100 năm làng cũ Trà Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một ngày nắng vàng cuối thu, chúng tôi ra vùng ngoại ô TP. Pleiku để tìm “làng cũ Trà Đa”. Những thập niên đầu thế kỷ XX, người Kinh ở vùng duyên hải miền Trung lên đây định cư khá sớm, trước cả thời điểm thành lập đô thị Pleiku (1929) và tỉnh Gia Lai (1932).

Khi tra ở mục Dư Địa chí, trong bài Nguồn gốc địa danh có từ tố “trà” trên báo Gia Lai ngày 19-11-2017 của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân có nhắc đến địa danh này: “Trà Đa ban đầu là tên của một làng người Kinh ở phía Nam chợ Biển Hồ, lập năm 1922. Nó vốn là một đồn điền nhỏ của Linh mục Thừa sai Corrompt (Cố Hiển). Vì ở gần làng Đal của người Jrai đã có từ trước nên người Kinh ở đây gọi làng của mình là Trà Đa”. Còn vì sao ở Gia Lai lại có nhiều địa danh mang từ tố “trà” như : Trà Bá, Trà Đa, Trà Phan, Trà Huỳnh, Trà Dôm, Trà Tiên, Trà Nhiên, Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn có giải thích rằng: Từ “trà” có nguồn gốc từ từ “pla” ngôn ngữ Chăm (có nghĩa là làng) như “plei hay plơi” là làng của tiếng Jrai. Người ven biển miền Trung đọc âm “pl” thành “tr” nên mới có từ tố “trà” như trên. Còn cách giải thích khác: Từ tố “trà” trong một số địa danh ở Gia Lai là ngày xưa nơi đây người Pháp có lập một số đồn điền trà (sở trà) nên một số vùng đất được đặt tên có yếu tố “trà” như trên. Lập luận này đã không đứng vững, ít người đồng thuận. Như vậy, năm 2022, ngôi làng mang tên Trà Đa vừa tròn 100 năm.

 Tác giả (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng người dân sống ở “làng cũ Trà Đa”. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Tác giả (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng người dân sống ở “làng cũ Trà Đa”. Ảnh: Hùng Hoa Lư


Với mục đích tìm hiểu về làng cũ, chúng tôi đến UBND xã Trà Đa. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Ngọc Tường-Phó Chủ tịch UBND xã, người khá am tường vùng đất này-cho biết: Vùng đất Trà Đa-nơi chúng tôi đang đứng chân-mới được khai hoang vỡ hóa từ sau ngày thống nhất đất nước (1975) theo chủ trương giãn dân vùng nội thị xã Pleiku lúc bấy giờ. Có thể gọi đây là vùng kinh tế mới, vì lúc đó mới có người Kinh đến định cư, khai khẩn đất đai làm ăn sinh sống.

Trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh có ghi: “…Chọn các điểm Ia Lu, Trà Đa, 17-3, Hà Tam, Hà Lòng, Lò Than, Vườn Mít, xã Gào… hướng dẫn và hỗ trợ lương thực đưa dân nội thị ra khai hoang sản xuất, lập điểm dân cư mới… Đến tháng 5-1976, toàn thị xã đã khai hoang được trên 3.000 ha, có 2.500 ha bờ vùng bờ thửa; đưa 770 hộ với 4.000 khẩu đến các điểm dân cư mới”. Năm 1981, xã Trà Đa được thành lập. Hiện nay, Trà Đa có 6 thôn với 1.314 hộ, 5.211 khẩu, chủ yếu là người Kinh; diện tích tự nhiên hơn 1.322 ha.

Theo sự chỉ dẫn của anh Tường, chúng tôi tìm đến thôn 2 (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) tìm gặp ông Phạm Phụng-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đa, người khá am hiểu địa bàn vùng Trà Đa-Biển Hồ. Ông Phụng nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đến đúng địa chỉ vùng đất xưa. Ông Phụng cho hay, gia đình ông quê ở Núi Thành, Quảng Nam; năm 1958, di dân lên vùng Lệ Chí. Năm 1970, cha mẹ ông về định cư ở vùng Biển Hồ, giáp với làng Phung bây giờ. Thời kỳ đó, dưới chế độ cũ, nơi đây là ấp 8, xã Hội Thương-Hội Phú, quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Thời kỳ Pháp thuộc, một số cư dân người Kinh ở đồng bằng miền Trung lên cao nguyên lập làng: Tiên Sơn, Phú Thọ, Nguyên Lợi, Hội Phú, Hội Thương. Đến sau năm 1920, các nhóm dân cư Kinh mới lập nên làng Quảng Định, Trà Nhá, Trà Đa. Cái tên Trà Đa đầu tiên ấy chính là vùng đất thôn 1 (cách nhà ông Phụng khoảng 20 m).

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Năm (SN 1950), có gia đình sinh sống tại vùng đất này từ lâu. Bố mẹ ông Năm di cư lên ở làng Trà Đa cũ này từ năm 1956. Theo ông Năm, ban đầu, người Kinh ở đồng bằng lên sinh sống nơi đây khoảng mươi gia đình, chủ yếu là người Bình Định. Họ chủ yếu làm công cho đồn điền chè và thuê ruộng của người dân tộc bản địa để trồng lúa. Tại vùng đất này, thời Pháp thuộc có một đồn điền nhỏ trồng chè, sau này cha Hiển (Linh mục Claude Corrompt) cai quản Giáo xứ Ngô Sơn mua lại để canh tác và truyền đạo, phát triển họ đạo. Trong bức thư của đức cha Quy Nhơn viết vào thập niên 20-30, thế kỷ XX khuyến khích để bổn đạo thuộc địa phận Quy Nhơn lên Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum) lập nghiệp, có đoạn: “… Xứ Trà Ngao (tức xứ Thượng Rơngao, ám chỉ đến miền truyền đạo Kon Tum), đất ruộng mênh mông, khí lạnh, đất tốt; lập vườn, làm ruộng đều được. Ai tới đó chí công lập nghiệp chắc sẽ được ấm no và có khi sẽ phú túc” (Trang tin Lược sử Giáo xứ Ngô Sơn).

Xuất phát từ đây mà các nhóm người Kinh sau này mới lên vùng Biển Hồ ngày nay và quần cư bên cạnh Plei Đal, lập nên làng Trà Đa (Plei Đal là làng Jrai-hiện nay đã sáp nhập vào làng Phung, xã Biển Hồ). Nhà thờ Giáo xứ họ đạo Trà Đa hiện nay ở số 31 đường Lam Sơn, thuộc thôn 1, xã Biển Hồ, nguyên trước đây là một nhà nguyện Trà Đa, vách bằng đất, mái lợp tranh được tạo lập năm 1932 do cha Hiển đỡ đầu. Dấu xưa còn lại tại làng cũ Trà Đa cho đến hôm nay là nhà thờ Công giáo thuộc Giáo xứ họ đạo Trà Đa (thôn 1, xã Biển Hồ) và nghĩa địa công giáo ở cuối thôn. Ngày nay, thôn 1, xã Biển Hồ (làng Trà Đa cũ) đã được quy hoạch khá bài bản, đường làng ngõ xóm, vườn tược, nhà cửa rộng rãi, khang trang với gần 200 hộ dân sinh sống ổn định.


Theo thời gian, vùng đất Biển Hồ-Trà Đa biết bao đổi thay nhưng trong ký ức nhiều người vẫn còn lưu lại dấu ấn của làng Trà Đa cũ và họ biết ơn các bậc tiền nhân đã khai hoang mở đất, tạo nên cơ đồ như hôm nay.
 

BÙI QUANG VINH