"Người đại biểu phải đến với cử tri bằng cả nhiệt huyết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ THU HÀ-Trưởng phòng Đào tạo-Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai, nguyên ĐBQH khóa XII về kinh nghiệm hoạt động khi tham gia Đoàn ĐBQH tỉnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

  Bà Nguyễn Thị Thu Hà trong một lần tiếp xúc cử tri.  Ảnh: N.D
Bà Nguyễn Thị Thu Hà trong một lần tiếp xúc cử tri. Ảnh: N.D

* Qua một nhiệm kỳ làm ĐBQH, theo bà, khi tiếp xúc cử tri ở những địa phương, ngành có nhiều vấn đề nóng, nổi cộm, ĐBQH nên ứng xử như thế nào?

- Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ: Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc của ĐBQH đối với cử tri nơi bầu ra mình.

Để đạt hiệu quả, ĐBQH cần nắm vững những vấn đề nổi cộm ở nơi mình sẽ đến tiếp xúc cử tri. Chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng nhằm tìm hiểu thực chất của vấn đề, tìm kiếm cơ sở pháp lý để giải trình, hướng dẫn cho cử tri cách giải quyết. Những ý kiến vượt khỏi tầm của đại biểu thì bình tĩnh tiếp thu, tổng hợp kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đối với những vấn đề cấp thiết, bản thân phải theo dõi tiến độ, nội dung giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, là cầu nối giúp giải quyết vấn đề cho cử tri một cách thỏa đáng nhất.

Người đại biểu phải đến với cử tri bằng cả nhiệt huyết và bình tĩnh trong mọi tình huống.

* Việc thực hiện chất vấn những vấn đề liên quan đến địa phương tại nghị trường thì sao, thưa bà?

- Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ: Thời gian chất vấn tại nghị trường có hạn (mỗi ý kiến chất vấn của đại biểu không quá 3 phút) và không phải tất cả các bộ, ngành đều trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp, nên đại biểu phải biết chắt lọc vấn đề, những nội dung liên quan đến địa phương, nắm bắt thời cơ để chất vấn. Ngoài thời gian tại nghị trường thì tận dụng tối đa hình thức chất vấn bằng văn bản. Đây là hình thức được sử dụng phổ biến vì có thể diễn ra ở mọi thời điểm (kể cả thời gian giữa 2 kỳ họp). Chất vấn bằng văn bản giúp đại biểu nêu rõ vấn đề cần chất vấn và câu trả lời của bộ, ngành cũng rõ ràng hơn, chi tiết hơn, rốt ráo hơn.

Những vấn đề nóng liên quan đến quyền và lợi ích của địa phương còn được lồng ghép khéo léo trong các bài phát biểu tại nghị trường trong phiên họp (truyền hình trực tiếp) bàn về phát triển kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề hoặc góp ý xây dựng luật. Để bảo vệ quyền lợi của cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri tỉnh nhà, trên tinh thần xây dựng, ĐBQH phải bao quát được nội dung kỳ họp, cân nhắc các vấn đề cần chuyển tải tới nghị trường thông qua nhiều kênh hoạt động: chất vấn tại nghị trường, chất vấn bằng văn bản, phát biểu tại nghị trường, tại tổ… Phải luôn đặt quyền lợi của cử tri địa phương trong khối lợi ích chung của cử tri toàn vùng, cử tri cả nước, tránh có những phát biểu mang tính riêng lẻ, cục bộ địa phương (trừ một số nội dung đặc thù).

* Vậy trong tham gia góp ý xây dựng luật thì sao?

- Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ: Đây là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội và ĐBQH. Nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri được thể hiện trong hệ thống pháp luật được ban hành. Vì vậy, việc đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng và ban hành luật là nhiệm vụ không thể thiếu của ĐBQH.

Trong mỗi kỳ họp, Quốc hội thường thông qua nhiều luật đồng thời cũng cho ý kiến vào nhiều dự án luật khác. Căn cứ vào nội dung kỳ họp được thông báo, ĐBQH nghiên cứu các dự án luật lấy ý kiến, các luật sắp được thông qua để thấy được những điều hợp lý, chưa hợp lý của dự án luật, đặc biệt  là vấn đề quy định đã đúng với thực tiễn chưa, có khả thi trong thực tế không… để đóng góp ý kiến sát thực, căn cơ vào dự án.

Ở Việt Nam, cơ quan trình luật chủ yếu là các bộ, ngành chủ quản nên không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành chủ quản. Vì vậy, để đảm bảo công bằng trong xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật, ĐBQH phải đặc biệt lưu ý vấn đề này trong quá trình nghiên cứu và đóng góp ý kiến xây dựng luật.

* Thế còn hoạt động ở các ủy ban của Quốc hội, thưa bà?

- Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ: Là thành viên Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh  niên-Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa XII, tôi có cơ hội để tham gia nhiều hoạt động của Ủy ban trong và ngoài kỳ họp.


Tham gia hoạt động của các ủy ban, ngoài cơ hội được tiếp cận sớm vấn đề, theo dõi vấn đề trong suốt quá trình xây dựng, ban hành chính sách, luật có liên quan, đại biểu còn được tiếp cận thực tiễn vấn đề ở nhiều địa phương. Đây là kênh thu thập thông tin quý giá, nâng tầm thực tiễn đối với mỗi ĐBQH.

Nhằm giúp đại biểu tham gia quyết định các vấn đề liên quan, Ủy ban thường tổ chức các cuộc hội thảo, tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tại các cuộc hội thảo, tham vấn, vấn đề được các chuyên gia mổ xẻ ở nhiều góc cạnh với nhiều quan điểm, kinh nghiệm khác nhau. Là thành viên ủy ban, đại biểu không nên vắng mặt trong các buổi làm việc này. Để đạt hiệu quả trong hoạt động, đại biểu cần xác định thế mạnh của bản thân để đeo bám vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đặc biệt ở địa phương, phải khéo léo lồng ghép quyền lợi cử tri địa phương trong quyền lợi cử tri cả nước.

Là đại biểu kiêm nhiệm, bản thân cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động và chưa thể giúp giải quyết hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của bản thân là sự trợ giúp đắc lực của các đại biểu cùng đoàn, đặc biệt là các cán bộ, công chức thuộc Phòng Công tác ĐBQH tỉnh, tôi đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ người ĐBQH của tỉnh nhà.

* Xin cảm ơn bà!

 Nguyễn Dung (thực hiện)