Trend "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" là gì?
Những ngày này, lướt TikTok hay Facebook, sẽ không khó để thấy những bài viết, hình ảnh, video của trend "phiên chợ đông" hoặc "phiên chợ tình".
Những người trẻ tham gia trend này bằng cách sáng tạo những câu thơ bắt đầu bằng "phiên chợ đông" hoặc "phiên chợ tình". Trong đó, câu sau thường thể hiện những tình huống đời thường một cách bất ngờ, dí dỏm. Cũng có thể là những câu hỏi hài hước. Hay là lời oán trách, than thở…
Chẳng hạn, "phiên chợ đông em cầm nhầm trái tắc/túi không một cắc mà ai rủ gì cũng đi", "phiên chợ tình em cầm nhầm trái đu đủ/đã là chuyện cũ anh nhắc lại làm chi?", "phiên chợ đông em cầm nhầm trái bưởi/cứ mỗi ngày làm vài cữ cà phê"…
Nhiều người có sức ảnh hưởng, nổi tiếng, cũng "đu trend" này. Có thể kể như MC Lê Nguyên Bảo, ca sĩ Trọng Hiếu, hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa…
Trend này đã được người trẻ áp dụng vào nhiều tình huống khác nhau. Huỳnh Minh Thủy (25 tuổi), làm việc tại 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM), trách bạn bè chuyện trì hoãn chuyến du lịch bằng câu thơ "đu trend", rằng: "Phiên chợ đông, con ong bay tán loạn/Lương có rồi mà sao chuyến du lịch sao còn trì hoãn vậy ta?".
Đỗ Minh Nhân, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM thì viết: "Phiên chợ tình mình cầm nhầm trái khế/Chuyện mình ế sao bạn đi kể tùm lum?".
Cũng có những người tạo nên những câu rất vui để tham gia trend này: "Phiên chợ đông đã cầm nhầm bình rượu/Lương có 5 triệu đồng mà đòi tổ sinh nhật ở nhà hàng 5 sao", "Phiên chợ đông anh cầm nhầm hộp keo sáp/Sao chuyện gì em cũng cap màn hình (chụp màn hình) cho người khác coi?"…

Theo Nguyễn Đỗ Minh Hiền, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, trend này xuất phát từ TikTok. Khi các TikToker đọc những câu thơ hài hước, lại được lồng ghép vào các video ngắn, đã tạo nên nội dung hấp dẫn và gây sốt, lan truyền mạnh mẽ trên internet.
Hiền nói: "Trend này thú vị, đọc thấy vui. Những câu thơ tự do, sử dụng ngôn từ đời thường, thân thuộc, đề cập đến những vấn đề gần gũi với giới trẻ nên được yêu thích".
Chính Hiền cũng nói đang là người trong cuộc. Những ngày qua Hiền hay đăng tải video nói các câu: "Phiên chợ đông em mua nhầm trái mận/Anh lỡ khen rồi thì em xin nhận nha anh", "Phiên chợ đông em cầm nhầm trái ớt/Sao chuyện em thi rớt cô lại kể với mẹ em?"… trên TikTok.
Đỗ Quyên (27 tuổi), làm việc ở 69 Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng: "Trend này rất hài hước. Nhiều người trẻ rất sáng tạo trong việc tạo ra những câu thơ khá thú vị và dí dỏm. Nội dung phản ánh sâu sắc những cảm xúc, tình huống phức tạp trong cuộc sống của người trẻ".
Nguyễn Hoàng Khôi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: "Trend này là minh chứng rõ ràng cho thấy sự sáng tạo không giới hạn của người trẻ".

