Bầu cử năm 1968: Củng cố, kiện toàn chính quyền từ tỉnh đến cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những thắng lợi liên tiếp sau Tết Mậu Thân 1968 đã giúp ta mở rộng vùng giải phóng, trong khi phạm vi kiểm soát của địch bị thu hẹp. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng là phải nhanh chóng tổ chức chính quyền cách mạng của Nhân dân, giữa năm 1968, Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai tổ chức cho Nhân dân vùng căn cứ và vùng giải phóng bầu cử HĐND và UBND cách mạng lần lượt từ cấp xã đến huyện, tỉnh.
 


Ở cấp xã, ngay từ cuối tháng 5-1968, Ủy ban Mặt trận các cấp đã tiến hành tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc thành lập chính quyền các cấp; tính chất, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng; quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền. Mặt trận các cấp cũng tiến hành cuộc vận động bầu cử, phổ biến các nguyên tắc, tiêu chuẩn chọn người bầu vào chính quyền, các nguyên tắc, thể lệ bầu cử; động viên cá nhân ra ứng cử và đề cử, kết hợp Ủy ban Mặt trận các cấp giới thiệu đề cử. Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-1968, sau khi chuẩn bị xong, các xã lần lượt tiến hành bầu cử HĐND và UBND cách mạng xã. Nhân dân các xã hăng hái đi bầu cử, có xã số cử tri đi bầu đạt tới 99%. Kết quả, toàn tỉnh đã tiến hành bầu cử ở 79 xã, bầu ra 1.169 đại biểu HĐND cách mạng. Hội đồng nhân dân cách mạng đã bầu ra 407 ủy viên UBND cách mạng xã. Sau khi bầu cử thành công, một số xã đã tổ chức mít tinh, làm lễ ra mắt HĐND và UBND cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng có tuyên bố chương trình hoạt động công tác của mình.

 Cử tri làng Trường Sơn (xã Tơ Tung, huyện Kbang) tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Minh Triều
Cử tri làng Trường Sơn (xã Tơ Tung, huyện Kbang) tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Minh Triều


Sau khi chính quyền các xã được thành lập, lần lượt các huyện tổ chức bầu HĐND và UBND. Số lượng đại biểu HĐND cấp huyện tùy theo dân số đông hay ít mà quy định số từ 15 đến 31 vị; thành viên UBND từ 5 đến 9 người. Việc bầu cử HĐND và UBND cách mạng cấp huyện được tiến hành phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đa số các huyện tiến hành bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, từng người dân trực tiếp bỏ phiếu kín bầu đại biểu HĐND. Có huyện tiến hành bằng hình thức mở đại hội đại biểu các làng, các ngành ở xã bầu đại biểu HĐND huyện; có huyện triệu tập đại diện ủy ban các xã để bầu đại biểu HĐND huyện. Kết quả, tại 8 huyện (trừ khu 8-vùng An Khê và thị xã Pleiku) đã bầu được 181 đại biểu HĐND cấp huyện, trong đó có 150 nam, 31 nữ; có 60 đại biểu người Jrai, 104 đại biểu người Bahnar, 17 đại biểu người Kinh.

Phát huy kết quả đạt được trong việc bầu cử HĐND và UBND cấp xã, huyện, vào cuối tháng 6-1968, ta tiến hành vận động bầu cử HĐND tỉnh. Sau khi Ủy ban Mặt trận tỉnh dự kiến và phân bổ đề cử, danh sách ứng cử ở các địa phương, đơn vị, các huyện lần lượt tiến hành bầu cử. Kết quả, 35 vị được bầu vào HĐND tỉnh, trong đó có 25 nam, 10 nữ; về thành phần dân tộc, người Kinh có 5 đại biểu, người Jrai có 15 đại biểu, người Bahnar có 15 đại biểu.

Ngày 5-7-1968, HĐND cách mạng tỉnh khóa I họp phiên thứ nhất đã thông qua báo cáo chính trị, nghị quyết, chương trình hoạt động và bầu ra UBND cách mạng tỉnh để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền. Theo đó, UBND cách mạng tỉnh gồm 7 thành viên (3 thành viên người Jrai, 2 thành viên người Bahnar, 2 thành viên người Kinh). Đồng chí Ksor Ní-Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh; 2 đồng chí được bầu giữ chức Phó Chủ tịch là Anh hùng Núp (Tỉnh ủy viên) và Ngô Thành (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

Sau khi được thành lập, tại cuộc họp đầu tiên của UBND cách mạng tỉnh có các ban, ngành tham dự và tiến hành bàn bạc các vấn đề liên quan đến quan hệ công tác, quy định lịch báo cáo của các ban, ngành về UBND cách mạng tỉnh. Các ngành trước đây do Đảng trực tiếp lãnh đạo thì nay đã chuyển sang chính quyền như: An ninh, Kinh tế, dân y, Giao bưu, Thương binh, Sản xuất, Giao thông Vận tải, Tuyên văn giáo, Quân sự… Hàng tháng, hàng quý, các ngành đều có báo cáo công tác của ngành mình về cho UBND tỉnh; trong công tác cũng tùy từng việc mà có trao đổi hội ý, hội báo giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các ngành. Đối với cấp huyện, xã, UBND tỉnh đã hướng dẫn nội dung báo cáo, có quy định lề lối làm việc, mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh với UBND cấp dưới, giữa UBND với HĐND cùng cấp, giữa UBND với các ngành; thực hiện đúng nguyên tắc trong quan hệ công tác nhằm bảo đảm tập trung dân chủ, chỉ đạo sâu sát, kịp thời các nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Từ khi chính quyền tự quản ở thôn, xã thành lập sau “Đồng khởi” 1960, đến thời điểm giữa năm 1968, sau khi bầu cử HĐND và UBND cách mạng các cấp thành công, ta đã có bộ máy chính quyền hoàn chỉnh từ tỉnh đến xã, thôn. Việc bầu cử HĐND các cấp được tiến hành trong hoàn cảnh chiến tranh gian khó thể hiện rõ tính chất dân chủ của chính quyền dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn, là kết quả của 14 năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của đồng bào các dân tộc Gia Lai. Sự kiện này một mặt khẳng định sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, đồng thời động viên lòng tự hào của Nhân dân trong vùng giải phóng và củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào ta vào ngày toàn thắng.

 

TỐNG THỚI MỐC