Longform

Trải nghiệm "hồ trên núi"

E-magazine Trải nghiệm "hồ trên núi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 

Trên lưu vực sông Sê San hiện có hệ thống 7 công trình thủy điện lớn, nhỏ. Sau quá trình ngăn dòng, các vùng lòng hồ rộng lớn tạo nên những “viên ngọc bích” giữa cao nguyên xanh. Trong số này, lòng hồ Ia Ly, Sê San 3A, Sê San 4 là những nơi có cảnh quan tuyệt đẹp, có thể khai thác du lịch hiệu quả.

 

Sáng sớm, đoàn chúng tôi gồm hơn 10 người nai nịt gọn gàng, trang bị áo phao đầy đủ rồi lên một thuyền máy ở bến đò thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) bắt đầu cuộc hành trình. Hơi sương vẫn còn bảng lảng mặt hồ, xa xa những dãy núi lam thẫm mờ.

Hồ thủy điện Ia Ly nằm trên địa bàn 2 huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Không gian rộng lớn với diện tích mặt hồ lên đến 6.450 ha khiến cả đoàn không khỏi ngỡ ngàng. Ai cũng phấn chấn khi mặt nước trải ra như vô tận, giải phóng tầm mắt vốn bị bó buộc trong không gian chật hẹp suốt mùa dịch Covid-19. Có lúc thuyền tăng tốc rẽ nước, bỏ lại vệt đuôi kéo dài sóng tung trắng xóa. Có đoạn, theo yêu cầu của trưởng đoàn, thuyền tắt máy để trôi tự do, lắng nghe thanh âm trong tĩnh lặng và ngắm mặt hồ màu ngọc bích ngời lên dưới nắng.

 

Cảnh sắc tươi xanh hai bên bờ lần lượt lướt qua theo tiếng thuyền máy xình xịch. Và rồi đập thủy điện Ia Ly hiện ra sừng sững, biểu tượng của tài năng, sức mạnh, khối óc con người trước thiên nhiên, tạo ra nguồn điện năng phục vụ đời sống. Vài người trong đoàn tranh thủ chụp ảnh, quay phim để thu về những khoảnh khắc đáng nhớ.

Khi đập thủy điện lùi lại phía sau cùng những con sóng, lòng hồ vẫn mở ra bao điều để khám phá, cảm nhận. Đó là cảnh sống yên bình của những ngư dân chèo thuyền đi thả lưới, đánh bắt thủy sản. Xa xa là mấy tấm rớ lớn căng mình, chờ khi tắt nắng sẽ thả xuống để bắt cá. Gió lộng lùa mặt hồ mênh mông, phả hơi nước mát lạnh, xua đi cái nắng nóng khi mặt trời lên cao dần. Chị Trần Thị Ánh-du khách đến từ TP. Hải Phòng thích thú chia sẻ: “Thật thú vị khi được trải nghiệm khung cảnh mênh mông giữa lòng hồ như thế này. Rất nên thơ, hữu tình. Tôi sẽ giới thiệu để bạn bè, người thân đến tham gia chương trình trải nghiệm này”.

 

Sau hơn 1 giờ lênh đênh, thuyền chúng tôi ghé vào một đảo nhỏ nổi lên giữa mặt hồ, có tên đảo Dầu. “Chúa đảo” Nguyễn Thái Bình vui vẻ đón đoàn. Anh cho hay, mùa nước lên, diện tích đảo chỉ còn khoảng 2.000 m2, nhưng mùa nước rút thì… mênh mông. Làm nghề đánh bắt thủy sản đã nhiều năm, từ lâu, anh lấy khoảnh đất nhỏ giữa lòng hồ này làm nơi trú chân. Khi thấy lượng khách du lịch tham quan lòng hồ tăng lên, anh đưa vợ con ra cùng cải tạo để đảo xanh tươi, tươm tất hơn và làm dịch vụ nấu nướng phục vụ du khách. Đến nay, đảo đã hình thành một ngôi nhà tạm nhưng rộng rãi, xung quanh rải rác hoa hồng, hoa ngũ sắc rực rỡ. Nhiều đoàn đã ghé đảo tham quan, ăn uống, có đoàn lên đến 50 người.

Sau khi nghỉ chân, chúng tôi tiếp tục xuống thuyền, hướng về bến đò xã Ia Chim (TP. Kon Tum). Một chiếc xe 16 chỗ đã chờ sẵn đón cả đoàn về trung tâm thành phố thăm thú những điểm đến nổi tiếng tại đây. Tiếp đó, đoàn quay về Gia Lai bằng đường bộ, kết thúc một tour đầy lý thú sau khi ghé vào chụp ảnh lưu niệm tại suối đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly).

