Từ làng đến... đô thị loại I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua gần 1 thế kỷ, từ chỗ chỉ có những ngôi làng Jrai, Pleiku đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầy năng động và phát triển bậc nhất khu vực Bắc Tây Nguyên. 
1. Trời vừa rạng sáng. Những hạt mưa đầu mùa rơi xuống trong đêm vẫn còn đọng lại ướt đẫm trên cành cây, ngọn cỏ. Khoác chiếc áo lao động quen thuộc, đầu đội mũ tai bèo, ông Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư) bước thoăn thoắt ra vườn. Vườn cà phê hơn 700 cây của gia đình ông đang kỳ đậu quả. Cành nào cành nấy chi chít quả xanh. Vừa tỉa bớt những nhánh khô, quả hư và xấu, ông Núi bộc bạch: “Thời gian này, tôi đi gặt lúa đổi công trong làng nên sáng nào cũng tranh thủ chăm nom vườn cà phê thật sớm để còn kịp giờ ra ruộng. Cũng nhờ mấy trăm cây cà phê này cộng với rau, lúa nước và chăn nuôi heo mà đời sống gia đình khá giả hơn trước”.
Ông Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Nói đoạn, ông Núi kể cho tôi nghe câu chuyện cách đây cả trăm năm trước của làng Ốp, được truyền miệng qua nhiều thế hệ: “Ông nội tôi bảo, xưa kia làng gốc tên Pleiku nằm ở khu vực trung tâm thành phố, thuộc địa phận phường Ia Kring ngày nay. Làng khi đó có tới 7 cái nhà rông to. Sau này mới tách ra lập thành các làng: Ốp, Kring Dêr, Blo, Ngo... Làng Ốp ở đầu đường Phan Đình Phùng gần ngã ba Hoa Lư, làng King Dêr ở đường Hoàng Hoa Thám, làng Blo ở đường Wừu và làng Ngo ở khu vực Sân vận động Pleiku ngày nay. Pleiku được bao bọc bởi rừng rậm, cây cối xanh tốt, muông thú nhiều vô kể. Dân làng chủ yếu săn bắt, hái lượm từ rừng và trồng trỉa thêm một ít lúa rẫy để có cái ăn. Trâu được nuôi nhiều ở các làng và thả tự do trong rừng. Khi nào trâu đẻ thì làng mới cử trai tráng vào canh chừng, không để hổ vồ mất nghé. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như thế cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Pleiku. Chúng đuổi dân các làng ra vùng ven, bà con làng Ốp di cư về vị trí hiện tại và sinh sống ổn định đến bây giờ”.
Những năm đầu thế kỷ XX, Pleiku bắt đầu ghi dấu sự có mặt của các nhóm người Kinh từ đồng bằng lên định cư. Một bộ phận do thực dân Pháp đưa từ đồng bằng duyên hải miền Trung lên làm công nhân trong các đồn điền, công trường; một số khác tự di cư theo sự chiêu mộ của các chủ mộ lập làng. Tại khu vực nội thị Pleiku, ngôi làng người Kinh đầu tiên được hình thành có tên là Hội Phú với gần 20 hộ dân sinh sống; sau khi dân đông thì tách ra lập thêm làng Hội Thương. Tiếp đó, ở vùng ven lập thêm các làng: Tiên Sơn, Ngô Sơn, Hiển Sơn, Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ, Trà Nhă, Trà Đa, Trà Bá...
Lăng tự của vợ chồng ông Nguyễn Mai Luật đặt tại chùa An Thạnh (xã An Phú) và được người dân tưởng nhớ, tri ân như các vị tiền hiền có công lập làng. Ảnh: Hồng Thi
Lăng tự của vợ chồng ông Nguyễn Mai Luật đặt tại chùa An Thạnh (xã An Phú) và được người dân tưởng nhớ, tri ân như các vị tiền hiền có công lập làng. Ảnh: Hồng Thi
Nhấp ngụm trà ấm, ông Nguyễn Chí (thôn 1, xã An Phú) cho biết, ông là hậu duệ của vợ chồng ông Nguyễn Mai Luật và bà Trần Thị Hạnh-những người có công mộ dân lên lập làng An Mỹ vào khoảng năm 1920. “Bác Luật là anh ruột của ba tôi, quê ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định; còn bác Hạnh quê ở An Nhơn, Bình Định. Vì vậy, làng lập nên lấy tên là An Mỹ. Vì trốn bị bắt đi lính cho Pháp nên bác tôi tản cư lên Pleiku, gặp bác gái tại làng Quảng Định và nên duyên chồng vợ. Sau đó, 2 người quay trở về quê nhà để mộ thêm dân lên đây định cư, lập làng. Đình An Mỹ và chùa An Mỹ (nay là chùa An Thạnh) được xây dựng ngay sau đó, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của dân làng. Sau khi 2 bác qua đời, lăng tự được lập tại chùa An Thạnh; hàng năm, được bà con tri ân, thờ cúng như những vị tiền hiền có công lập làng”-ông Chí tự hào thông tin.
2. Gần 1 thế kỷ qua, Pleiku đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ qua từng giai đoạn lịch sử. Tháng 5-1925, Pháp thành lập “Đại lý hành chính” Pleiku, đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Kon Tum. Đến ngày 3-12-1929, thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum chính thức được thành lập theo Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ. Đây được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời về mặt pháp lý của đô thị Pleiku. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến năm 1945, thực dân Pháp vẫn không tổ chức bộ máy chính quyền cấp thị xã. Mãi đến sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), chính quyền cấp thị xã ở Pleiku mới được thành lập. Ban đầu, dưới cấp thị xã có cấp vùng, sau một thời gian ngắn thì đổi thành xã, phường. 
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đảng bộ, quân và dân thị xã Pleiku đã đoàn kết một lòng, đứng lên đấu tranh giành lại tự do, độc lập với nhiều thắng lợi vẻ vang. Tinh thần ấy tiếp tục được giữ vững và phát huy trong giai đoạn xây dựng và kiến thiết quê hương sau ngày giải phóng. Từ đống hoang tàn, đổ nát, Pleiku dần trở thành một thành phố trẻ năng động và giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như khu vực. Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Một trong những mốc son đánh dấu sự trưởng thành của đô thị Pleiku là khi thị xã được nâng cấp đơn vị hành chính lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai theo Nghị định số 29/1999/NĐ-CP ngày 24-4-1999 của Chính phủ. Với sự nỗ lực không ngừng, 10 năm sau (25-2-2009), thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ngày 22-1-2020, TP. Pleiku được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc TP. Pleiku nói riêng, tỉnh nhà nói chung. 
Pleiku hướng đến xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp và hiện đại ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Phan Nguyên
Pleiku hướng đến xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp và hiện đại ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Phan Nguyên
Với những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Pleiku như ông Siu Núi, thật khó có thể giấu được niềm phấn khởi khi chứng kiến những đổi thay của quê hương. “Thành phố bây giờ khác xưa rất nhiều, ngày càng khang trang và sạch đẹp. Ngay cả làng Ốp giờ cũng trở thành làng trong phố, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao. Nhà nào cũng có ti vi, xe máy, thậm chí có cả ô tô. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học chữ. Đặc biệt, những năm gần đây, làng được Nhà nước quan tâm đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng nên bà con phấn khởi lắm. Dân làng luôn cố gắng lưu giữ, phát huy nghề đan lát, dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng... để vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vừa phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm”-ông Siu Núi cho biết.
Sau khi “về đích” nông thôn mới vào năm 2018, cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Theo Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng, phát huy truyền thống cách mạng và những thành tựu đã đạt được, Pleiku đang tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại, dịch vụ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến kêu gọi đầu tư và quảng bá, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
“Ngoài ra, Pleiku tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác đã được phê duyệt đảm bảo đồng bộ, theo hướng phát triển đô thị bền vững, hiện đại và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I. Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, chú trọng quản lý kiến trúc đô thị, gắn với cải tạo, trồng mới cây xanh, hoa viên, vỉa hè… đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng ý thức văn minh đô thị; tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nét riêng biệt của đô thị Pleiku, hướng đến xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp và hiện đại ở khu vực Bắc Tây Nguyên”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định.
...Từ những ngôi làng với vài chục nếp nhà, Pleiku giờ đây đã là đô thị loại I. Không còn nhiều con đường đất mùa khô bụi nhuộm đỏ người, mùa mưa trơn trượt mà thay vào đó là những cung đường được nhựa hóa, bê tông hóa sạch sẽ, khang trang. Phố phường sầm uất, nông thôn chuyển mình, thắng cảnh nên thơ, văn hóa đặc sắc... Tất cả đã tạo nên một phố núi đầy cuốn hút và hấp dẫn trong mắt du khách thập phương.
HỒNG THI