Giữ vững ngọn cờ lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 14-1, các tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các giới (nông dân, thanh- thiếu niên, trí thức, đồng bào dân tộc,…), các lĩnh vực (văn hóa, thông tin, đối ngoại,…) đều thống nhất  giữ vững ngọn cờ lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đường lối phát triển cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận chiều 14-1
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận chiều 14-1
Trong phiên làm việc chiều 14-1 tại hội trường, những ý kiến tham luận ở nhiều lĩnh vực, đại diện cho nhiều giới đều toát lên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, tập trung đóng góp xây dựng những vấn đề quan trọng trong văn kiện Đại hội XI.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận chiều 14-1.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường- Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam khẳng định, những chủ trương, đường lối của Đảng được thể chế hóa bởi các quyết sách, điều hành của Nhà nước đã tiếp tục tạo niềm tin, sự đồng thuận cao cho giai cấp nông dân Việt Nam.

Quan điểm nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong đường lối chiến lược phát triển KT-XH đất nước; chăm lo xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nông trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ là cơ sở xuyên suốt để định hướng quá trình phát triển  nông nghiệp nông thôn.

Vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng là kim chỉ nam để thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu cốt yếu cho nông dân: trở thành lực lượng lao động tiên tiến, là lực lượng chính trị vững mạnh và phát triển mạnh mẽ, có những thay đổi về chất.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường kiến nghị tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng trong 5 nhóm giải pháp cho vấn đề tam nông. Đó là huy động nguồn lực, trước hết đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp nông thôn; khắc phục sự manh mún trong sản xuất; xây dựng những mô hình sản xuất có thế mạnh, hiệu suất cao; tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng phát triển mô hình nông thôn mới, văn minh, hiện đại.

Đại biểu Đỗ Hoài Nam
Đại biểu Đỗ Hoài Nam
Đại biểu Đỗ Hoài Nam- Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam tham luận về hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề then chốt, quyết định đến thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới và phát triển là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước nói chung, đối mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị nói riêng.

Để thúc đẩy quá trình đổi mới đất nước, theo đại biểu Đỗ Hoài Nam, Đảng cần tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có nhiều điểm mới và chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao trí tuệ, tầm nhìn và tư duy khoa học.

Trong quan hệ với đổi mới kinh tế và đảm bảo ổn định chính trị thì đổi mới hệ thống chính trị không phải là thay đổi hệ thống chính trị đang có bằng một hệ thống chính trị mới khác. Trên cơ sở giữ vững bản chất của chế độ chính trị mà Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đã lựa chọn, đổi mới hệ thống chính trị ở đây là đổi mới và hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, thể chế hoạt động của hệ thống chính trị hiện có nói chung và từng thành viên của hệ thống chính trị đó nói riêng.

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCSHCM Võ Văn Thưởng cũng bày tỏ nhu cầu định hướng, lãnh đạo sát sao của các cấp Đảng trong tăng cường giáo dục cách mạng, phát huy vai trò xung kích thanh niên.

Đại biểu  Võ Văn Thưởng
Đại biểu Võ Văn Thưởng
“Để thanh niên thực  hiện tốt vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước mong muốn và trân trọng đề nghị Đảng lãnh đạo và Nhà nước tạo điều kiện để Đoàn thực hiện tốt những giải pháp, từ đổi mới công tác giáo tục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, tổ chức các phong trào lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên- Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, một tỉnh có tỷ lệ đồng bào Khmer đông đảo trong cả nước, đã trình bày những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào về những chủ trương, chính sách của Đảng đối với đời sống vật chất, tinh thần người dân tộc thiểu số, người theo đạo.

Những chủ trương đó, điển hình như Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, thể chế hòa bằng các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện các chương trình 135,134... đã đem đến cho bà con Khmer những thành tựu phát triển lớn.

Riêng 54 xã đặc biệt khó khăn của đồng bào trong tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư 745 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ..., nâng cấp, xây dựng hơn 300 km cầu, đường, xây dựng mới được 63 mô hình sản xuất.

Đại biểu Hoàng Tuấn Anh.
Đại biểu Hoàng Tuấn Anh.
Thay mặt nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng, đại biểu mong muốn Đảng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm quán triệt tốt các quan điểm, chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc, tập trung tuyên truyền về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân, tăng cường công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đại diện cho Bộ quản lý lĩnh vực văn hóa, đại biểu Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn văn kiện của Đại hội Đảng làm rõ hơn chủ trương  nhất quán trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới XHCN, có những giải pháp hiệu quả để nền văn hóa Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay.

Đại biểu Phạm Bình Minh- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định những thắng lợi của đất nước trên mặt trận đối ngoại những năm qua là rất ấn tượng. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề quan hệ ngoại giao trên thế giới cũng có nhiều phức tạp, thách thức, đòi hỏi việc xác định nhất quán trong các chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về các bước đi trong hội nhập quốc tế, phát huy được những thế mạnh của đất nước, của dân tộc trên trường quốc tế.

Qua 2 ngày thảo luận, Đại hội đã nghe 27 tham luận, ý kiến thảo luận trên Hội trường và đã kết thúc phần thảo luận, đóng góp vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI.
Theo Chinhphu.vn