Biến rác thải thành vật dụng có ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn vật liệu tái chế, rẻ tiền, các em học sinh đã tạo ra những sản phẩm có ích và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với mọi người.
“Giải cứu” bạt nhựa
“Qua quan sát thực tế, chúng em thấy những tấm bạt hiflex làm poster quảng cáo, băng rôn sự kiện… sau khi sử dụng bị thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, chúng em mang về để tái chế thành những chiếc túi dùng để đựng hàng, hộp bút, hồ sơ, bình nước”-em Nguyễn Ngọc Hạnh (lớp 11A12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết.
Ngoài Nguyễn Ngọc Hạnh, nhóm sáng tạo mô hình “Giải pháp tái chế bạt hiflex nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, góp phần bảo vệ môi trường” còn có các em: Ngô Thị Ánh Dương (lớp 11A4), La Thị Mỹ Duyên (lớp 12A8), Trịnh Khải Nguyên (lớp 11A9), Ngô Quang Sáng (lớp 11A7). Sau khi lên ý tưởng, các em đi xin bạt cũ ở các cửa hàng, hội nghị, sự kiện… về tẩy rửa sạch sẽ, gỡ bỏ lớp keo dán rồi phơi khô. Tùy kích thước và hình in trên tấm bạt mà các em thiết kế thành những chiếc túi phù hợp. Lúc đầu, cả nhóm cứ loay hoay vì không có chuyên môn, sản phẩm bị lỗi và không đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau nhiều lần thay đổi thiết kế và thử nghiệm, nhóm đã làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh.
Em La Thị Mỹ Duyên (lớp 12A8, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) tặng túi đi chợ làm từ bạt hiflex cho tiểu thương ở chợ Chư Sê. Ảnh: Thủy Bình
Em La Thị Mỹ Duyên (lớp 12A8, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) tặng túi đi chợ làm từ bạt hiflex cho tiểu thương ở chợ Chư Sê. Ảnh: Thủy Bình
Ưu điểm của bạt hiflex là khả năng chống nước, bền chắc, tái sử dụng nhiều lần và có thể gấp gọn, dễ dàng mang theo. Vì bạt hiflex cứng hơn vải thông thường, các công đoạn đều phải làm thủ công nên tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy, các em phải tính toán cẩn thận, giảm thiểu bạt vụn phải bỏ phí. Dù sử dụng vật liệu tái chế nhưng sản phẩm làm ra khá đa dạng và bền chắc.
Để khuyến khích mọi người sử dụng túi đựng đồ thân thiện môi trường, nhóm đã tặng sản phẩm cho một số cửa hàng, câu lạc bộ thiện nguyện hoặc cung cấp cho các tiểu thương với giá 5-10 ngàn đồng/sản phẩm. Chị Đinh Thị Phương Chi (tổ 9, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi chợ phải sử dụng rất nhiều túi ni lông để đựng thức ăn. Mới đây, tôi mua 3 sản phẩm làm từ bạt hiflex của nhóm học sinh này. Túi có thể giặt sạch, phơi khô và sử dụng lâu dài”.
Sản phẩm này đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9-2021. “Tham gia cuộc thi, chúng em được Ban giám khảo định hướng, góp ý để hoàn thiện sản phẩm. Sắp tới, nhóm dựa trên phản hồi của khách hàng để cải thiện, thiết kế đa dạng mẫu mã giúp sản phẩm đến được với nhiều khách hàng hơn”-em La Thị Mỹ Duyên cho biết.
Thầy Hoàng Trọng Dũng-Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm-cho biết: “Trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các em học sinh nghiên cứu, sáng tạo. Tuy dự án chỉ đạt giải khuyến khích nhưng đây là cơ hội để các em cọ xát, thử thách bản thân”.
Phát huy khả năng sáng tạo
Cũng tận dụng những vật dụng tái chế, nhóm tác giả đến từ Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) gồm: Phùng Hoàng Bách (lớp 7/11), Bùi Ngọc Phương Linh (lớp 7/11), Nguyễn Bá Phú (lớp 8/10), Nguyễn Trần Hiểu Phương (lớp 7/11) và em Chu Gia Bảo Thư (lớp 7/10, Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku) đã tạo nên sản phẩm “Máy hút bụi và cân lò xo”.
Nhóm tận dụng vật liệu tìm kiếm được từ gia đình như: mô tơ quạt sấy tóc, quạt làm mát từ CPU máy tính, mô tơ lấy từ máy cassette, mô tơ máy khoan, vỏ lon bia... Sau nhiều lần thử nghiệm, áp dụng kiến thức môn Vật lý, các em lắp ráp, tạo ra sản phẩm vận hành theo nguyên lý cơ bản của máy hút bụi. Máy hút bụi từ vật liệu tái chế này khi sử dụng giúp xử lý vệ sinh nhà ở, lớp học, nhất là những vị trí khó lau chùi, làm sạch.
Các thành viên nhóm sáng tạo của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) làm sạch bạt hiflex sau khi thu gom để tái chế thành túi đựng đồ. Ảnh: Thủy Bình
Các thành viên nhóm sáng tạo của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) làm sạch bạt hiflex sau khi thu gom để tái chế thành túi đựng đồ. Ảnh: Thủy Bình
Tương tự, từ những vật phế thải, nhóm tác giả đã vận dụng kiến thức môn học để sáng tạo sản phẩm cân lò xo. Sau khi áp dụng vào thực tế, cân lò xo có thể cân được đường, bột, trái cây… khá chuẩn xác. Do tận dụng vật liệu tái chế nên sản phẩm cân lò xo có chi phí khoảng 5.000 đồng; máy hút bụi 12.000 đồng. Chia sẻ về quá trình sáng tạo, em Chu Gia Bảo Thư cho biết: “Các thành viên trong nhóm học khác lớp, khác trường nhưng có chung niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo. Tùy theo khả năng, nhóm đã phân chia công việc cụ thể cho từng thành viên. Các sản phẩm khá đơn giản, nắm vững nguyên lý vận hành thì sẽ làm được”.
Sản phẩm “máy hút bụi và cân lò xo” làm từ nguồn vật liệu tái chế của nhóm đã đạt giải ba khi tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9-2021. “Đây là lần thứ 2 nhóm chúng em tham gia cuộc thi này và đều giành được giải ba. Mặc dù các sản phẩm còn phải điều chỉnh một số chi tiết nhưng chúng em rất vui khi nhận được sự khen ngợi của Ban giám khảo vì tính sáng tạo. Sau khi tham gia cuộc thi, chúng em đã chia sẻ cách làm sản phẩm với các bạn học sinh trong trường để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, tái chế rác thải”-em Bùi Ngọc Phương Linh chia sẻ.
THỦY BÌNH