 
 

Nghỉ lại một đêm ở khu farmstay Sâm Phát Ia Ly (thị trấn Ia Ly), hôm sau, cả đoàn lại khởi hành đến xã Ia Kreng, huyện Chư Păh. Dừng chân nơi chót vót đỉnh đèo, chúng tôi thu trọn vào tầm mắt xung quanh cảnh mây núi mênh mang và toàn cảnh thị trấn bên dưới. Đây là một trong những điểm đến dự kiến kết nối với tour du lịch lòng hồ nhằm tạo sự đa dạng. Từ đây, chúng tôi đi thêm hơn chục cây số đến một bến đò trên địa bàn xã để tiếp tục khám phá lòng hồ thủy điện Sê San 3A và Sê San 4.

Phải nói rằng lòng hồ thủy điện Sê San 3A thật sự hấp dẫn, cây cối đôi bờ xanh tươi, đẹp như một bức tranh. Trên những cù lao nổi lên giữa hồ, người dân cũng đã khai thác làm du lịch. Tiếp chuyện chúng tôi cạnh ngôi nhà sàn gỗ bao quanh bởi cây trái, ngư dân Huỳnh Tèo cho hay: Nhiều đoàn khách ghé qua đây nghỉ chân, uống nước hoặc nhờ nấu món ăn. Tất nhiên là anh sẵn lòng.

 

Sau khi thuyền cập bờ vào địa phận xã Ia Khai (huyện Ia Grai), chúng tôi di chuyển thêm gần 30 cây số nữa để đến bến thuyền xã Ia O thăm thú lòng hồ thủy điện Sê San 4. Chiếc thuyền máy chắc chắn, có trang bị đầy đủ áo phao cho du khách của anh Nguyễn Văn Triều đã chờ sẵn. Chúng tôi lướt đi trên mặt nước mênh mông rộng hơn 5.100 ha với tất cả sự dễ chịu, háo hức. Sau 15 phút, mũi thuyền hướng về một làng chài dập dềnh trên sóng nước rồi cập vào “nhà hàng nổi” Hai Triều.

Anh Triều kể, anh cùng gia đình ở tỉnh An Giang lên đây mưu sinh từ năm 2016. Hiện làng chài có tổng cộng 35 hộ, trong đó phần lớn gốc gác miền Tây Nam Bộ, còn lại đến từ tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngoài khai thác nguồn thủy sản tự nhiên từ lòng hồ như: cá lăng, cá anh vũ, cá sọc dưa, cá mè… người dân còn làm thêm lồng bè nuôi cá. Trong số này, 4 gia đình mở dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Chúng tôi thích thú tìm hiểu cuộc sống làng chài, học cách làm, phơi bánh tráng cá cơm sông Sê San, thưởng thức nhiều món ngon từ các loài cá đặc sản. Cuối chiều, khách thu nhặt thêm cảm xúc thật trong trẻo khi ngắm ánh vàng lóng lánh đổ trên mặt hồ buổi hoàng hôn.

 

Nhưng chưa phải đã hết. Từ làng chài nếu cưỡi sóng thêm một đoạn nữa sẽ gặp điểm đến hấp dẫn khác là thác Mơ và bến đò A Sanh (xã Ia Khai), có thể kết nối vào tour tuyến. Song vì đã khá muộn nên đoàn đành quay về Pleiku, hẹn khảo sát vào dịp khác.

 

Tiềm năng, lợi thế từ du lịch lòng hồ thủy điện đã rõ, nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp tham gia khai thác; khách du lịch đến tham quan chủ yếu vẫn tự phát. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-thông tin: Nhiều năm trước, một vài đơn vị làm du lịch tại Gia Lai và Kon Tum bắt tay khai thác du lịch lòng hồ nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do lượng khách không ổn định, chương trình tour kém đa dạng nên không tạo được sức hút lâu dài.

Là người mạnh dạn đưa ra ý tưởng tổ chức chuyến khảo sát du lịch lòng hồ, ông Nguyễn Chất Sâm-chủ farmstay Sâm Phát Ia Ly-chia sẻ: 3 năm qua, ông đã đầu tư 13 tỷ đồng biến vùng đất hoang cằn rộng 15 ha tại thị trấn Ia Ly thành khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch nông nghiệp (hiện farmstay có 1.500 cây sầu riêng, 1.500 cây mít Thái và nhiều loại cây trái khác). Với nỗ lực đầu tư, chăm chút, diện mạo khu du lịch đang dần hoàn thiện, đủ chiều lòng du khách. Điểm đến này có thể bao quát toàn cảnh đập thủy điện Ia Ly hùng vĩ. Tuy nhiên, nếu chỉ là một điểm lưu trú đơn lẻ thì không dễ tạo sức hút. Do vậy, nắm bắt nhu cầu của khách du lịch, ông Sâm phối hợp với một công ty du lịch ngoài tỉnh khảo sát để mở tour lòng hồ mà điểm khởi hành, nơi lưu trú chính là farmstay Sâm Phát Ia Ly.

 

Trao đổi thêm xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thành-Giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Family Tour (TP. Hải Phòng) khẳng định đây là tour rất hấp dẫn, cần đưa vào khai thác. “Trong tháng 4-2022, chúng tôi sẽ mở văn phòng chi nhánh tại TP. Pleiku. So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai và Kon Tum có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, nhiều điểm nhấn du lịch đặc sắc. Thêm vào đó, giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường hàng không. Đó là lý do tôi mạnh dạn kết nối, khai thác du lịch tại đây”-ông Thành hào hứng cho biết.

