Từ vụ ca sĩ Goo Hara tự tử: Cách vượt qua cảm xúc tiêu cực và trầm cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tin ca sĩ Goo Hara, cựu thành viên nhóm nhạc đình đám Kara Hàn Quốc, bạn thân của ca sĩ Sulli (tự tử chết trước đó), mới đây tự kết liễu cuộc đời một lần nữa dấy lên mối lo ngại lây lan cảm xúc tiêu cực trong người trẻ.
 

Các chuyên gia khuyên người trẻ khi có cảm xúc tiêu cực hãy viết ra trên giấy rồi vứt bỏ - Ảnh: Nữ Vương
Các chuyên gia khuyên người trẻ khi có cảm xúc tiêu cực hãy viết ra trên giấy rồi vứt bỏ - Ảnh: Nữ Vương


Vấn đề quan trọng là trong cuộc sống hiện nay với nhiều căng thẳng, lo toan kết hợp với nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, làm thế nào để bạn trẻ vượt qua cảm xúc tiêu cực và trầm cảm?

Đừng bắt chước thần tượng bằng mọi giá !

Trước cái chết của ca sĩ Goo Hara, nhiều fan hâm mộ đã bày tỏ sự thương tiếc và đau xót. Nhiều bạn còn dẫn lại những chia sẻ của nữ ca sĩ trước đây trước sự ra đi của bạn thân “chị bảo sẽ sống tiếp phần của Sulli, thế mà...?”. Và nhiều bạn không khỏi đặt nghi vấn: “Có phải cô ấy cũng không vượt qua được và chọn cách giải thoát như chính người bạn thân mình đã từng?”.

Báo Thanh Niên từng thông tin về câu chuyện của cô gái trẻ 25 tuổi tại H.Củ Chi (TP.HCM) cũng đã kết liễu cuộc đời mình một tuần sau cái chết của nữ ca sĩ Sulli. Theo nhiều người chứng kiến kể lại, tại hiện trường, màn hình máy tính vẫn còn sáng hình nữ ca sĩ, trên bàn vẫn còn những bức vẽ nữ ca sĩ do cô gái vẽ kèm dòng chữ “Đẹp mãi tuổi 25…”.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội kỹ năng sinh tồn Survival Skills) cho biết đã từng bị trầm cảm rất nặng và nhiều lần nghĩ đến cái chết để giải thoát. Theo chị Trang, cảm xúc tiêu cực rất dễ bị lây lan và một trong những lý do dẫn đến trầm cảm là đã từng sống trong gia đình với toàn những suy nghĩ tiêu cực của người thân.

“Một khi chúng ta có triệu chứng trầm cảm thì những ý nghĩ tự tử luôn hiện ra rất dai dẳng. Khi người thân, bạn bè xung quanh và đặc biệt là thần tượng của mình có hành động tiêu cực, tự tử thì ngay lập tức như một cú hích và dẫn đến hành động theo”, chị Trang cho biết.


 

Một bạn trẻ chia sẻ cách vượt qua cảm xúc tiêu cực
Một bạn trẻ chia sẻ cách vượt qua cảm xúc tiêu cực



Điều trị trầm cảm cho cả những người thân

Nhìn nhận về vấn đề này, bác sĩ CK2 Lâm Hiếu Minh, đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng cảm xúc tiêu cực lây lan không phải theo kiểu truyền nhiễm như vi trùng, vi khuẩn. Những người đã sẵn có triệu chứng của vấn đề tâm lý, trầm cảm và có ý định tự sát, khi tiếp xúc thông tin về việc tự sát của một người nào đó, nhất là những người đó có ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với họ thì sẽ làm kích hoạt cảm xúc tiêu cực tăng lên và dễ có khả năng thực hiện hành vi tự sát tương tự.


Đấy cũng là thời điểm bùng nổ cảm xúc, khi những vấn đề tiêu cực chạm đến đáy và bắt đầu làm họ nghĩ ngay đến tự sát. “Khi hỗ trợ cho người sau tự sát thì phải hỗ trợ cho cả gia đình, người thân và những người có liên quan với người đó. Vì thế trong quá trình trị liệu, phải trị liệu hệ thống cho gia đình những người bị trầm cảm chứ không chỉ riêng cho người đó”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Minh, những người tự sát thì sau đó những người trong gia đình, người thân xung quanh rất dễ có yếu tố nguy cơ. Bác sĩ Minh lấy ví dụ như khi khám cho một đứa trẻ bị trầm cảm mà mẹ của bé trước đó đã từng trầm cảm và có ý định tự tử, hoặc đã tự tử rồi thì đứa trẻ đó rất có nguy cơ cũng như vậy. Vì vậy, những người vì trầm cảm mà tự sát thì ngay lập tức phải hỗ trợ để phòng ngừa nguy cơ cho người thân trong gia đình và những người có ảnh hưởng xung quanh.

Còn theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), về góc độ tâm lý học, cảm xúc tích cực hay tiêu cực đều rất dễ lây lan. Nhưng những cảm xúc tiêu cực dễ bị ảnh hưởng hơn, bởi con người không phải ai cũng đủ khả năng để nhìn nhận đúng sai, và đôi khi cái đầu chưa đủ “lạnh” để phân định được những điều đó.

“Với cảm xúc tích cực, niềm vui dễ đến và dễ đi nhưng cảm xúc tiêu cực lại rất dễ bị ngấm lâu hơn. Càng về lâu về dài thì càng nguy hiểm”, anh An chia sẻ.


 


Cần trang bị cái đầu “lạnh” để phân định đúng, sai

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang cho rằng để tránh lây lan những cảm xúc tiêu cực và dẫn đến trầm cảm, cần phải trang bị kiến thức về các cảm xúc tiêu cực và những mối nguy hại của nó. Khi chúng ta có kiến thức đầy đủ về trầm cảm, sẽ biết quan sát và nhìn nhận xung quanh, từ đó vừa giúp được bản thân không bị lây lan, vừa giúp được những người xung quanh ta vượt qua…

Còn theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, với những gì mình quá thần tượng, hoặc những người mà mình đã để ý đến thì những hình ảnh hay sự việc gì về họ sẽ được khắc ghi và để lại dấu vết trong vỏ não mà đôi khi chúng ta không nhận ra được. Khi rơi vào bế tắc không tìm được lối thoát hoặc rơi vào hoàn cảnh tương tự, họ sẽ rất dễ làm theo những hình ảnh đã tiếp nhận được trước đó.

“Để không bị lây lan cảm xúc tiêu cực là một điều không đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian để rèn luyện. Mỗi bạn trẻ phải tự ý thức là tách rời những người có suy nghĩ tiêu cực, chủ động kết nối những mối quan hệ với người có lối sống, suy nghĩ lạc quan, tích cực. Và một điều cực kỳ quan trọng là cần trang bị cái đầu đủ “lạnh” để phân định được đúng, sai”, anh An nhấn mạnh.

Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.