Dư luận trong những ngày gần đây đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn thán phục trước sự việc 4 chị em ruột người Colombia từ 1 đến 13 tuổi đã được tìm thấy vào chiều 9-6, sau 40 ngày mất tích trong một vụ rơi máy bay giữa rừng rậm Amazon. Việc 4 đứa trẻ sống sót kỳ diệu này đã khiến cả thế giới ngạc nhiên về khả năng sinh tồn phi thường của con người trong một môi trường đầy rẫy sự nguy hiểm. Nguyên nhân khiến những đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi có thể sống sót nhiều ngày giữa rừng rậm và hoàn toàn không có một người lớn nào ở bên đã được bàn luận rất nhiều. Nhưng chắc chắn, không ai có thể phủ định, các em nhỏ ngoài việc được dạy các kỹ năng cơ bản để sống sót trong núi rừng thì cũng được dạy cả cách sống tự lập để có thể tự sinh tồn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nhìn một chút vào thực tế. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay đang quá bảo bọc con cái. Mỗi sáng sớm, thử ngồi gần cổng các trường học, chúng ta có thể dễ dàng quan sát cách mà các ông bố bà mẹ chăm chút cho các cậu ấm cô chiêu của mình. Từ trẻ nhỏ đang học bậc mầm non, tiểu học được cha mẹ đút từng thìa thức ăn; đến cả học sinh THCS, THPT lớn tướng mà cha mẹ cũng phải luôn miệng nhắc nhở ăn nhanh để còn kịp giờ vào lớp. Đó là chuyện ăn. Còn chuyện học hành, sinh hoạt và tất tần tật các việc khác của một đứa trẻ cũng là vấn đề lớn của không ít gia đình.
Trại hè giúp thiếu nhi kết nối với thiên nhiên và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Ảnh: Minh Châu |
Chị bạn tôi trước đây làm việc ở một cơ quan nhà nước. Khi lấy chồng và sinh đứa con đầu lòng, vì lo lắng việc gửi con đi nhà trẻ không đảm bảo an toàn, chị đã xin nghỉ việc ở nhà để chăm sóc con. Đứa lớn đến tuổi đi học thì chị sinh thêm đứa nhỏ. Từ việc đưa đón con đi học chính ở trường, học thêm các môn năng khiếu ở các trung tâm, đi sinh nhật bạn, đi chơi cùng lớp… phải tự mình chở con đi chị mới yên tâm. Hình ảnh người mẹ ấy có lẽ không xa lạ gì, ở bất cứ đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp.
Bạn tôi kể, cậu con trai học lớp 8 xin bố mẹ một chuyến tự khám phá Singapore để chuẩn bị cho kế hoạch săn học bổng bậc THPT ở nước này. Sở dĩ có việc đó là vì hồi cháu học lớp 5, cả gia đình đã có chuyến du lịch sang bên ấy. Cậu bé vô cùng thích thú với cảnh quan cũng như văn hóa của Singapore. Về nhà, cậu tìm hiểu mọi thông tin về đất nước này. Người cha thấy con hứng thú vậy thì bâng quơ: “Nếu con muốn quay trở lại đó, con hãy cố gắng học tiếng Anh, khi nào con tự tin đi một mình, bố sẽ tài trợ”. Tưởng chuyện vui miệng rồi qua, ai ngờ, mấy năm sau, đứa con trình ra một chứng chỉ ngoại ngữ và nhắc lại chuyện cũ. Ông bố cho thời hạn 1 năm nữa để người con báo cáo lịch trình. Với lòng quyết tâm cao độ, cậu bé đã thực hiện được chuyến đi khám phá đúng ước nguyện của mình mà không cần bố mẹ đi cùng. Chẳng những vậy, cậu còn săn được học bổng và du học ở tuổi 15. Ông bố trong câu chuyện tôi vừa kể là một chuyên gia tâm lý giáo dục. Ông kể, ông đã dũng cảm buông tay con từ lúc nó còn bé xíu. Con đã tự mình trải nghiệm rất nhiều việc trước khi thực hiện những kế hoạch lớn trong cuộc đời.
Ai sinh con ra chẳng muốn bảo bọc, che chở cho chúng. Nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa việc quan tâm đến con với việc nuông chiều và lo lắng cho chúng quá mức. Việc chúng ta thay con trẻ làm hết mọi việc cho chúng chẳng khác nào tước đi những cơ hội để con có thể thể hiện được khả năng của mình. Nhiều đứa trẻ trở nên thụ động, ỷ lại cũng từ việc được bảo bọc quá kỹ mà ra. Không phải tự nhiên mà ngày càng có rất nhiều chương trình/khóa học dạy trẻ các kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống, mà một trong đó chính là khả năng tự lập, tự sinh tồn.
KNgày càng có rất nhiều chương trình/khóa học dạy trẻ các kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống, mà một trong đó chính là khả năng tự lập, tự sinh tồn. Ảnh: Minh Châu |
Đến đây, tôi lại nhớ đến bộ phim hoạt hình Piper (Piper trên bờ biển) của đạo diễn Alan Barillaro. Đó là bộ phim ngắn kể về một chú chim dẽ non đang học cách vượt qua chứng sợ nước của chính mình. Chú chim non được chim mẹ động viên tham gia kiếm ăn cùng bầy đàn, nhưng ngay lần đầu tiên ra bờ biển, chú chim không kịp chạy trốn khỏi cơn sóng rất lớn. Tai nạn đã khiến chú chim non trở nên sợ hãi những cơn sóng và từ chối rời tổ. Nhưng rồi chú chim chợt nhận thấy một nhóm cua ẩn sĩ đang đào cát để tìm thức ăn ở dưới sâu mặc cho những cơn sóng đang đày đọa. Với việc bắt chước những con cua lặn vào trong cát, chú chim đã thấy được vẻ đẹp của thế giới dưới lòng nước và trở nên khéo léo trong việc săn mồi. Từ đó, chú chim không còn sợ nước nữa mà luôn dũng cảm lao vào trong sóng lớn.
Thông điệp của bộ phim gửi đến không chỉ với những đứa trẻ, mà còn dành cho cả người lớn. Nền tảng gia đình chính là cái nôi giáo dục quan trọng nhất của mỗi con người. Việc chúng ta nuôi dạy một đứa trẻ thành một sản phẩm như thế nào, thiết nghĩ, phụ thuộc rất nhiều vào các ông bố, bà mẹ. Dũng cảm buông tay trẻ để chúng có thể tự lập, chính là cách dạy trẻ cách có thể tự sinh tồn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.