(GLO)- Mỗi lần lên Pleiku, tôi đều được đắm chìm trong không gian hội hè ngập tràn cảm xúc của văn hóa ẩm thực, rượu cần và âm vang cồng chiêng, nới rộng nhịp xoang chống chếnh.
1. Từ Hà Nội, tôi đón chuyến bay cuối tuần gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ là đặt chân đến phố núi Pleiku để được hòa mình vào không gian của lễ hội cồng chiêng, rượu ghè và ẩm thực thật sôi động đầy bản sắc ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Đó chính là sức sống của một thành phố cao nguyên. Nó vừa sôi động, vừa bình yên theo cách một du khách như tôi mong muốn khi cố tìm cách tránh xa khỏi xô bồ phố thị. Và, tôi được hòa vào không khí đặc biệt không nơi đâu có được.
Thật vinh dự khi một người miền xuôi được dự cuộc vui với ẩm thực và thứ rượu cần đặc sắc ở Tây Nguyên. Phong tục, tập quán của đồng bào bản địa được tái hiện hoàn hảo giữa phố thị Pleiku. Ghè rượu cần bưng ra, những ánh mắt thân thiện của các chàng trai, cô gái Jrai, Bahnar nhìn người khách lạ mời mọc đầy ẩn ý. Chẳng cần phải e ngại, cứ thỏa sức ngồi xuống quanh ghè rượu, vít cần uống đến khi cảm thấy mình được đắm chìm trong không khí, trong nụ cười của đồng bào Jrai, Bahnar thì mới coi như hòa nhập một chút vào phong tục nơi đây.
Chuyến du lịch đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc! Đúng vậy, rượu cần và lễ hội, đó là bản sắc không nơi đâu có được. Cũng chỉ tạo nên không khí đó mới là thực chất, là trải nghiệm. Sau một vụ mùa bội thu, dân làng bước vào mùa lễ hội, chụm đầu lại mà uống. “Rượu cần phải quây quần mới ngon chứ”. Câu mào đầu và cũng là lời nói thể hiện bản tính chân chất, hào sảng không thể thay đổi, không thể tách rời của đồng bào Tây Nguyên như cách giới thiệu của hướng dẫn viên.
2. Năm nay, Pleiku nhiều nắng. Đến buôn làng vẫn thấy không khí sôi nổi trong sản xuất và chan hòa văn hóa nhà rông. Ai cũng cười nói vui vẻ, không chút ngại ngần. Thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống nơi đây ánh mắt và nụ cười tỏa nắng. Uống rượu cần ở Gia Lai là phải thật bụng. Dù đã được mấy anh em ở thành phố cảnh báo trước nhưng tôi vẫn chếnh choáng bởi thứ rượu cần đê mê này. “Rượu uống là phải có không khí. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”-mấy câu phụ họa theo của chàng trai Jrai thật yên bình và sảng khoái.
Cang rượu rồi cũng kết thúc trong sự cố gắng của người miền xuôi là tôi, giữa tiếng vỗ tay hò reo thích thú của những người xung quanh. Bà con thật lòng và cũng mến người thật bụng. Lên buôn làng bằng cái tâm trong sáng thì sẽ được đối đãi chân tình. Bà con sống chan hòa với núi rừng, với đất Tây Nguyên, với lòng hiếu khách từ bao đời. Nay vẫn thế, chẳng thay đổi chút gì dù qua bao năm tháng. Đặc trưng của đồng bào Jrai, Bahnar bản địa là lối sống tập thể đoàn kết vô cùng. Làng có việc gì là hò nhau giúp đỡ không kể đến bản thân. Không khí này dễ gì tìm thấy ở nơi nào khác!
Chung vui rượu cần ngày hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Đặc trưng ấy thấy rõ ở Pleiku. Địa phương nào cũng có phong tục, tập quán riêng, mỗi nơi mỗi khác. Tất cả đều hòa thành bản sắc văn hóa truyền thống cần được nâng niu, giữ gìn, bảo vệ. Rượu cần là một thứ văn hóa không sách vở hay giấy mực, nó in sâu vào truyền thống, suy nghĩ của từng người dân nơi đây.
