Chuyển đổi xanh: Không còn là câu chuyện đánh đổi được - mất trong du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thách thức lớn nhất của chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam chính là thay đổi nhận thức và cạnh tranh. Nó là đòi hỏi của chính thị trường, của con người với lối sống mới, cách tiêu dùng mới.
Du lịch Việt cần sáng tạo, dám làm, “dám chơi” hơn để thực sự chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình xanh. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du lịch Việt cần sáng tạo, dám làm, “dám chơi” hơn để thực sự chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình xanh. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Để đi đường dài và bền vững, du lịch Việt cần “xanh” từ tuy duy đến hành động. Bởi theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Tiến sỹ Võ Trí Thành, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những doanh nghiệp có trách nhiệm xanh, trách nhiệm xã hội thì hiệu quả kinh doanh cũng như hình ảnh thương hiệu sẽ tốt hơn.

Không còn là câu chuyện đánh đổi được - mất

- Chuyển đổi xanh là câu chuyện của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, nhưng theo ông với du lịch, đâu là thách thức lớn nhất?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Theo tôi, trong du lịch có 2 thách thức lớn nhất. Thứ nhất là thay đổi nhận thức để làm sao chuyển thành hành vi của tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái du lịch. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và trực tiếp phục vụ con người, nên việc biến từ nhận thức thành hành vi ứng xử cho đến sản phẩm, rồi sự chuyển động của tất cả các ngành, lĩnh vực và các bên liên quan, như: Doanh nghiệp, khách du lịch, người dân, đặc biệt là người dân ở các điểm đến, các cộng đồng…

Thách thức thứ hai, tôi nghĩ là bắt đầu từ câu chuyện cạnh tranh. Xanh bây giờ không còn chỉ là cam kết, là chiến lược, là hành động có tính quốc gia mà quan trọng hơn, nó là đòi hỏi của chính thị trường, của con người với lối sống mới, cách tiêu dùng mới. Nếu chúng ta không sớm bắt nhịp thì năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với du lịch các nước sẽ có những khoảng cách lớn hơn, nhất là với những nước có nền du lịch hấp dẫn trong khu vực.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Thành. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tiến sỹ Nguyễn Trí Thành. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

- Quá trình chuyển đổi xanh sẽ đòi hỏi rất nhiều chi phí và thường khi xanh hóa thì giá thành sản phẩm, giá thành tour tuyến cũng sẽ tăng theo. Điều này có gây khó khăn cho cácdoanh nghiệp không, thưa ông?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Cũng như nhiều lĩnh vực khác chuyển đổi xanh đều gặp phải rất nhiều thách thức. Đây là một quá trình đòi hỏi không chỉ thay đổi thức nhận, mà cả chính sách, chuyển động từ vi mô từng doanh nghiệp, con người, từng người dân. Nó đòi hỏi tiền bạc, công nghệ, kỹ năng và tất cả những chính sách liên quan, đến nỗ lực cũng như nguồn lực có thể huy động.

Thế nhưng, tôi đánh giá trong du lịch có thể quá trình này vừa có thách thức nhưng lại vừa thuận lợi. Do đây là tương tác trực tiếp với con người, nên từng hành vi nhỏ, từng thay đổi nhỏ có thể không tốn kém, mà vẫn làm thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh, thay đổi hoàn toàn cảm nhận, chấp nhận của khách hàng. Qua đó góp phần thuận lợi cho cạnh tranh của doanh nghiệp, và đằng sau đó là câu chuyện phát triển bền vững.

Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ là vấn đề xử lý rác thải. Nếu chúng ta có ý thức thì việc này không quá tốn kém, mà lại tạo ra hình ảnh và ý nghĩa đóng góp vô cùng lớn. Chính đóng góp đó cùng với quá trình kinh doanh, lại tạo ra nguồn lực và nguồn lực này góp phần vào chuyển đổi xanh. Hay nói cách khác, chuyển đổi xanh và hiệu quả kinh doanh đã thay đổi, không còn là câu chuyện đánh đổi được - mất, mà bây giờ ngày càng hòa làm một.

Càng xanh thì hiệu quả kinh doanh, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp càng tốt hơn. Và rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ít nhất trong trung hạn và dài hạn những doanh nghiệp có trách nhiệm xanh, trách nhiệm xã hội tốt thì hiệu quả kinh doanh tốt hơn, hình ảnh thương hiệu cũng tốt hơn. Và đằng sau đấy là câu chuyện về con người, những vấn đề về giới, về phát triển nguồn nhân lực cũng tốt hơn.

