Longform

Vững tay chèo trên dòng sông tri thức

E-magazine Vững tay chèo trên dòng sông tri thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- Theo sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh, những thầy giáo, cô giáo tuổi đôi mươi giờ đây tóc đã bắt đầu điểm bạc. Thế nhưng, tình yêu và sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề trong họ lúc nào cũng vẹn nguyên. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng những “người lái đò” thầm lặng ấy vẫn ngày ngày vững vàng tay chèo trên dòng sông tri thức, miệt mài đưa bao khát vọng cập bờ để tiếp tục bay cao, bay xa.

 

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Giai điệu quen thuộc đó đã trở thành châm ngôn của cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) trong gần 40 năm qua. Kể từ giây phút nghe mẹ à ơi câu hát tại lớp nuôi dạy trẻ ở quê nhà Vĩnh Linh (Quảng Trị), cô bé Thủy đã ấp ủ mong ước trở thành giáo viên mầm non như mẹ. Vậy nên, ngay khi vừa hoàn thành chương trình bậc THCS, cô đã quyết định học sư phạm mầm non hệ 9+3 tại Trường Trung học Sư phạm tỉnh Gia Lai để thực hiện ước mơ thuở nhỏ.

 

Tháng 8-1993, cô tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy tại Trường Mầm non 17-3 (nay là Trường Mầm non Hoa Hồng). Dù đã được thực hành trong quá trình học, song với cô giáo 19 tuổi, việc chăm sóc trẻ con từ bữa ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân vẫn còn khá bỡ ngỡ, vụng về. Chưa kể, ngày ấy, trường có khuôn viên rộng nhưng cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn nên giáo viên phải tranh thủ sáng tạo thêm đồ chơi cho trẻ vào buổi tối.

 

Kỷ niệm khiến cô Thủy nhớ mãi là vào năm 1999, lớp cô chủ nhiệm có 1 trẻ bị bệnh động kinh. Một hôm, sau bữa cơm trưa, bé bất ngờ lên cơn sốt rồi co giật, người cứng đơ ngay tại lớp học. Cô Thủy vội vàng cùng đồng nghiệp đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, vừa đi vừa khóc vì lo lắng. “Ngày đó không có điện thoại nên chẳng thể liên lạc với phụ huynh. Tôi phải lần tìm theo địa chỉ nhà trong hồ sơ nhập học nhưng mãi vẫn không tìm thấy. Đến chiều, khi cha mẹ bé tới trường đón thì mới biết con mình nhập viện. Lúc người thân của bé tới, tôi mới yên tâm ra về. Rất may sau khi cứu chữa kịp thời, bé đã qua khỏi”-cô Thủy nhớ lại.

 

Khác với cô Thủy, ước mơ trở thành giáo viên của cô Phạm Thị Hương-giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Nghĩa An, huyện Kbang) có lúc tưởng chừng như vụt tắt. Học xong lớp 11, Hương đành phải gấp lại trang sách chất chứa biết bao hoài bão của tuổi trẻ để bắt đầu hành trình mưu sinh phụ giúp gia đình. Mãi đến năm 1997, khi rời quê nhà Thái Bình vào huyện Kbang để trông con cho chị gái, cô mới được họ hàng tạo điều kiện để tiếp tục theo đuổi ước mơ.

 
 

Giờ học Toán của lớp 9/11, Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) diễn ra trong không khí vui vẻ. Trong bài giảng của mình, thầy giáo Nguyễn Văn Thành đã khéo léo lồng ghép những kiến thức xã hội vào kiến thức tự nhiên, thỉnh thoảng lại có những ngôn từ rất “teen” và “bắt trend” khiến học sinh vô cùng thích thú. Em Ngô Nguyễn Vân Anh vui vẻ nói: “Học tiết của thầy Thành, chúng em không bao giờ thấy chán. Thầy tuy lớn tuổi nhưng rất tâm lý và hài hước trong cách dạy, giúp học sinh tiếp cận với bài học một cách dễ dàng. Thầy cũng không đặt nặng vấn đề kiểm tra bài cũ mà thường nắm bắt khả năng hiểu bài của học sinh thông qua quá trình giải bài tập, từ đó củng cố kịp thời những kiến thức mà chúng em còn thiếu”.

 

Với kinh nghiệm trên 35 năm giảng dạy cộng với lòng nhiệt huyết với nghề, thầy Thành không cho phép bản thân thiếu sáng tạo và đổi mới trong phương pháp, kỹ năng truyền thụ kiến thức đến học sinh. Đặc biệt, dù đã lớn tuổi nhưng thầy vẫn thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và công tác. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của thầy như: sử dụng webcam thay cho máy chiếu đa vật thể, ứng dụng phần mềm Crocodile 605 trong dạy học Vật lý, đồ dùng dạy học tự làm cho thí nghiệm phần quang học lớp 9… được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục thành phố đánh giá cao vì khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

 

Còn với cô giáo An Thị Minh Đức-Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ-Nghệ thuật, Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), điều trăn trở nhất trong suốt 23 năm công tác là làm sao để học sinh hứng thú học tập và cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Vì thế, cô luôn cùng đồng nghiệp trao đổi, nghiên cứu tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất để áp dụng vào giảng dạy. Bên cạnh vận dụng bộ tài liệu “Sổ tay hướng dẫn xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ”, cô Đức còn phối hợp tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, giúp các em sử dụng những kiến thức đã học vào giao tiếp hàng ngày, phát triển về kỹ năng nghe-nói-đọc-viết và tạo phản xạ nhanh. Đơn cử như: sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh; hướng dẫn học sinh tập hát các bài hát tiếng Anh trong các buổi sinh hoạt lớp; tham gia trò chơi “Trả lời nhiều, tích điểm lớn” thông qua trả lời các câu hỏi tiếng Anh theo chủ đề và được chấm điểm theo tuần hoặc tháng; ngoại khóa “Kể chuyện bằng tiếng Anh thông qua video clip”... Ngoài ra, cô còn rèn cho học sinh kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ này. 

