Lo gì bằng lo tết đến!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết đến sát bên hông rồi' là câu nói vui của người trẻ khi nghĩ về trăm mối lo vào dịp cuối năm. Nhiều bạn trẻ bày tỏ: 'Ngày nhỏ thì trông gì như trông tết đến, giờ lớn rồi lại lo gì bằng lo tết đến'. 
 
Nhiều sinh viên vì lo lắng về tết tốn nhiều tiền của ba mẹ nên chọn ở lại làm thêm trong dịp tết. Trong hình là sinh viên nhận quà hỗ trợ dịp tết. Ảnh: HOA NỮ
Những mối lo đó có thể là công việc gấp rút làm sao cho xong, túi tiền sao rủng rỉnh để về quê ăn tết, hay đơn giản là những câu hỏi khó như bao giờ lấy chồng, lấy vợ, năm nay làm có dư không?
Mẹ ơi, hãy hiểu lòng con!
Khi được hỏi: “năm hết tết đến rồi, điều gì khiến bạn lo lắng nhất?” thì đa phần các bạn trẻ đều thốt lên: “Trăm mối để lo, làm sao mà nói hết được?”.
Một bạn trẻ còn hỏi người viết: “Tết đến làm gì để ai cũng lo lắng, hối hả vậy nhỉ?”, rồi có bạn lại nói: “Tết cũng là tết thôi mà, có 3 ngày tết mà trăm thứ để lo, sắc đẹp cũng phải chăm chuốt hơn chứ không về quê mẹ thấy xấu, thấy già đi lại lo lắng”. Cũng có bạn trẻ bảo: “Chỉ nghĩ đến cái cảnh phải đối diện với những câu hỏi 'sao tết này chưa dẫn ai về' từ họ hàng tứ phía là đã thấy sợ tết rồi”…
“Trời cao ơi có thấu cho lòng con! Tết đến bên hông rồi mà giờ 'gấu' cũng chưa có mà dẫn về ra mắt ông bà già. Kiểu gì tết này cũng xác định bị ba mẹ rồi họ hàng 'tra tấn' suốt ngày rồi”, Trịnh Tuấn Việt, cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ khi nghĩ về viễn cảnh những ngày tết sắp tới.
 
