Bảo tồn, phát huy giá trị không gian làng Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, nhiều làng Jrai ở Pleiku đã có những đổi thay cả về cấu trúc, sinh hoạt và văn hóa truyền thống. Đó là sự thật và cũng là quy luật khách quan. Nhưng để xây dựng một TP. Pleiku văn minh với đặc thù vùng Tây Nguyên có nhiều dân tộc bản địa, chúng ta không thể không chú trọng đến quy hoạch xây dựng các làng Jrai truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc này. 
Những làng Jrai ở Pleiku
Đi tìm nguyên gốc của địa danh Pleiku, trong sách “Đến với lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên” của TS. Nguyễn Thị Kim Vân có đề cập: “Địa danh có nguồn gốc từ tên của một làng Jrai là Plơi Aku. Trong tiếng Jrai, aku có nghĩa là cái đuôi…”. Do cách viết và cách đọc mà người ta lược bớt: “Đến nay, mặc dù viết là Pleiku nhưng địa danh này vẫn được thống nhất hiểu là có nguồn gốc từ Plơi Aku tức làng Đuôi”.
Trước khi thực dân Pháp đến cao nguyên thì vùng trung tâm Pleiku là rừng rậm, nhiều khe suối, đất đai phì nhiêu, là chốn định cư lâu đời của tộc người Jrai H’drung. Theo tài liệu “Thị xã Pleiku-60 năm đấu tranh và xây dựng (1930-1990)” thì thời đó có các làng như: Pleiku Roh ở gần khúc giữa đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng ngày nay; Pleikring Der là làng lớn nhất vùng thời ấy, ở gần Điện lực Gia Lai và UBND TP. Pleiku ngày nay; Plei Blo ở cuối đường Wừu, gần nhà thờ Đức An; Plei Ngo trước đây ở gần Sân vận động Pleiku và Plei Ốp ở cuối đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba Hoa Lư ngày nay. Khi Pháp chiếm các vị trí trọng yếu và thiết lập bộ máy cai trị nơi này, lần lượt các làng của người Jrai phải di dời khỏi khu vực trú đóng của Pháp. Từ sau ngày thống nhất đất nước đến năm 1990, đô thị Pleiku đã được mở rộng, các địa danh phường, xã tương đối ổn định. Ở nội và ngoại ô theo thống kê bấy giờ có đến 32 làng Jrai với khoảng 12.000 nhân khẩu, đông nhất là xã Biển Hồ có 8 làng và Chư Á có 7 làng; các phường nội thị như: Yên Đổ, Thống Nhất, Hoa Lư đều có 1 làng.
Nói về truyền thuyết Pleiku, đến nay, nhiều người còn nhớ 2 câu chuyện. Chuyện thứ nhất: Ngày xưa, ở một làng nọ có đôi vợ chồng mới cưới. Theo phong tục Jrai thì đôi trai gái phải làm lễ tạ ơn cha mẹ hai bên. Hôm ấy, đến lượt người chồng làm lễ tạ ơn cha mẹ bên vợ. Tục của làng là buổi lễ tạ ơn phải giết con heo để lấy đuôi vắt qua tai ghè rượu cúng buộc ở giữa nhà. Đến khi bày lễ chuẩn bị cúng thì già làng phát hiện mất cái đuôi heo nên buổi lễ tạm dừng để người nhà giết con heo khác lấy đuôi thay thế. Khi cúng xong, để trừng phạt đám thanh niên làng lo việc bếp núc đã đánh cắp mất đuôi heo, già làng đặt tên làng ấy là làng cái đuôi (dụng ý là cái tên không đẹp). Chuyện thứ hai: Ở một làng Jrai nọ, hôm ấy theo phong tục, họ tổ chức cúng Yàng ở nhà rông có làm lễ ăn trâu hoành tráng. Sau buổi lễ, trong lúc làm thịt trâu để cả làng cùng ăn uống thì xảy ra mâu thuẫn giữa 2 người con trai của vị tù trưởng khi tranh nhau cái đuôi trâu. Theo tục lệ thì trong lễ cúng Yàng, ai là người sở hữu được đuôi trâu thì mọi thành viên trong làng trọng vọng. Một trong hai anh em là người nhanh nhẹn, có sức mạnh hơn đã giành được cái đuôi trâu. Người con này được tù trưởng cho ở lại ngôi làng và đặt tên là Plơi Aku (làng Đuôi), tức Pleiku ngày nay (với ý nghĩa tốt đẹp dành cho người chiến thắng). Về sau, ở đô thị này vẫn còn một số làng giữ tên gốc là Pleiku và thêm từ tố mới phía sau như: Pleiku Roh, Pleiku Brêl, Pleiku Tong, Pleiku Blang… Đến nay, do quá trình dịch chuyển, thay tên, một số làng Jrai ở Pleiku cũng có sự đổi thay nên việc truy tìm lại gốc tên làng rất khó khăn vì nhiều già làng lớn tuổi đã về thế giới atâu.