Vui thôi đừng vui quá!
Theo nhà văn trẻ Ny An (30 tuổi, ngụ ở tỉnh Quảng Nam), trend "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" với những câu thơ chế, ban đầu đọc nghe khá thú vị. Nhiều câu châm chọc rất hài hước, có thể giúp người lướt mạng xã hội thư giãn, cười một chút sau giờ làm việc căng thẳng. Đồng thời, thể hiện sự sáng tạo của giới trẻ "đu trend" thời nay.
Chị phân tích: "Không khó hiểu khi trend ấy trở nên viral. Bởi vì làm thành thơ, ngắn gọn, có vần có điệu thì dễ đọc, dễ nhớ và lan truyền. Những nội dung châm biếm, thậm chí chỉ trích nhau cũng trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ mấy vần thơ dùng phép so sánh".
"Tuy nhiên, theo tôi, không nên cổ súy việc chế ca dao, tục ngữ hoặc thơ của tác giả nào đó. Bởi thời gian lâu dài có khả năng khiến mọi người quên đi bản thơ gốc ban đầu. Ngoài ra, nếu chế thơ với nội dung nhảm nhí, tục tĩu hoặc cố tình chê bai, bôi nhọ người khác, thì sẽ làm mất giá trị đẹp đẽ vốn có của câu ca dao, tục ngữ. Mượn lời của các bạn trẻ bây giờ là "vui thôi đừng vui quá". Dù chế thơ hay ca dao thì cũng có chừng mực nhất định chứ đừng để mọi chuyện đi quá xa", nhà văn trẻ Ny An chia sẻ thêm.
Nhà văn trẻ Lê Đình Trung (29 tuổi, ngụ ở Hà Nội), cho biết trend "phiên chợ đông" hay "phiên chợ tình" được biến tấu từ câu ca dao: "Phiên chợ đông con cá hồng anh chê nhạt/Phiên chợ tàn con cá bạc anh lại khen ngon".
Anh nói: "Tôi cảm thấy chút thú vị xen lẫn những đắn đo, suy ngẫm. Dễ dàng có thể nhận ra đây là một trào lưu vui vẻ, hài hước và giúp xả stress. Trong thế giới ồn ào và căng thẳng này, con người cần những khoảnh khắc thư giãn, và sự sáng tạo trong việc chế lời thơ như vậy chính là cách giúp họ xả bớt áp lực. Các câu thơ này có thể được coi là phương tiện giải trí, công cụ giúp giới trẻ "xả hơi" sau những bộn bề trong cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội đang trở nên ngày càng căng thẳng".
"Thế nhưng trào lưu chế thơ này cũng đồng thời phản ánh một sự thiếu hụt về giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong một bộ phận giới trẻ. Không phải mọi câu thơ chế đều mang lại niềm vui, ý nghĩa tích cực, một số câu có sự phản cảm trong ngôn từ, không chỉ gây khó chịu đến những người đọc mà còn làm giảm giá trị nghệ thuật của thơ ca truyền thống. Chính vì thế, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa giải trí và việc bảo vệ những giá trị đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật", nhà văn trẻ Lê Đình Trung cho biết.
Anh cho rằng: "Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia vào các trào lưu như vậy. Dù là sáng tạo và vui vẻ, nhưng đằng sau sự hài hước ấy cần phải có một nhận thức rõ ràng về việc bảo vệ giá trị đạo đức và văn hóa trong xã hội".
Theo nhà thơ trẻ Trần Việt Hoàng (23 tuổi, ngụ ở tỉnh Hà Tĩnh), những câu thơ theo mô tuýp "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" đang tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Những câu thơ ấy khởi phát từ nguyên mẫu "phiên chợ đông" của lời ca dao trong văn học dân gian. Bản thân văn học dân gian với tính đại chúng và dị bản của nó luôn là nguồn cơn cho nhiều sự sáng tạo của con người thời hiện đại.
"Tuy nhiên, dù là trend nào thì cũng luôn cần có những giới hạn nhất định. Khi vượt thoát những giới hạn ấy thì trào lưu đó sẽ đem lại những hậu quả tiêu cực, phản tác dụng. Bởi thế, khi tham gia trend "phiên chợ đông", "phiên chợ tình", thử suy nghĩ để có thể tạo ra các câu thơ thể hiển được những thông điệp có giá trị tích cực, có ý nghĩa xã hội với tinh thần tốt đẹp, lành mạnh... Tránh thực trạng a dua, hòa mình vào trend một cách thiếu ý thức kiểm định. Đừng tạo nên những câu thơ với ngôn từ không phù hợp", nhà thơ trẻ Trần Việt Hoàng nói.
Theo Thanh Nam (TNO)

'Đu trend' cách nào?