 
 

Tương tự, khi mới về công tác tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, cô Hương được phân công dạy lớp 3 tại điểm trường làng Lợk. Lớp có 25 học sinh người Bahnar, đều đọc và viết không chuẩn hoặc sai dấu tiếng Việt, đi học lại thiếu chuyên cần. Trước tình hình đó, bằng vốn ngôn ngữ địa phương ít ỏi của mình, cô giáo trẻ đã đến gõ cửa từng nhà học sinh để nắm bắt hoàn cảnh gia đình và động viên phụ huynh cho trẻ đến lớp. Đồng thời, cô cũng dành sự quan tâm đến học sinh từ những bộ quần áo, cây bút, kẹp tóc hay cái bánh, hộp xôi… nhằm tạo thêm động lực và niềm yêu thích tới trường cho các em.

 

Cô Hương tâm sự: “Để giúp học sinh Bahnar đọc thông, viết thạo tiếng Việt, tôi bắt đầu rèn kỹ năng giao tiếp cho các em thông qua một số trò chơi vận động, giờ sinh hoạt lớp, các buổi ngoại khóa; đồng thời, đề xuất với Ban Giám hiệu tổ chức những buổi giao lưu ngoại khóa giữa học sinh dân tộc thiểu số ở điểm làng với học sinh người Kinh ở điểm chính để các em mạnh dạn, tự tin hơn. Kể từ đó, phong trào luyện chữ, tăng cường tiếng Việt, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh Bahnar của trường được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực, được ngành Giáo dục huyện đánh giá cao”.

 

Nói đoạn, cô Hương khoe với tôi lá thư dài gần 2 trang giấy do một học sinh Bahnar viết gửi cho mình nhân dịp 20-11 năm ngoái. Những nét chữ nắn nót tròn trịa chất chứa tình cảm tri ân của người học trò nhỏ khiến cô không khỏi bất ngờ. “Học sinh Bahnar thường ngại giao tiếp và bày tỏ tình cảm. Vậy nên, khi nhận lá thư của Đinh Thị Du và đọc từng câu, từng chữ em gửi gắm vào đó, tôi thật sự xúc động. Tôi biết mình đã chọn đúng nghề, đi đúng hướng và tự nhủ rằng bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa trên hành trình gieo chữ, trồng người”-cô Hương bày tỏ.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

Các tuyến kênh T4, T5, T6 từ khi hoàn thành đã tác động mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhiều tuyến đường dọc theo các tuyến kênh đã được nhựa hóa, người dân từ các nơi về an cư bên những bờ kênh, doanh nghiệp đến đầu tư những dự án lớn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

Nhớ lại thời điểm hơn 20 năm trước, ông Hà Đình Cẩn - nguyên Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, tổng giám đốc đầu tiên của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - cho hay không biết ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc xây dựng một trục đường dọc thứ hai của đất nước xuất hiện từ bao giờ.
Gia Lai tưng bừng mùa lễ hội

E-magazineGia Lai tưng bừng mùa lễ hội

(GLO)- Sau 2 năm liên tiếp phải tạm hoãn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các lễ hội đặc trưng được tổ chức nối tiếp nhau trong tháng 11 sẽ tạo nên chất xúc tác để mùa du lịch cuối năm ở Gia Lai càng trở nên sôi động, hứa hẹn một
Cơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

E-magazineCơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

(GLO)- Sau 2 kỳ đại hội liên tiếp gần như trắng tay, Gia Lai đang chuẩn bị bước vào Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 với một vị thế rất khác. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các vận động viên (VĐV) đang rất nỗ lực tập luyện với khát vọng nâng tầm thể thao tỉnh nhà.
Cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

E-magazineCơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

(GLO)- Cùng với một số loại trái cây khác, sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân trồng sầu riêng ở Gia Lai. Hiện các địa phương đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục để được cấp mã số vùng trồng nhằm xuất khẩu chính ngạch, tạo cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu sầu riêng Gia Lai.
Bước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

E-magazineBước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

(GLO)- Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Gia Lai lần thứ IX-2022 đã tạo được dấu ấn đậm nét, khẳng định sự phát triển không ngừng của phong trào thể thao trên địa bàn thời gian qua. Thành công của kỳ đại hội lần này mở ra nhiều hy vọng cho thể thao Gia Lai tại các sân chơi khu vực và quốc gia, gần nhất là Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay.
"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

E-magazine"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

(GLO)- L.T.S: Gia Lai là một trong những vùng khó về giáo dục với nhiều thách thức như: diện tích trải rộng, lớn thứ nhì cả nước; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (khoảng 44,5%); còn nhiều hộ khó khăn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Tuy nhiên, ngoài lòng tận tâm của đội ngũ nhà giáo cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục, chuyện học ở Gia Lai dần khởi sắc nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng với những cá nhân, tổ chức hảo tâm, dốc sức dốc lòng hỗ trợ lâu dài cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học tập cho đến khi trưởng thành.