Người trẻ tranh thủ vẽ tranh kiếm tiền tại phiên chợ tết. Ảnh: HOA NỮ
Việt tốt nghiệp đã 7 năm rồi mà công việc vẫn chưa ổn định, không phải vì anh chàng không tìm được công việc tốt mà vì ấp ủ ước mơ khởi nghiệp nên sau 3 năm đi làm cho một công chế biển hoa quả sấy khô, Việt quyết định bỏ ngang để thực hiện đam mê khởi nghiệp.
Vì cuốn theo đam mê và muốn chinh phục bằng được ước mơ của mình, Việt quên luôn cả việc yêu đương, thế là bao mùa xuân về và anh chàng lại ám ảnh với câu hỏi “bao giờ mới chịu lấy vợ?”
“Mấy mùa tết đến rồi tết lại đi, đi rồi lại đến và mình vẫn độc thân vui tính. Nhưng công việc chưa ổn định, làm sao mình nghĩ đến chuyện vợ con được. Con gái thì sao cũng được, nhưng đàn ông là trụ cột trong gia đình thì kinh tế phải vững chứ không về làm khổ cả vợ lẫn con, như thế chẳng nên chút nào. Nhưng mẹ ơi, mẹ có hiểu lòng con?”, Việt bộc bạch.
Cũng đồng cảnh ngộ với Việt, Nguyễn Hoàng Diễm (nhân viên lễ tân tại khách sạn The Blue, Q.Tân Bình, TP.HCM) than rằng: “Em thấy mình mới 24 nồi bánh chưng mà sao cứ bị hối có chồng, ba mẹ hối đã đành, cứ về quê mà đi ra đường là gặp ai cũng hỏi”.
Theo Diễm không phải cô nàng kén chọn, cũng không phải là không có người theo mà lý do đơn giản là vì cô nàng chưa muốn lập gia đình: “Em sẽ nghĩ đến chuyện lấy chồng khi nào em đạt được IELTS 8.0, đi được hết những nước em muốn đi. Nói thật là lo tết đến phải đối diện với những câu hỏi không biết phải trả lời thế nào nên đã nghĩ đến chuyện hay là thuê người yêu về đóng giả mấy ngày tết, mà nghĩ như thế lại lừa dối cha mẹ nên em thôi. Chuyện tới đâu hay tới đó, tùy cơ mà ứng biến vậy”.
Tiền ơi, mi ở đâu?
Là cặp vợ chồng trẻ, mới vào TP.HCM lập nghiệp chưa được bao lâu nên cứ đến những ngày gần cuối năm là Phạm Tú Anh (trọ tại 600/3 Kinh Dương Vương, Q. Bình Tân, TP.HCM) lại rầu rĩ chuyện vé tàu và tiền gửi về trước cho gia đình 2 bên lo sắm tết.
Tú Anh tâm sự: “Cả công ty mình và chồng năm nào cũng thưởng tết rất ít, nên chẳng có cái tết nào mà mình trông chờ vào tiền thưởng cả. Tiền thưởng thì ít mà tết đến là hàng ngàn thứ để lo, nên cứ cuối năm là lại đau cả đầu”.
Rồi Tú Anh liệt kê: “Cái lo đầu tiên là việc mua vé tàu xe, máy bay, tiền vé cả hai vợ chồng và con phải mất 10 triệu, rồi gửi tiền cho ông bà hai bên để phụ lo sắm tết. Mình về trễ, đến lúc đó lại không sắm kịp nên năm nào cũng gửi về trước. Mấy năm tụi mình còn phải ăn tết ở 2 nơi nên tiền vé tàu xe còn nhiều hơn, năm nay muốn tiết kiệm nên 2 vợ chồng quyết định một năm ăn ở quê vợ, một năm ở quê chồng. Chắc chắn vợ chồng trẻ nào như mình cũng có chung nỗi lo kinh tế. Rồi phải lo sắm sửa cho chồng cho con để về quê ăn tết cho tươm tất, chứ đi cả năm về ba mẹ, hàng xóm ai cũng trông những đổi thay rồi phát đạt của con cái…”.
 
Có những bạn trẻ tranh thủ ngày cuối năm ở lại thành phố để chụp ảnh thuê kiếm thêm tiền. Ảnh: HOA NỮ
Đi làm cả năm trời, giờ cuối năm ngồi nhìn lại trong tài khoản chẳng có được mấy đồng, Nguyễn Thị Tuyết Loan, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tâm sự: “Ngoài công việc làm chính tại công ty, mình còn làm huấn luyện viên yoga, thế mà nhìn lại cả năm chẳng dư được đồng nào. Đúng là tuổi trẻ, có nhiều năng lượng làm việc mà mỗi tội là không biết cách tiết kiệm, làm đâu tiêu đó. Trời ơi, tết đến sát hông rồi mà tiền ơi mi ở đâu?”.
Còn Nguyễn Thị Tuyết (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) thì hài hước nói: “Tết này nếu hỏi em sợ nhất điều gì chắc em sợ tết sẽ không có thịt heo để ăn. Lâu nay, thịt heo đắt, đi học đã không dám ăn, chỉ trông đến tết về nhà, mà thịt heo ngày càng tăng giá thế kia thì tiêu tan giấc mơ của em luôn rồi”.
Không những thế, Tuyết còn chia sẻ: “Em còn sợ về vấn đề an toàn giao thông và vệ sinh thực phẩm. Những ngày cận tết nhu cầu đi lại của người dân tăng, nguy cơ gây ra tai nạn tăng vì thế mà em rất sợ khi đi ra đường. Sợ sơ sẩy một tý thôi là hết được ăn tết”.
Hoa Nữ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.