Ngay cả ngư dân Nguyễn Thái Bình cũng ý thức rất rõ cơ hội từ phát triển du lịch. Anh vừa đăng ký thành lập Hợp tác xã Thành Tâm gồm 7 thành viên, góp vốn hơn 200 triệu đồng chuyên nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. “Chúng tôi hy vọng có thể kết nối với các đơn vị làm du lịch, đón những đoàn khách lớn hơn, phục vụ chuyên nghiệp hơn… Muốn vậy phải đầu tư quy củ, làm cổng ngõ, trồng thêm cây xanh, có chỗ cho khách cắm lều trại. Tóm lại là phải nhìn cho được con mắt!”-anh Bình hào hứng bộc bạch.

 

Rõ ràng, Gia Lai không chỉ đầy thu hút với các loại hình du lịch văn hóa-lịch sử, trekking, mạo hiểm, sinh thái mà còn nhiều tiềm năng, trong đó có du lịch “hồ trên núi”. Vì thế, câu chuyện này cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương, sở ngành liên quan cũng như nỗ lực tìm tòi, mở ra những tour tuyến mới của các doanh nghiệp làm du lịch. 


 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

Các tuyến kênh T4, T5, T6 từ khi hoàn thành đã tác động mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhiều tuyến đường dọc theo các tuyến kênh đã được nhựa hóa, người dân từ các nơi về an cư bên những bờ kênh, doanh nghiệp đến đầu tư những dự án lớn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

Nhớ lại thời điểm hơn 20 năm trước, ông Hà Đình Cẩn - nguyên Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, tổng giám đốc đầu tiên của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - cho hay không biết ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc xây dựng một trục đường dọc thứ hai của đất nước xuất hiện từ bao giờ.
Vững tay chèo trên dòng sông tri thức

E-magazineVững tay chèo trên dòng sông tri thức

(GLO)- Theo sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh, những thầy giáo, cô giáo tuổi đôi mươi giờ đây tóc đã bắt đầu điểm bạc. Thế nhưng, tình yêu và sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề trong họ lúc nào cũng vẹn nguyên. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng những
Gia Lai tưng bừng mùa lễ hội

E-magazineGia Lai tưng bừng mùa lễ hội

(GLO)- Sau 2 năm liên tiếp phải tạm hoãn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các lễ hội đặc trưng được tổ chức nối tiếp nhau trong tháng 11 sẽ tạo nên chất xúc tác để mùa du lịch cuối năm ở Gia Lai càng trở nên sôi động, hứa hẹn một
Cơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

E-magazineCơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

(GLO)- Sau 2 kỳ đại hội liên tiếp gần như trắng tay, Gia Lai đang chuẩn bị bước vào Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 với một vị thế rất khác. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các vận động viên (VĐV) đang rất nỗ lực tập luyện với khát vọng nâng tầm thể thao tỉnh nhà.
Bước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

E-magazineBước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

(GLO)- Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Gia Lai lần thứ IX-2022 đã tạo được dấu ấn đậm nét, khẳng định sự phát triển không ngừng của phong trào thể thao trên địa bàn thời gian qua. Thành công của kỳ đại hội lần này mở ra nhiều hy vọng cho thể thao Gia Lai tại các sân chơi khu vực và quốc gia, gần nhất là Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay.
"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

E-magazine"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

(GLO)- L.T.S: Gia Lai là một trong những vùng khó về giáo dục với nhiều thách thức như: diện tích trải rộng, lớn thứ nhì cả nước; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (khoảng 44,5%); còn nhiều hộ khó khăn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Tuy nhiên, ngoài lòng tận tâm của đội ngũ nhà giáo cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục, chuyện học ở Gia Lai dần khởi sắc nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng với những cá nhân, tổ chức hảo tâm, dốc sức dốc lòng hỗ trợ lâu dài cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học tập cho đến khi trưởng thành.
Diên Phú chuyển mình

E-magazineDiên Phú chuyển mình

(GLO)- Chừng vài chục năm về trước, nhiều cư dân đến xã Diên Phú (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) mưu sinh bằng nghề đốt than, trồng trọt đã từng quay quắt trong đói nghèo, có người phải bỏ nơi này tìm kiếm cơ hội đổi đời. Vậy nhưng, Diên Phú hôm nay đã thay đổi rất nhiều.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

E-magazineDự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

(GLO)- Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực và trang-thiết bị đồng loạt triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19-đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai) vào vận hành, sử dụng.
Đoàn Thanh niên phát huy bản lĩnh, vai trò tiên phong, gương mẫu

E-magazineĐoàn Thanh niên phát huy bản lĩnh, vai trò tiên phong, gương mẫu

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021), P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thời gian qua; những định hướng, chỉ đạo trong thời gian tới.