Cần chọn lọc, sử dụng một số di sản phục vụ du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước năm 1975, Pleiku là nơi đồn trú của Quân đoàn II ngụy. Nói cách khác, trước ngày 17-3-1975, Pleiku là thành phố chiến tranh. Chiến sự đã lùi xa gần nửa thế kỷ, việc chọn lọc một số di sản của giai đoạn này phục vụ du lịch là cần thiết.
Hơn chục năm trước, tôi nêu ý tưởng rồi cùng một đồng nghiệp tổ chức triển lãm ảnh Pleiku-Xưa & Nay. Câu hỏi đặt ra lúc đó là làm cách nào để vừa giới thiệu được một giai đoạn lịch sử đã qua trong sự so sánh với chính nó sau nhiều chục năm hòa bình. Triển lãm được cấp phép và có hiệu ứng tích cực. Hóa ra, con người luôn có nhu cầu tìm hiểu, khám phá quá khứ.
Pleiku có tác phẩm nào trước năm 1975 được nhắc đến nhiều nhất? Hẳn đa số sẽ đồng tình khi cùng nhớ về nhân vật “má đỏ môi hồng” trong “Còn một chút gì để nhớ” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thơ Vũ Hữu Định từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sau năm 1975, có một số ca khúc hay về Pleiku. Tuy thế, “Còn một chút gì để nhớ” vẫn không hề bị lãng quên. Khoan bàn về giai điệu, nội dung tác phẩm, chỉ riêng việc các tác giả “đóng đinh” biểu tượng “Em Pleiku má đỏ môi hồng” vào tác phẩm đã mang một ý nghĩa rất đặc biệt, ít nhất là cho du lịch địa phương ngày nay. Trong rất nhiều trường hợp, ca khúc này là một lời giới thiệu giàu cảm xúc về đất và người Pleiku.
Cũng về Pleiku, còn có một bài hát khác: “Những bước chân âm thầm” (nhạc sĩ Y Vân phổ thơ Kim Tuấn). Phần lời của ca khúc vốn là bài thơ “Kỷ niệm” được thi sĩ Kim Tuấn viết năm 1961, tại Pleiku. Nhìn từ góc độ du lịch, cái “thiếu” của ca khúc là một từ: Pleiku. Dù vậy, từ rất lâu, những người yêu Pleiku đã biết “Những bước chân âm thầm” dành riêng cho Phố núi của mình.
Về đồ ăn thức uống, các cư dân Phố núi chính hiệu cho hay: Pleiku từng có một số quán ăn ngon như Á Đông, Mỹ Tâm, Mỹ Vị, Xuân Lợi; bánh mì thì có lò Hương Hoa, lò Đô Thành; bún bò: Bà Điếc, Bà Dinh... Thời gian biến cải, đến nay, ẩm thực Pleiku xưa chỉ còn lại 2 thương hiệu vẫn đang là điểm đến của các khách quen: cơm gà Mỹ Tâm (đường Quang Trung) và bún bò Bà Dinh (đường Nguyễn Văn Trỗi).
Trước năm 1975, không kể một vài khách sạn, trường học, Pleiku có một số công trình được xây dựng khá kiên cố. Đáng kể là Biệt điện (số 02 Hai Bà Trưng), Tòa Hành chính (số 02 Trần Phú), chùa Hộ quốc (số 21 Trần Hưng Đạo); rạp chiếu bóng: Diệp Kính, Thanh Bình…
Nhưng trước hết cần nhắc đến Nhà lao Pleiku (số 2 đường Thống Nhất). Theo tài liệu, thực dân Pháp xây dựng nơi này từ năm 1925, đến khoảng năm 1941 thì được sửa chữa, kiên cố hóa. Nhà lao tiếp tục được sử dụng dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, có thời kỳ giam giữ hàng ngàn tù nhân yêu nước. Nhiều người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh tại đây. Được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1994, Di tích Nhà lao Pleiku là một trong những điểm du lịch của địa phương.