Chuyển đổi xanh giờ đây là đòi hỏi của chính thị trường, của con người với lối sống mới, cách tiêu dùng mới. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Chuyển đổi xanh giờ đây là đòi hỏi của chính thị trường, của con người với lối sống mới, cách tiêu dùng mới. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Cần sáng tạo, dám làm, “dám chơi” hơn

- Vâng thưa ông, chúng ta nói nhiều về chuyển đổi xanh, về netzero, nhưng như thế nào là xanh và chúng ta thực sự có tiêu chuẩn quốc gia về xanh chưa?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Tôi nghĩ tổng thể về quá trình chuyển đổi xanh để đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050 thì đã có và cũng bắt đầu lan rộng khắp các ngành trong quy hoạch. Nhưng dưới góc độ chính sách để cho những cam kết, mong muốn đi vào cuộc sống lại là câu chuyện dài trước mắt.

Ví dụ, kinh tế tuần hoàn cũng liên quan đến du lịch. Chúng ta có đề án, nhưng từ đề án thành chương trình hành động đã khó, từ đề án để thành chương trình thí điểm với các tiêu chí cụ thể cùng các hỗ trợ, ưu đãi thì vẫn đang trong quá trình soạn thảo và chưa thể ra đời được.

Hay chúng ta nói về tài chính xanh phải gắn với tiêu chí xanh. Ví dụ, chúng ta đã có tín dụng xanh trái phiếu xanh, nhưng thực chất phần lớn vẫn phụ thuộc vào năng lượng tái tạo. Còn các định chế tài chính hay việc doanh nghiệp du lịch chuyển hướng xanh để thu hút nguồn lực tốt hơn, thuận hơn và nếu có thể ưu đãi hơn thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

- Với câu hỏi đó thì ông có đề xuất nào?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Thực ra, chúng ta cũng đang làm, nhưng có lẽ tốc độ phải đẩy nhanh hơn, phải sáng tạo hơn, phải dám làm hơn và “dám chơi” hơn trong cuộc sống hiện nay.

Càng xanh thì hiệu quả kinh doanh, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, điểm đến càng tốt hơn. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Càng xanh thì hiệu quả kinh doanh, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, điểm đến càng tốt hơn. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trong thế giới hiện giờ có rất nhiều điều không cần phải chờ đến lúc chúng ta hiểu 100%, biết 100% thì mới làm. Tư duy về quản trị bây giờ rất khác, nếu ngày xưa là “trên, dưới” phải hiểu biết đồng bộ, đầy đủ rồi mới làm, thì bây giờ cần nhanh nhạy, linh hoạt, tính đến tất cả yếu tố tác động lợi ích của các bên liên quan và nếu cần có thể làm thí điểm, học hỏi và làm lại.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Có thể bạn quan tâm

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.

Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trong 1 tháng

Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trong 1 tháng

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định Festival Hoa Đà Lạt không chỉ là ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, mà còn là nơi gặp gỡ của du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo của Đà Lạt.

Ngắm máy bay từ Nóc Rooftop

Ngắm máy bay từ Nóc Rooftop

Nằm cạnh sân bay, Nóc Rooftop (đường Lê Duy Đình, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai thích ngắm những chiếc máy bay chậm rãi rời đường băng, bay vút lên bầu trời…

Trải nghiệm ẩm thực phong phú tại Zagreb, Croatia

Trải nghiệm ẩm thực phong phú tại Zagreb, Croatia

Zagreb, thủ đô của Croatia, không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính mà còn mang đến trải nghiệm ẩm thực phong phú. Nền ẩm thực Zagreb là sự hòa quyện giữa các hương vị truyền thống địa phương và sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những món ăn đặc trưng không thể bỏ lỡ.

Việt Nam là điểm đến được du khách Đức yêu thích

Việt Nam là điểm đến được du khách Đức yêu thích

Năm 2023, khách Đức đứng thứ 3 trong số các thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Mới đây, việc mở thêm đường bay thẳng từ Hà Nội và TPHCM tới Munich, Đức giúp khách du lịch có thể đến 2 thành phố này dễ dàng để trải nghiệm những địa điểm du lịch nổi tiếng và đẹp nhất.