UNICEF: Hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên mạng trong dịch mùa Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng triệu trẻ em tăng nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Đây là cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa đưa ra ngày hôm nay, 17.4.
 
UNICEF cảnh báo hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên mạng trong mùa dịch Covid-19. Ảnh Shutterstock
1,5 tỉ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa 
TS Howard Taylor, Tổng giám đốc Điều hành Tổ chức Hợp tác Toàn cầu chấm dứt bạo lực, cho hay đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra dẫn đến tăng thời gian người sử dụng nhìn vào màn hình các thiết bị hơn bao giờ hết.
Trường học đóng cửa, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng có kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trên mạng.
Theo UNICEF, hơn 1,5 tỉ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc trường học đóng cửa trên toàn thế giới. Nhiều học sinh giờ đây học tập cũng như giao lưu nhiều hơn trên mạng, dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt vì những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, thiếu giao tiếp trực tiếp với bạn bè và bạn trai, bạn gái có thể dẫn đến những hành vi có nguy cơ cao như gửi hình ảnh gợi tình, trong khi đó tăng thời gian lên mạng không kiểm soát có thể khiến trẻ em tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực cũng như tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng.
Vì vậy, UNICEF cùng với các đối tác như Tổ chức Hợp tác Toàn cầu chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Liên minh toàn cầu WePROTECT, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Tuổi thơ thế giới của Mỹ, đưa ra một văn bản chuyên môn mới để hối thúc các chính phủ, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, giáo viên và cha mẹ cần cảnh giác, có các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy đến, và đảm bảo những trải nghiệm trên mạng của trẻ em được an toàn, tích cực trong đại dịch Covid-19.
“Trong đại dịch Covid-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em đang tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình. Chúng ta cần hỗ trợ trẻ em thích ứng với thực tế mới này”, bà Henrietta Fore, Tổng giám đốc điều hành UNICEF, nhận định và kêu gọi: “Các chính phủ và ngành CNTT, truyền thông chung tay đảm bảo an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng bằng việc tăng cường tính năng đảm bảo an toàn và các công cụ mới giúp cha mẹ và giáo viên có thể dạy cho con và học sinh sử dụng internet một cách an toàn”.
Chính phủ và ngành CNTT cần chung tay đảm bảo an toàn cho trẻ em 
Để giảm thiểu nguy cơ trên mạng đối với trẻ em trong đại dịch Covid-19, UNICEF cũng đưa ra một số khuyến cáo.
Theo đó, về phía chính phủ, cần đẩy mạnh các dịch vụ bảo vệ trẻ em chủ chốt, đảm bảo các dịch vụ này vẫn mở cửa và hoạt động xuyên suốt đại dịch, tập huấn cho các cán bộ y tế, giáo dục, cán bộ xã hội về tác động của Covid-19 đối với sức khỏe và tinh thần của trẻ em, kể cả những nguy cơ tăng cường trên mạng; tăng cường các sáng kiến nâng cao nhận thức và giáo dục về an toàn cho trẻ em trên mạng, đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ xã hội, trường học, cha mẹ và trẻ em biết về các cơ chế báo cáo ở địa phương và số điện thoại các đường đây hỗ trợ và đường dây nóng.
Ngành CNTT, bao gồm các nền tảng xã hội cần đảm bảo các nền tảng mạng tăng cường các biện pháp bảo vệ và an toàn, đặc biệt là các công cụ học tập trên mạng và giáo viên, cha mẹ và trẻ em dễ dàng tiếp cận với các công cụ này; thúc đẩy và hỗ trợ các dịch vụ chuyển tuyến đảm bảo an toàn cho trẻ em và đường dây điện thoại trợ giúp; xây dựng các chính sách tiêu chuẩn phù hợp với quyền trẻ em; sử dụng các tính năng bảo vệ sẵn có, đồng thời đổi mới sáng tạo một cách phù hợp, cung cấp kết nối mạng internet để cải thiện tiếp cận của những trẻ em thiệt thòi từ các hộ gia đình thu nhập thấp.
Ngoài ra, trường học cần cập nhật các chính sách bảo vệ hiện hành để phù hợp với thực tế mới là học từ nhà của trẻ em; khuyến khích và theo dõi những hành vi tốt trên mạng và đảm bảo trẻ em vẫn tiếp cận được với các dịch vụ tham vấn của trường học.
Về phía gia đình, cha mẹ cần đảm bảo các thiết bị của con được cập nhật phiên bản mới nhất và có các chương trình chống virus; chia sẻ cởi mở với con về cách giao tiếp trên mạng, giao tiếp như thế nào, với ai; cùng con xây dựng những nguyên tắc khi dùng internet, dùng như thế nào, khi nào, những kênh nào; chú ý đến những dấu hiệu lo lắng của trẻ khi sử dụng mạng; đảm bảo con mình biết các chính sách về nhà trường và cơ chế báo cáo ở địa phương, có các số điện thoại của đường dây điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng.
Thu Hằng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.