Di tích Nhà lao Pleiku. Ảnh: Internet
Di tích Nhà lao Pleiku. Ảnh: Internet
Nếu như căn nhà lớn mang tên Biệt điện xây dựng dưới thời Ngô Đình Diệm đã được tháo dỡ sau năm 1975 thì Tòa Hành chính tỉnh Pleiku đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Hướng ra phía đường Hai Bà Trưng (lối đi nay đã đóng), ngôi nhà đường bệ này từng là trụ sở của UBND tỉnh và hiện là nơi làm việc của Sở Ngoại vụ. Cùng với nhiều cổ thụ, cây xanh, đây là một khuôn viên đẹp và có phần cổ kính.
Liên quan đến cơ sở vật chất này, cần nói thêm rằng, đến nay, kiến trúc mới và bề thế nhất ở Pleiku chính là trụ sở UBND tỉnh. Tọa lạc trong một khu vực rộng lớn, tiếp giáp ít nhất 3 mặt đường Hai Bà Trưng, Hoàng Hoa Thám và Trần Phú, đây là điểm quan tâm đáng kể cho những ai muốn tìm hiểu về Tòa Hành chính Pleiku trước năm 1975, bởi nó vẫn nằm ngay sau lưng tòa nhà mới vừa nêu.
Theo ông Nguyễn Quang Hiền (SN 1953, số 3 Tăng Bạt Hổ) thì Tòa Hành chính Pleiku được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Tôi cho rằng, để du lịch Pleiku phát triển hơn, đến thời điểm thích hợp, chính quyền địa phương nên mở cửa một phần khu vực này cho du khách tham quan. Xa hơn, cũng là tốt hơn, nếu Pleiku được giao quản lý Tòa Hành chính (cũ) và biến nó thành nhà truyền thống của thành phố.
Gần 10 năm nay, chùa Hộ quốc được gọi là Bảo tàng cổ vật. Thực ra, đây chỉ là một bộ phận của Bảo tàng tỉnh, thường mở cửa mỗi tháng vài lần. Tại đây còn lưu giữ một số hiện vật có từ trước năm 1975: tượng Phật, chuông đồng và 12 bức tranh tường. Theo quan sát, không có nhiều người đến đây vãng cảnh chùa cũ nhưng để nó thực sự trở thành một địa điểm có tên trên bản đồ du lịch Phố núi, cần sự thay đổi từ nhiều phía.
Đến nay, chưa có cuộc thăm dò hay hội thảo nào về di sản văn học nghệ thuật trước năm 1975 của Pleiku. Điều này không có nghĩa là tất cả những sáng tạo loại này đều không còn hữu dụng. Trong cái nhìn tích cực, cơ quan chức năng của Pleiku cần chủ động rà soát, từ đó có hành động phù hợp cho vấn đề.
Thời gian tới, các di sản vật chất sẽ vẫn duy trì công năng hiện hữu của mình. Tuy nhiên, để xúc tiến du lịch Pleiku, ở những điểm này nên có ít nhất một bảng nhỏ (nếu kèm theo một vài hình ảnh xưa thì càng tốt) ghi lai lịch căn nhà. Các thông tin này đương nhiên cũng nên xuất hiện trong tài liệu hướng dẫn du lịch của địa phương. Tương tự, các rạp phim vang bóng một thời như Diệp Kính (nay là siêu thị), Thanh Bình (hiện là cơ sở của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cũng rất nên được những người có trách nhiệm lưu tâm.
Pleiku không có nhiều di sản được để lại từ trước năm 1975. Tuy thế, phần lớn những gì có giá trị đều đang được sử dụng. Vấn đề đặt ra là, trừ Di tích Nhà lao Pleiku, đa số những gì vừa nêu chưa được nhìn nhận từ góc độ du lịch một cách nghiêm ngặt. Do đó, cần gạn lọc, phát huy mặt tích cực của chúng để hoạt động du lịch của Pleiku ngày càng phát triển.
NGUYỄN QUANG TUỆ