Ánh sáng từ những công trình nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2011, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, nhiều công trình, phần việc là kết quả của sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Từ công trình thắp sáng đường quê

Xã Ia Krêl là địa phương đầu tiên đăng ký đạt chuẩn NTM của huyện Đức Cơ. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, năm 2015, xã đã đạt chuẩn NTM.

Phát huy những thành quả đạt được, năm 2016, người dân xã Ia Krêl cùng thi đua thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực. Một trong những mô hình tiêu biểu là “Công trình đường điện thắp sáng đường giao thông nông thôn”. Người dân các thôn dọc quốc lộ 19B như: Thanh Tân, Thanh Giáo đã đồng thuận đóng góp hơn 83 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên tuyến đường dài gần 3 km. Riêng các hộ dân thôn Thanh Tân đã triển khai lắp đặt thêm 150 bóng điện trên toàn bộ tuyến đường tại các cụm dân cư. Đường điện thắp sáng không chỉ góp phần giữ gìn an ninh trật tự mà còn làm đẹp cảnh quan.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện giúp gia đình anh Rơ Châm Linh (làng Sơn, xã Ia Nan) làm hàng rào. Ảnh: Ngọc Sang
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện giúp gia đình anh Rơ Châm Linh (làng Sơn, xã Ia Nan) làm hàng rào. Ảnh: Ngọc Sang


Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (khi ấy là Chủ tịch UBND xã Ia Krêl) cho biết: Công trình đường điện thắp sáng ở xã Ia Krêl do người dân thôn Thanh Tân khởi xướng. Xuất phát từ nhu cầu thiết thực và hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, người dân xã Ia Krêl và các xã nằm dọc theo tuyến quốc lộ 19B đã bàn bạc, thống nhất và tự nguyện đóng góp tiền, công sức. Những gia đình kinh tế khá giả ngoài số tiền đóng góp theo quy định còn trực tiếp tham gia vào việc trồng trụ điện, kéo đường dây. Những gia đình khó khăn, không có tiền đóng góp thì tham gia ngày công lao động.

Hiện nay, tuyến đường dài hơn 20 km từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến cổng chào xã Ia Din (điểm cuối của huyện Đức Cơ) đều đã có điện thắp sáng. Đây là một trong những công trình thể hiện sự chung tay, góp sức của người dân trong xây dựng NTM. Đến thời điểm này, 10 xã, thị trấn của huyện Đức Cơ đều đã có hệ thống điện chiếu sáng do người dân lắp đặt. Không chỉ thắp sáng đường quê, mô hình này còn góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đến những tuyến đường NTM

Năm 2015, Ia Dom là xã thứ 2 của huyện Đức Cơ và là xã biên giới đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Có được thành quả đó là nhờ tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp rất lớn của người dân. Xuất phát từ nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh, cuối năm 2018, các hộ dân tại khu vực đường tuyến 2 làng Mook Đen 1 đã tình nguyện hiến đất để làm đường. Bà con đã đóng góp được 25 triệu đồng thuê máy san ủi làm con đường dài hơn 500 m, rộng 6 m. Đối với các hộ dân ở đây, việc chung tay làm đường giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông mà còn thể hiện tinh thần đóng góp xây dựng NTM. Ông Siu Loan (làng Mook Đen 1) cho biết: Khi con đường được mở rộng, bà con rất vui mừng. Mới đây, con đường này đã được bê tông hóa theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Người dân trong xã ai cũng vui mừng.

Còn tại xã Ia Din, chỉ trong 2 năm (2019-2020), chính quyền địa phương đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới hàng chục km đường giao thông nông thôn. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực của người dân thông qua phong trào “Hiến đất làm đường”. Cuối năm 2019, khi xã có chủ trương nâng cấp tuyến đường đi qua làng Yít Rông, 12 hộ dân đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Người hiến đất, người hiến cây, người góp công nên chỉ sau một thời gian ngắn, con đường đã khang trang hơn rất nhiều. Hơn 400 m đường đất lầy lội ngày nào giờ đã được bê tông kiên cố. Ông Rơ Lan Lóe (làng Yít Rông) không giấu nổi niềm vui: “Người dân rất phấn khởi vì con đường này giúp cho bà con đi lại thuận tiện hơn. Nông sản làm ra được thương lái tới tận nơi thu mua”.

Ông Phùng Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Din-cho hay: Khi xã triển khai chủ trương làm đường giao thông nông thôn, người dân đồng tình hưởng ứng. Vì thế, trong hơn 1 năm, xã đã huy động được 6 tỷ đồng để bê tông hóa nhiều tuyến đường. Ngoài đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, người dân ở các thôn: Đoàn Kết, Thống Nhất, Đồng Tâm 1 còn đóng góp 450 triệu đồng để làm đường giao thông. Tại thôn Đoàn Kết, 2 tuyến đường chính đều đã được cứng hóa, 1 tuyến trải nhựa, 1 tuyến đổ bê tông. “Với sự đóng góp tích cực của người dân, đầu năm 2020, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Sự đóng góp quý báu đó tạo nên một diện mạo mới ở các thôn, làng và góp phần lan tỏa phong trào “Hiến đất làm đường” trong Nhân dân”-ông Cường thông tin.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở làng Neh, xã Ia Din.  Ảnh: Ngọc Sang
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở làng Neh, xã Ia Din. Ảnh: Ngọc Sang


Và nhiều phần việc ý nghĩa

Năm 2018, làng Sơn (xã Ia Nan) được chọn làm điểm để xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương này, cùng với hệ thống chính trị xã Ia Nan, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện đã tích cực vào cuộc, cùng bà con chung sức xây dựng NTM.

 

Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ: Phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã thể hiện rõ nét vai trò của người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là phong trào “Hiến đất làm đường”, “Công trình đường điện thắp sáng đường giao thông nông thôn”. Hiện nay, hệ thống giao thông của các xã đã dần hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thành quả từ xây dựng NTM tại các xã đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao.

Với xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, làng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu, UBND huyện Đức Cơ đã triển khai kế hoạch và phân công cụ thể cho các cơ quan trực tiếp giúp làng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị. Khi ấy, Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện (nay là Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao) được phân công phụ trách giúp gia đình anh Rơ Châm Linh. Ngoài số tiền cơ quan hỗ trợ, mỗi đoàn viên Công đoàn của đơn vị đã đóng góp 100.000 đồng để mua lưới B40 để rào 40 m vườn, sửa lại nhà tắm và trồng cho gia đình 2 cây chôm chôm.


Ông Rơ Lan Đức-Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan-cho biết: Từ sự giúp đỡ của các cơ quan, dân làng đã nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển sản xuất để duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn NTM.

Những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng NTM đã giúp diện mạo nông thôn của huyện Đức Cơ đổi mới từng ngày. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, cảnh quan môi trường từng bước cải thiện. Ánh sáng từ công trình điện thắp sáng đường quê đã được lan tỏa ở nhiều địa phương, giúp huyện có thêm nhiều công trình NTM thiết thực, ý nghĩa.

 

 NGỌC SANG - VĂN CHÂU