Các nghệ nhân làng Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Đức Thụy
Các nghệ nhân Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng (ảnh chụp năm 2008). Ảnh: Đức Thụy
Bảo tồn và phát huy giá trị làng truyền thống
Trong quá trình phát triển, đô thị Pleiku ngày càng lớn mạnh, có vị thế ở Tây Nguyên cả về không gian, hạ tầng, tiềm năng kinh tế và đời sống nhân dân các dân tộc cũng được nâng cao. Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, nhiều làng Jrai nơi đây đã có những đổi thay cả về cấu trúc, sinh hoạt và văn hóa truyền thống. Đó là sự thật và cũng là quy luật khách quan mà chúng ta khó bề cưỡng lại.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc bản địa ở TP. Pleiku là mối quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương qua nhiều thế hệ cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa. Các đô thị ở Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum đều có đặc thù và bản sắc riêng. Nhắc đến Buôn Ma Thuột, người ta hình dung đến bản sắc văn hóa của tộc người Ê Đê hoành tráng và độc đáo; hay đến với TP. Pleiku, mọi người không khỏi bị mê hoặc bởi không gian trầm mặc của các buôn làng Jrai với những mái nhà rông cao vút và tiếng chiêng thu hút hồn người; hay một đô thị Kon Tum lặng lẽ bên dòng sông Đak Bla xinh đẹp với nét văn hóa truyền thống của người Bahnar Rơngao, Xê Đăng phong phú, đa dạng… Vấn đề hiện nay là các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch xây dựng đô thị ở địa phương suy nghĩ, hành động đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở các buôn làng dân tộc bản địa trong xu thế đô thị hóa xâm thực mạnh mẽ như thế nào? Có một thực tế là đến khi ngành du lịch phát triển, các nhà kinh tế ở địa phương mới nghĩ đến việc khai thác những tiềm năng văn hóa đặc thù của vùng miền để thu hút du khách, đi sâu hơn nữa là tìm đến các khía cạnh “độc-lạ” trong bản sắc của mỗi một dân tộc bản địa nhằm gây ấn tượng cho khách tham quan. Tuy nhiên, sự “thức tỉnh” ở tầm vĩ mô trong hoạch định chính sách của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa dường như quá muộn so với sự bào mòn và hủy hoại từ thực tế phát triển ở các buôn làng Tây Nguyên nói chung và ở các đô thị miền núi nói riêng.
Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà từng có công trình nghiên cứu về buôn làng truyền thống ở các đô thị Tây Nguyên từ năm 2007. Sau này, có thời gian làm Chủ tịch UBND TP. Pleiku và có sự quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị buôn làng truyền thống ở đô thị này. Trong một bài viết của mình năm 2015, ông nhận định: “Dưới tác động của cơ chế thị trường cũng như quá trình đô thị hóa hiện nay tại TP. Pleiku, hệ thống làng truyền thống có sự biến động sâu sắc và nó bị mai một rất nhiều. Trong 42 làng ở Pleiku hiện nay cũng đang có sự cảnh báo sâu sắc về sự tồn vong của các làng truyền thống trước tốc độ đô thị hóa. Có những làng như Pleiku Roh tỷ lệ người Kinh chiếm 50%, Plei Kép bị bao bọc xung quanh bởi người Kinh, thậm chí trong làng có doanh nghiệp xây trụ sở cao 7 tầng. Trong quá trình đô thị hóa, các làng bị xâm hại một cách thô bạo là điều tất yếu và đang xảy ra khắp nơi. Nếu chúng ta không có những chế tài, những quy định và những giải pháp cụ thể thì khó lòng cứu vãn nổi xu thế đó”.
Hiện nay, trong xu thế phát triển du lịch, lãnh đạo TP. Pleiku và các ngành đã quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống Jrai ở nội thành là: Plei Ốp (phường Hoa Lư) và Plei Kép (phường Đống Đa). Trong đó, ở Plei Ốp có không gian rộng, đủ điều kiện hơn để quy hoạch các thiết chế văn hóa của làng Jrai truyền thống, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng để người dân có thu nhập và gìn giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mình. Tuy nhiên, dưới góc nhìn đúng nghĩa của một làng Jrai truyền thống thì Plei Ốp hay Plei Kép đã bị mai một rất nhiều từ việc quy hoạch xây dựng làng đến các nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng trong quá trình đô thị hóa. Các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, múa xoang, tổ chức lễ pơ thi, kể khan hay tạc tượng gỗ… dường như chỉ còn lại với hình thức biểu diễn theo yêu cầu, không còn là thành tố văn hóa nội tại của cộng đồng.
Dựa trên quan điểm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên gắn với việc xây dựng đô thị văn minh và phát triển du lịch một cách hài hòa. Trước mắt, chúng ta cần điều tra lại một cách khoa học đối với các làng dân tộc trong thành phố, đi sâu vào lĩnh vực văn hóa truyền thống của từng làng để phân loại phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di sản còn lại. Sau khi có các số liệu, thông tin đáng tin cậy, TP. Pleiku cần thiết xây dựng các khung pháp lý với các chính sách cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo các làng Jrai theo các cấp độ phân loại và ưu tiên: làng còn giữ nguyên trạng văn hóa cộng đồng truyền thống; làng đã bị phân hóa một phần về văn hóa và làng đã bị phân hóa hoàn toàn trong xu thế đô thị hóa. Mỗi nhóm làng theo cấp độ phân loại, chúng ta chỉ chọn ra một làng điển hình để đầu tư bảo tồn, tôn tạo theo các mô hình: làng truyền thống nguyên sơ; làng như hình thức một bảo tàng sống với các di sản được phục hồi; làng theo thiết chế đặc thù trong thành phố phát triển.
Để xây dựng TP. Pleiku văn minh với đặc thù vùng Tây Nguyên có nhiều dân tộc bản địa, chúng ta không thể không chú trọng đến quy hoạch xây dựng các buôn làng truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc ít người. Cần xác định bảo tồn, tôn tạo buôn làng truyền thống trong thành phố hiện đại là một việc quan trọng và thiết thực, là lương tâm và trách nhiệm trong xu thế phát triển đô thị ở Tây Nguyên hiện nay.
 
BÙI QUANG VINH