Nô nức tour lên vùng cao hái hạt dẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, nhiều nhà vườn trồng hạt dẻ ở TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) lên phương án đón hàng trăm khách du lịch đến trải nghiệm hái hạt dẻ. Mùa hạt dẻ chín đang là sản phẩm du lịch nông nghiệp mới lạ, hấp dẫn du khách khắp nơi đến với thành phố vùng biên này.

Nô nức đặt tour

Người dân xã Quảng Lạc (TP.Lạng Sơn) bắt đầu trồng hạt dẻ từ gần 20 năm trước nhưng chỉ 2 - 3 năm trở lại đây, mùa hạt dẻ chín mới được nhiều du khách biết đến thông qua lễ hội do địa phương tổ chức, cộng thêm sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành mở tour du lịch trải nghiệm hái hạt dẻ.

Các vườn hạt dẻ TP.Lạng Sơn thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm trong dịp nghỉ lễ 2.9. ẢNH: YẾN LÊ

Các vườn hạt dẻ TP.Lạng Sơn thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm trong dịp nghỉ lễ 2.9.

ẢNH: YẾN LÊ

Gần đây nhất, ngày 25.8 vừa qua, UBND xã Quảng Lạc tổ chức khai mạc Lễ hội mùa hạt dẻ năm 2024. Đây là năm thứ 3 địa phương duy trì tổ chức lễ hội này. Ghi nhận từ ban tổ chức, lễ hội năm nay thu hút rất đông du khách từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác đến địa phương.

Gia đình bà Đồng Thanh Thủy có vườn 600 gốc hạt dẻ 7 năm tuổi tại thôn Quảng Liên 2, xã Quảng Lạc. Bà Thủy cho biết, cây dẻ trồng đến năm thứ 4 thì bắt đầu cho thu hoạch. Trong 2 mùa đầu tiên, tiêu thụ hạt dẻ của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Hạt dẻ chín rụng thu hoạch về nhà phải gọi, chờ thương lái đến mua. Bắt đầu từ năm 2023, gia đình bà Thủy hợp tác với doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội mở dịch vụ đón khách tham quan, tự tay hái hạt dẻ trong mùa thu hoạch.

Kể từ sau ngày khai mạc lễ hội mùa hạt dẻ, ngoài lượng khách đón cố định theo tour từ Hà Nội, ngày nào gia đình bà Thủy cũng có thêm hàng trăm khách thăm vườn. Khách đông nhất vào 2 ngày cuối tuần, mỗi ngày luôn có khoảng 400 - 500 lượt khách.

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Thủy cho biết, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, gia đình phải huy động thêm nhân lực đón tiếp khách đến vườn. Ngày 31.8, ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ, vườn đã đón hơn 200 khách đi theo tour của các công ty lữ hành, còn khách tự do thì "đông không đếm xuể".

Bước sang năm thứ hai đưa vườn hạt dẻ vào khai thác du lịch, gia đình bà Thủy chưa thu phí vào cổng và miễn phí dịch vụ chỗ ngồi, nước, quạt điện... Nhà vườn có bán hạt dẻ, phục vụ luộc hạt dẻ nếu khách có nhu cầu mua sắm, thưởng thức tại vườn.

Khách du lịch hào hứng khi lần đầu tiên được trải nghiệm thu hoạch hạt dẻ. ẢNH: YẾN LÊ

Khách du lịch hào hứng khi lần đầu tiên được trải nghiệm thu hoạch hạt dẻ.

ẢNH: YẾN LÊ

Là một trong những đơn vị tiên phong mở tour du lịch trải nghiệm hái hạt dẻ, bà Lê Bảo Yến, Giám đốc Công ty TNHH Lê Yến Travel (Hà Nội), cho biết từ năm 2022 doanh nghiệp bắt đầu tổ chức tour du lịch trải nghiệm hái hạt dẻ tại TP.Lạng Sơn.

Năm đầu tiên có rất nhiều khách đăng ký, sang đến năm 2023, lượng khách tăng đột biến. Ghi nhận từ đầu mùa đến nay, lượng khách đặt tour giảm nhẹ khi nhiều người đã tự lái xe cá nhân đưa gia đình lên Lạng Sơn trải nghiệm mùa dẻ chín.

Cũng theo bà Lê Bảo Yến, doanh nghiệp đang triển khai tour trải nghiệm hái hạt dẻ cung đường Hà Nội - Lạng Sơn với 2 mức giá 750.000 đồng/người nếu đi về trong ngày và 1.490.000 đồng/người nếu đi qua đêm. Giá bao gồm vé xe đi lại 2 chiều, bảo hiểm, các bữa ăn uống và phòng ngủ homestay dành cho khách đi qua đêm. Các bữa ăn trong tour đều được lựa chọn kỹ để du khách có thêm trải nghiệm ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như: vịt quay, lợn quay...

Ngoài hái hạt dẻ, các tour bên công ty này còn có thêm hoạt động tắm suối, chèo bè, cưỡi ngựa tại H.Hữu Lũng - cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Lạng Sơn.

"Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay có rất nhiều người đặt tour đi Lạng Sơn hái hạt dẻ. Bắt đầu từ ngày 31.8 cho đến hết kỳ nghỉ lễ, mỗi ngày chúng tôi đều có 2 xe loại 24 chỗ ngồi đưa khách đi hái hạt dẻ và có rất nhiều khách đặt tour đi qua đêm", bà Yến thông tin.

Khách du lịch "bao tiêu" hạt dẻ tại vườn

Theo UBND xã Quảng Lạc, hạt dẻ được trồng tại đây từ năm 2003 và đến nay toàn xã có hơn 100 ha. Hiện tại, Quảng Lạc có hơn 10 nhà vườn đã liên kết với các doanh nghiệp mở dịch vụ đón khách du lịch đến tham quan trải nghiệm trong mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Để quảng bá nông sản này, 3 năm trở lại đây, UBND xã Quảng Lạc duy trì tổ chức thường niên lễ hội mùa hạt dẻ nhằm thu hút, kết nối du khách đến với địa phương.

Bà Nông Thị Thùy Hương, quyền Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc, cho biết khí hậu, địa chất của địa phương rất hợp với cây hạt dẻ và đây là nông sản chủ lực giúp nông dân có thu nhập cao. Lễ hội hàng năm là dịp địa phương quảng bá để nhiều người biết đến các khu vườn dẻ, giúp nông dân thuận lợi hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Cũng theo bà Hương, Quảng Lạc đang là vùng trồng hạt dẻ lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Mùa hạt dẻ chín hàng năm đều thu hút hàng chục nghìn khách du lịch đến vui chơi, trải nghiệm. Đến nay, sản lượng hạt dẻ của địa phương vẫn chưa có đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Đinh Thị Thu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết toàn tỉnh có 300 ha trồng hạt dẻ tập trung ở TP.Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Văn Quang và Bình Gia. Dẻ là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều loại cây khác. 1 ha hạt dẻ cho thu hoạch khoảng 4 tấn hạt/năm, giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, doanh thu lên tới 300 - 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất, các nhà vườn đều có lãi cao.

Qua đánh giá từ người tiêu dùng và thẩm định từ cơ quan chức năng, hạt dẻ Lạng Sơn đạt chất lượng rất cao, hạt to, bở bùi và rất thơm, trong đó hạt dẻ trồng tại TP.Lạng Sơn và H.Cao Lộc đã được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao.

Bà Đinh Thị Thu khẳng định, nhu cầu tiêu thụ hạt dẻ trên thị trường rất cao, sản phẩm trồng tại Lạng Sơn không đủ tiêu dùng nên các doanh nghiệp vẫn phải nhập thêm hạt dẻ Trung Quốc về bán. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn đang nghiên cứu, đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng ở các địa phương để tiếp tục mở rộng diện tích trồng hạt dẻ kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

"Du lịch trải nghiệm hái hạt dẻ ban đầu chỉ hướng đến thu hút gia đình đưa con em tranh thủ dịp nghỉ hè đến vui chơi, nhưng thực tế lượng khách đến vườn dẻ rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều địa phương khác nhau. Bên cạnh các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, chúng tôi đang xây dựng các vùng trồng dẻ tập trung sẽ là điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp mới để thực hiện phát triển nông nghiệp đa mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phát triển dịch vụ du lịch", bà Thu nói.

Theo Phan Hậu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Dân dã nộm rau dớn

Dân dã nộm rau dớn

Ở vùng Tây Bắc, rau dớn là loài rau mọc tự nhiên bên bìa rừng, ven suối, quanh năm xanh tốt; là nguồn thực phẩm xanh tự nhiên, sạch và bổ dưỡng. Mỗi khi đi vào rừng hay ra suối, người Tày đều hái những ngọn rau dớn xanh non mơn mởn về chế biến món ăn.

Cà phê "chill": Xu hướng tìm về sự bình yên của giới trẻ

Cà phê "chill": Xu hướng tìm về sự bình yên của giới trẻ

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, cà phê "chill" trở thành không gian lý tưởng được nhiều bạn trẻ Phố núi lựa chọn để tận hưởng sự bình yên. Đây không chỉ là nơi thư giãn sau những phút giây mệt mỏi mà còn là cơ hội để họ kết nối, sẻ chia và cùng tạo dựng những khoảnh khắc đẹp.

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Cá gỏi kiến vàng, với hương vị thơm ngon và sức hút đặc trưng không thể tìm thấy ở đâu khác, là món ăn truyền thống đã có từ ngàn đời nay của người dân Rơ Măm tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Khám phá ẩm thực Ban Mê

Khám phá ẩm thực Ban Mê

Tô điểm cho văn hóa đặc trưng của TP. Buôn Ma Thuột là nét văn hóa ẩm thực phong phú, có sự hòa trộn, kết nối giữa các vùng miền của đất nước. Trong thực đơn phong phú đó, có hai món khá quen thuộc là bún đỏ và bánh ướt chồng dĩa.
Bí ẩn tháp Hòn Chuông

Bí ẩn tháp Hòn Chuông

(GLO)- Nhà bố vợ tôi ở sát chân núi Bà. Vì nơi hòn núi cao này có khối đá khổng lồ nhô lên như một cái chuông úp, nhìn từ xa như núm cái chiêng khổng lồ nên người dân địa phương gọi là Hòn Chuông.