Ba chương trình kinh tế lớn: Động lực phát triển trong những năm đầu đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến 18-12-1986 xác định phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy về kinh tế và đề ra phương hướng trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội theo hướng đổi mới cơ cấu kinh tế; triển khai thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Tỉnh Gia Lai-Kon Tum bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trên cơ sở những thành tựu đạt được qua 10 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể các huyện, thị xã và hoàn thành sơ đồ phân bổ, phát triển các lực lượng sản xuất ở địa phương. Triển khai thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX diễn ra từ ngày 21 đến 29-10-1986 đã xác định: ổn định và phát triển sản xuất nông-lâm-công nghiệp, trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện; đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây công nghiệp nhằm tăng nhanh tốc độ sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tháng 5-1987, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về 3 chương trình kinh tế: lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu của tỉnh, xác định rõ các mục tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 1990 và đề ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

 Sản xuất cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Sản xuất cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy



Đối với chương trình lương thực-thực phẩm, tỉnh chủ trương bảo đảm lương thực đủ ăn cho toàn xã hội và có dự trữ; đáp ứng một cách ổn định nhu cầu thiết yếu về thực phẩm; mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm tái sản xuất sức lao động. Tỉnh ủy chỉ đạo phát triển thủy lợi, mở rộng diện tích lúa nước, đưa diện tích lúa 1 vụ lên 2 vụ; đồng thời chú trọng phát triển các loại hoa màu, đậu đỗ, đặc biệt là bắp và mì... Đưa tổng diện tích gieo trồng năm 1987 lên 167.000 ha, đến năm 1990 đạt 207.000 ha, trong đó, cây lương thực 122.000 ha.

Phát huy thế mạnh của địa phương, giai đoạn 1986-1990, dù tình hình khó khăn nhưng tỉnh vẫn điều tiết tăng vốn đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng để thực hiện 3 chương trình kinh tế, trong đó, đầu tư phát triển cây công nghiệp được ưu tiên. Nhờ đầu tư hợp lý nên diện tích cây công nghiệp tăng khá. Trong 5 năm, toàn tỉnh trồng mới được 1.650 ha chè, 2.960 ha cà phê, 8.760 ha cao su, đưa diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh đến năm 1990 đạt gần 30.000 ha, trong đó có 2.438 ha chè, 12.600 ha cà phê, 14.951 ha cao su. Trong giai đoạn này, tỉnh chủ trương phát triển cây cà phê, hồ tiêu, khuyến khích nông dân lập vườn hộ gia đình trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Phong trào làm vườn trồng cây công nghiệp có nhiều tiến bộ.

Về chương trình hàng tiêu dùng, Tỉnh ủy chủ trương sắp xếp lại sản xuất, đầu tư có trọng điểm và có chiều sâu, huy động tối đa các nguồn lực sẵn có để phát triển. Phương châm chung là phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, lao động địa phương, phương tiện thiết bị hiện có, nhạy bén với thị trường để sản xuất hàng tiêu dùng đạt chất lượng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong giai đoạn 1986-1990, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân tăng 5%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh năm 1990 đạt 602 triệu đồng (theo giá cố định năm 1982), tăng gần gấp đôi so với năm 1986. Đến năm 1990, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã sản xuất được 76 mặt hàng, trong đó có 70 mặt hàng tiêu dùng. Việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương đã cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu cho dân, giải quyết một phần tình trạng khan hiếm hàng hóa trong xã hội, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân. Nhiều cơ sở thương nghiệp dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tư nhân, tập thể ra đời, giải quyết việc làm cho đông đảo lao động địa phương và sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống

Về chương trình hàng xuất khẩu, tỉnh xác định được các mặt hàng chủ lực và tập trung đầu tư để sản xuất, khai thác chế biến, tạo ra nguồn hàng có khối lượng lớn và ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thời kỳ này gồm: gỗ tròn và gỗ chế biến, sa nhân, quế, song mây, trầm hương, tùng hương, vỏ bời lời, đót, mì lát, bắp, đậu xanh, gừng, cà phê, chè, cao su, da bò. Tỉnh khuyến khích các đơn vị, các huyện phát triển sản xuất và thu mua hàng phục vụ xuất khẩu; quy định cụ thể giá cả và phương thức thu mua, quyền sử dụng ngoại tệ của các đơn vị tham gia xuất khẩu. Công ty xuất-nhập khẩu tỉnh được giao làm đầu mối xuất-nhập khẩu. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã xuất khẩu được 30 triệu Rúp. Tổng giá trị nhập khẩu 5 năm là 18 triệu Rúp. So với giai đoạn 1981-1985, xuất khẩu của tỉnh trong giai đoạn 1986-1990 tăng 1,4 lần, nhập khẩu tăng 1,2 lần.

Nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế kế hoạch hóa, chuyển từ kế hoạch tập trung, mệnh lệnh áp đặt sang kế hoạch định hướng, phát huy quyền chủ động về sản xuất kinh doanh cho cơ sở. Theo chủ trương đó, tỉnh xóa bỏ bao cấp trong đầu tư, tiến hành giao vốn cho các đơn vị, xí nghiệp để chủ động trong sản xuất kinh doanh; tăng cường sử dụng các công cụ quản lý như hợp đồng kinh tế, vay vốn theo lãi suất tín dụng, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của các cơ sở sản xuất kinh doanh; từng bước tách dần chức năng quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh. Các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh bước đầu phát huy tính năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, quản lý.

Tỉnh chủ trương bãi bỏ việc “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện cơ chế thị trường trong sản xuất kinh doanh. Từ khi bỏ chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng theo tem phiếu, bằng nhiều biện pháp tích cực khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Những năm cuối của kế hoạch 5 năm (1986-1990), kinh tế-xã hội của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp có chiều hướng phát triển khá, tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường được giải quyết, đời sống người dân bước đầu ổn định. Mặc dù nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra chưa thực hiện được nhưng tỉnh đã giải quyết được nhiều khó khăn trước mắt để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo đà quan trọng cho tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo.

 

TỐNG THỚI MỐC