Thưởng thức rượu cần không phân sang hèn. Tôi đặc biệt ấn tượng với phong cách uống rượu cần của người Jrai, Bahnar. Đàn ông và phụ nữ, tất cả đều ngồi vào và uống chung. Không có địa vị gì ở đây, tất cả già trẻ, lớn bé đều hòa mình vào không khí chung ấy. Tôn trọng và bình đẳng chính là đặc trưng ở nơi đây. Nói thế nhưng truyền thống uống rượu cần cũng phải có tôn ti trật tự, có trước có sau. Đặc biệt, ở đây còn có tục lệ đã uống là không được dở cang. Có như vậy mới thể hiện sự tôn trọng.
3. Đến du lịch Pleiku rồi thưởng thức rượu cần mới thấy được sự giản dị mà mến khách tuyệt vời. Không cao sang cũng chẳng cầu kỳ, cách ủ rượu cần có thể không so được với các loại rượu có nguyên liệu quý giá, nhưng chính sự giản dị đó mới thể hiện đúng cái chất của con người Tây Nguyên. Gạo, mì, bo bo... tất cả hòa quyện với men lá cây rừng độc đáo. Chỉ vậy thôi mà hương vị cũng đủ thể hiện tình đất, tình người.
Ngon cùng uống, nhạt cùng chia. Khi phong tục đã trở thành bản sắc thì đồ ăn thức uống đặc sản được phục vụ tại chỗ như cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng... sẽ thấm vô cùng. Đi du lịch ở Pleiku trải nghiệm cuộc sống cộng đồng, có niềm vui gì cũng đều chia sẻ. Sự tự do ấy như thanh âm chân thực của rừng cây xanh biếc, của cao nguyên hùng vĩ. Vị ngọt của rượu đọng lại trong tôi cứ như đã từng thân thiết và nếm thử rất lâu rồi. Khi ở trong không khí sôi động của câu ca, điệu múa và âm hưởng tiếng cồng, tiếng chiêng được chính người dân tái hiện, mọi nỗi buồn riêng tư và phiền não bỗng biến mất. Người ta tạm quên đi nhọc nhằn vất vả, thậm chí cả du khách phương xa cũng cất kín xô bồ và bon chen ở chốn thị thành để hòa mình vào cái bao la, vô tận của đất trời, lòng người. Tâm sự trút theo ghè rượu, những đau nhức hàng ngày tạm bỏ qua. Ai khó khăn gì thì biết ở đây để cả làng giúp đỡ. Thế mới nói, văn hóa Tây Nguyên thật đẹp và cũng huyền bí đối với người miền xuôi.
4. Có người nói phong tục của đồng bào Tây Nguyên làm họ cảm thấy như đứng trước một cuốn sách mà dù cố gắng đến đâu cũng không hiểu hết. Nhận xét cũng đúng phần nào, vì pho sử đồ sộ của Tây Nguyên vẫn đang được lưu truyền trong từng hoạt động nơi đây, được các nhà sử học khắp nơi tìm hiểu, phân tích. Trong nền văn hóa giàu bản sắc ấy, văn hóa rượu cần vẫn tồn tại và vẫn chiếm vị trí quan trọng. Vẻ đẹp bên ghè rượu của đồng bào Tây Nguyên cần được giữ gìn và lan tỏa nhiều hơn, đặc biệt là trong thời đại hội nhập mới, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đến bây giờ, vị thơm ngọt của rượu cần mà tôi đã được thưởng thức ở Pleiku vẫn in đậm dấu ấn. Bà con đã lưu giữ rất tốt phong tục này, sự vô tư và hiếu khách này, để rồi hình ảnh đó hòa cùng văn hóa đất nước. Và mỗi dịp cuối tuần, đặt chân đến phố núi Pleiku, bạn sẽ được đắm chìm trong không gian của cồng chiêng, rượu cần và ẩm thực say đắm lòng người.
ĐINH THÀNH TRUNG