Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước, nơi có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn. Các thế lực phản động trong và ngoài nước đã và đang cấu kết, lấy địa bàn này làm nơi để kích động chống phá nhà nước ta, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, chủ trương đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, nhất là từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Nguyên được quan tâm đầu tư thỏa đáng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo vấn đề an sinh xã hội, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, làm cho đời sống nhân dân và bộ mặt từ nông thôn đến thành thị thay đổi tích cực.
Công trình thủy lợi Ia Ring (Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Đức Thanh |
Về nguồn nhân lực, Tây Nguyên vốn là vùng khó thu hút nhân tài, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở còn nhiều yếu kém, đang rất cần sự đầu tư của Nhà nước để đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở, cán bộ có trình độ cao, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật... Để làm được điều đó, từ năm 2011-2015 cần đến 250-300 tỷ đồng (cho riêng tỉnh Gia Lai). Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cả về ngân sách, chính sách, chỉ đạo, điều hành, giúp đỡ thì chắc chắn trong thời gian không xa Gia Lai sẽ có nhiều khởi sắc.
Dương Tráng (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ)