ ở giữa đỉnh núi cao nhất nhì huyện mới cảm nhận được công việc mưu sinh của người trồng rừng. Những chiếc áo bông dày sụ không đủ làm ấm người. Khói từ đống lửa to giữa lều bạt hòa với sương đặc quánh gây cảm giác khó thở. Tóc bết lại vì sương. Nước trong mấy can nhựa lạnh buốt. “Chúng tôi vào ở trong này gần 2 tháng rồi đấy. Không thể chuyển cây giống vào như nơi khác nên chúng tôi ươm cây giống ở trong này luôn. Do đó, đợt trồng rừng này sẽ kéo dài hơn 3 tháng. Ăn uống cũng tạm bợ cho qua ngày, chủ yếu là rau rừng, cá suối hoặc cá khô. Có điều là mỗi tháng cũng được 6-7 triệu đồng. Trong điều kiện dịch dã như này mà có thu nhập như vậy là quá ổn rồi”-anh Hoàng Thái Hà thủ thỉ.
 

 HOÀNH SƠN