Hai em hiện là học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký (huyện Đak Đoa). Cả 2 đều sinh năm 2014 nhưng xét về vai vế trong gia đình thì HSrina gọi H'Srian bằng dì. Sở dĩ cả 2 có thể nói tiếng Anh lưu loát là nhờ từ khi còn nhỏ, các em được gia đình dạy tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Em H'Srian bộc bạch: “Bố em dạy thêm tiếng Anh tại nhà. Còn chị gái Rcom Hsonh (mẹ của HSrina) là giáo viên tiếng Anh nên 2 dì cháu đã được tiếp cận với ngôn ngữ này từ nhỏ. Ở nhà, em và bố cùng chị gái, cháu gái giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh”.
Em H'Srian (bìa trái) và HSrina tự tin giao lưu với du khách nước ngoài. Ảnh: P.D |
Ngồi cạnh bên, chị Hsonh kể: Bố chị (ông Rơ Chăm Suk) chính là người truyền cảm hứng và cũng là người thầy đầu tiên của các con cháu. Bằng niềm đam mê, ông Suk đã tự học tiếng Anh qua sách vở, nghe radio và được cấp chứng chỉ A. Tiếp đó, ông đăng ký theo học tiếng Anh và thi tại Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học tỉnh, lần lượt lấy chứng chỉ B và C. Từ năm 1993 đến nay, ông mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Có bố đồng hành nên chị Hsonh cũng dần yêu mến môn Tiếng Anh và hiện là giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký. Hiểu rõ lợi thế của ngôn ngữ giao tiếp quốc tế trong cuộc sống cũng như công việc hàng ngày nên gia đình đã thống nhất để H'Srian và HSrina phát triển song song 2 ngôn ngữ. “Hai dì cháu làm quen với tiếng Việt khi bắt đầu học mẫu giáo. Hiện tại, khả năng nghe, nói cả 3 ngôn ngữ của H'Srian và HSrina đều rất tốt”-chị Hsonh chia sẻ.
Theo chị Hsonh, muốn nói tốt tiếng Anh cần chú ý lắng nghe, luyện ngữ âm và giao tiếp thực tế. Đó cũng là lý do mà thời gian gần đây, gia đình thường xuyên đăng ký để H'Srian và HSrina cùng đồng hành trong các cuộc thi tiếng Anh. Tại cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE) năm học 2022-2023, HSrina đạt giải nhất khối 4 toàn tỉnh. Tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh quốc tế HIPPO do Hiệp hội HIPPO toàn cầu tổ chức năm 2023, HSrina đạt giải vàng và HSrian đạt giải đồng tại vòng thi quốc gia. Cũng trong mùa hè năm học 2022-2023, cả 2 thử sức ở chương trình Super Junior-gameshow tiếng Anh trên truyền hình dành cho học sinh tiểu học trên toàn quốc (7-11 tuổi) do VTV7 sản xuất và đơn vị đồng hành Ms Hoa Junior. Thông điệp mà 2 em gửi đến chương trình là muốn cộng đồng biết nhiều hơn về người Bahnar, ngoài cồng chiêng, trang phục còn là sự hiếu học. “Cả 2 vượt qua vòng gửi, duyệt video clip, phỏng vấn và dừng lại ở vòng ghi hình tại Hà Nội. Dù không tiến xa hơn song đây là cơ hội để cả 2 được giao lưu, trải nghiệm giúp bản thân ngày càng tự tin hơn, nỗ lực hơn”-chị Hsonh cho hay.
H'Srian đứng bên cạnh nhìn cháu gái HSrina chơi đàn T'rưng. Ảnh: Phương Dung |
Với mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, chị Hsonh và gia đình luôn tạo điều kiện để 2 dì cháu tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức. Mới đây, cả 2 cùng tham gia chương trình “Thiếu nhi vẽ tranh AI”-hoạt động nằm trong chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” do Công ty TNHH Việt Mốt (Vietmode) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Các em cũng cùng tham gia biểu diễn cồng chiêng và xoang với đội văn nghệ huyện Đak Đoa trong chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức vào sáng 5-11.
Vừa dừng điệu xoang, em HSrina phấn khởi: “Em rất thích tham gia các hoạt động như thế này. Em tham gia biểu diễn cùng các thành viên trong gia đình, trong làng và được giao lưu, gặp gỡ nhiều người và trò chuyện với du khách nước ngoài”. Nói thêm về việc sắp xếp thời gian học tập, em HSrina cho biết: “Trong tất cả các môn học, em thích nhất là môn Tiếng Anh. Mỗi tối, em sẽ dành 2 giờ để học toán, tiếng Việt và 2 giờ để học tiếng Anh online trong chương trình học bổng của Super Junior. Em muốn học thật tốt để sau này có thể giới thiệu với tất cả mọi người về truyền thống văn hóa của dân tộc”.
Trò chuyện khá lâu cùng 2 em tại chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển”, anh Bruce Dunn (du khách người Scotland) bày tỏ: “Tôi muốn biết thêm về văn hóa, ẩm thực của các dân tộc Việt Nam nên đã có mặt tại sự kiện này và thật ấn tượng vì có thể trò chuyện với mọi người, nhất là 2 em nhỏ xinh xắn. Các em sử dụng tiếng Anh rất tốt, rất tự tin”.
Trao đổi với P.V, cô Nguyễn Thị Phi Yến-giáo viên môn Tiếng Anh khối 4, Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký-nhận xét: Rcom H'Srian và Rcom Nay HSrina là tấm gương tiêu biểu trong phong trào học tiếng Anh tại trường. Cả 2 rất năng nổ, tự giác trong học tập và phát âm tiếng Anh chuẩn, lưu loát.