(GLO)- Cuốn sách “Potao, une theorie du pouvoir chez les Indochinois Jorai” (Pơtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jơrai Đông Dương) của Jacques Dournes đã hé lộ ra những thông tin đầu tiên về phế tích tháp Rong Yang ở khu vực Phú Thọ (xã An Phú, TP. Pleiku). Lần theo danh mục tài liệu được liệt kê trong sách, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng nghiên cứu Champa, chúng tôi đã tìm được một số tư liệu quý về quần thể tháp Chăm ở khu vực làng Plei Wao xưa.
Tác giả bên khối đá tại nhà ông Nguyễn Công Hòe có nguồn gốc từ khu vực tháp tháp Rong Yang. Ảnh: Ngô Xuân Hiền |
Theo báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp năm 1919, tại trang 105 cho biết nhiều thông tin chi tiết về các đền tháp tại khu vực này:
Tại làng Plei Wao: Ngôi đền rất quan trọng này đã được nhà nghiên cứu H.Parmentier dựa theo các chỉ dẫn của Cha Jannin, miêu tả một cách ngắn gọn dưới tên Kơdơ. Đây cũng là tên của cánh đồng có sông Mơtơng chảy ngang. Phế tích thuộc làng Plei Wao, cách đồn Pleiku khoảng 15 km. Đa số dân vùng này là người Jrai, nhưng dân làng Plei Wao là người Bahnar thuộc tộc người Gơlar. Có 2 kiến trúc khác nhau, cách nhau khoảng 1.500 m.
Một phần báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp năm 1919 cho biết nhiều thông tin chi tiết về các đền tháp tại khu vực này. |
Kiến trúc đầu tiên, ở phía Bắc, mang tên Bơmông Yang. Đó là một công trình trên một mặt bằng lớn, vuông, lát gạch; còn thấy được ba bàn thờ đá nhỏ, đã bị dịch chuyển. Một bàn thờ trong số đó trước đây đặt bức tượng đá mà Parmentier đã mô tả. Tượng thờ này hiện đang ở trong khu vườn Tòa Công sứ Kon Tum, mang số 11. Cách nền gạch một đoạn có nền móng của một bức tường gạch lớn. Ở phía Nam, trên một gò nhỏ cao khoảng 2 m hình như có dấu vết của một cái cửa. Không còn nhận ra những gì đã được xây dựng, một phần gạch của các bức tường đã bị lấy đi khi thành lập đồn dân quân Pleiku gần đó và đã được dùng để gia cố bờ hào chung quanh đồn.
Kiến trúc thứ 2, xa hơn về phía Nam và được ngăn cách với kiến trúc thứ nhất bởi một con sông nhỏ là một ngọn tháp lớn, phần mái trên của nó không còn. Người Gơlar gọi nó là Rong Yang (nhà của thần linh). Tháp đứng trên một gò đất nhỏ cao vài mét; xung quanh nền lát gạch trải dài. Phần móng tường ngăn cách với cánh đồng xung quanh. Đối diện lối vào đền là ngưỡng cửa cổ có một phiến đá không trang trí, được gạch bao bọc chung quanh.
Tháp có dạng thân hình nón, phủ đầy cỏ. Phía Nam nổi lên một cửa bằng đá. Phần dưới các bức tường thẳng đứng và không có dấu vết của mái vòm. Mép trên của các bức tường hoàn toàn bằng phẳng và phần gạch vụn còn lại không đáng kể. Người ta được phép đặt ra câu hỏi liệu việc xây dựng tháp đã hoàn thành hay chưa?
Sơ đồ tháp Rong Yang. |
Mặt nền được lát gạch cẩn thận. Các phiến đá thẳng đứng với của lối vào được khắc một đường rãnh, và ngưỡng cửa cũng bằng đá được khoét rỗng 2 hốc để lắp bản lề của cánh cửa bằng gỗ hoặc kim loại. Những cái ổ bằng đồng phục vụ mục đích này vẫn còn nguyên tại chỗ. Chúng được lấy ra và đưa về Bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp; một trong số chúng còn hoàn toàn nguyên vẹn. Căn phòng gần như hình vuông 4,8 m x 4,9 m. Lối đi vào bằng một hành lang rộng 1,2 m và dài 4,9 m. Cửa đá cách lối vào bên ngoài 2,9 m và cách buồng trong 2 m.
Ở giữa phòng đặt trên một cái bệ đá có cái chậu tẩy thể (bệ Linga-Yony) trên đó có tượng Phật đứng bằng đồng. Tất cả những gì còn lại ngày nay là đôi bàn chân trần, đặc biệt có các ngón chân bằng nhau, với một mảnh màn xếp và chiếc móc hình tam giác (0,47 m) gắn chặt vào đá. Bàn chân dài 0,23 m và rộng 0,06 m; hai bàn chân cách nhau 0,06 m. Bệ tẩy thể (bệ Linga-Yony) hình vuông mỗi cạnh 0,8 m trên có đặt bức tượng; bệ đá có ba phần, cao 1 m. Dọc theo bệ đá, cả trên 3 bề mặt có một cái rảnh có lẽ để cho nước thanh tẩy chảy xuống từ bể chứa, nhưng không có đường thoát nước.
Tượng thờ Linga-Yony (chậu tẩy thể). |
Dưới chân đế, phía đối diện với cửa, có 3 bậc gạch để người làm lễ rửa tượng. Người ta tìm thấy ở chân bậc tam cấp này một số mảnh vỡ của một cái chậu tẩy thể bằng đất nung. Bốn hốc chiếu sáng nhỏ (một ở mỗi bên cửa và một ở mỗi bức tường bên) giúp chiếu sáng phần phía trước của căn phòng và vị trí làm lễ. Không có hốc chiếu sáng ở phần sau của căn phòng, do đó nó vẫn chìm trong bóng tối.
Đến năm 1928, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp có báo cáo, trong đó điều chỉnh một số thông tin của báo cáo năm 1919 và cho biết ở đây không chỉ có 2 mà là một quần thể gồm 3 công trình kiến trúc nằm trên trục Đông Tây cách nhau một khoảng tương đối bằng nhau chừng 400 m. Tại trang 605 báo cáo cho biết:
Khu vực Pleiku: Các di tích kiến trúc nằm trong địa giới làng Plei Wao thuộc cánh đồng Kơdơ, cách Pleiku khoảng 10 km, cách đường đi Quy Nhơn 600 m. Chúng tôi đã nhận ra 3 trung tâm di tích, nằm chính xác trên 1 trục Đông Tây. Các di tích này cách nhau một khoảng tương đối bằng nhau, trên dưới 400 m.
Về phía Đông là Bomon Yan, có thể nhận ra từ xa bởi những trụ vòm và xà ngang liên kết với các lỗ cửa trên cổng vào tạo thành bộ khung của tháp. Phần xà ngang này đảm bảo cho nó không bị rơi xuống nhờ các lỗ mộng cứng xuyên qua toàn bộ chiều dày của khối kiến trúc và chúng kết nối với các mộng quan trọng của phần đầu các trụ vòm. Phương thức xây dựng này khá đặc biệt của người Chăm để không cần phải ghi chép.
Ba tảng đá của bệ thờ vẫn nằm chổng ngược tại vị trí của tháp cổ, càng khiến khối kiến trúc này càng trở nên dễ nhận diện. Dường như ở đây chưa có cuộc khai quật nào được thực hiện. Ở nơi này, từng có một bức tượng 1 người ngồi trong tư thế khoan thai như một vị vua, được đánh số 5 trong bản kiểm kê vào năm 1925, hiện đang nằm trong kho của Công sứ Pháp tại Kon Tum.
Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ khu vực tháp Rong Yang tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: Ngô Xuân Hiền |
Ở trung tâm là tháp Ron Yan ngăn cách với kiến trúc đầu tiên bởi một con suối, nó gần một nhà nguyện Công giáo. Tòa tháp tọa lạc trên một gò đất cao. Hệ thống tường rào bao quanh tòa tháp đến nay chỉ còn lại vết tích. Đáng tiếc là hiện trạng của di tích này không còn đúng như những mô tả của nhà nghiên cứu M.H.Maspero. Tất cả gạch trên tường bao của tháp đã bị lấy đi. Các mảnh vỡ tượng thờ nằm vương vãi trên mặt đất. Chính nơi này người ta đã tìm thấy 2 bàn chân của một tượng thờ bằng đồng hiện đang để tại nhà kho của Công sứ Kon Tum.
Công trình thứ 3 nằm phía tây mang ít giá trị hơn 2 công trình trước. Nó được xây dựng trên các gò đất nhỏ được người bản địa gọi là mộ phần. Di tích này có thể có nguồn gốc từ sự phá hủy của các kiến trúc gần đó, hiện đang nằm trong bụi rậm xung quanh. Nó nằm về hướng chính Tây của 2 di tích trước và cách tháp Ron Yan khoảng 400 m.
Các tài liệu trên còn cung cấp những thông tin khác vô cùng có giá trị. Tại khu vực tháp Rong Yang thuộc làng Plei Wao (chính là làng Wâu, xã Chư Á) đã tìm thấy cặp bàn chân của một tượng thờ bằng đồng. Cặp bàn chân đồng này dài 0,23 m, chân trần và các ngòn chân bằng nhau. Di vật này được đưa từ Rong Yang về để tại khu nhà kho Tòa công sứ Kon Tum. Sau đó, Tòa Công sứ Kon Tum gừi về Bảo tàng Tourane. Bảo tàng Tourane chính là tiền thân của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Đẵng hiện nay. Tác giả viết bài này đã liên hệ với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để tìm hiểu về cặp bàn chân đồng này, nhưng rất tiếc hiện nay tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng không lưu giữ hiện vật này.
Qua tài liệu cũng cho thấy, khu vực phế tích tháp Chăm ở thôn 4 (xã An Phú, TP. Pleiku) là một quần thể các công trình kiến trúc tôn giáo lớn của người Chăm đã tồn tại đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ thế kỷ XX. Nó chứng tỏ người Chăm đã có mặt ở khu vực Pleiku từ khá lâu và có mối quan hệ rất gắn bó với cộng đồng người Jrai, Bahnar bản địa trong khu vực.
Những thông tin này chỉ là bước đầu, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng cần khảo cứu tất cả các tài liệu có liên quan để có những thông tin đầy đủ, chính xác về quần thể tháp Rong Yang, một trong những báu vật hiếm hoi của người Chăm ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
NGÔ XUÂN HIỀN