24 giờ trekking khám phá thác Siu Puông ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-

Chán chường với những vòng lặp quen thuộc vào cuối tuần, tôi quyết định tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ để tiếp năng lượng cho bản thân. Sau nhiều lần đắn đo, tôi đăng ký 24 giờ trekking với Hội Trekking Gia Lai-Kon Tum. Điểm đến là thác Siu Puông ở Kon Tum, cách TP. Pleiku gần 140 km.

Từ TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô gần 3 giờ đồng hồ thì đến xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum)-nơi có dòng thác Siu Puông hùng vĩ. Đi cùng đoàn trekking với tôi có anh Nguyễn Thắng (một kỹ sư công nghệ thông tin sinh sống ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Thanh Phong (Quản lý bộ phận kinh doanh tại Công ty cà phê CFA Pleiku) và anh Nguyễn Công Nghiệm (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku)-một người con Gia Lai thích chạy bộ.

Đoàn trekking thác Siu Puông. Ảnh: Đinh Công Lương

Đoàn trekking thác Siu Puông. Ảnh: Đinh Công Lương

Suốt chặng đường tưởng chừng sẽ nhiều sự e dè giữa những người chưa quen biết, nhưng không, sự kết nối thật kỳ diệu. Tôi đặt ra những câu hỏi, lắng nghe về những trải nghiệm sống của mọi người; biết thêm nhiều kỷ niệm trekking (đi bộ đường dài) của họ ở Ấn Độ, Nepal… và cách họ vượt qua khó khăn trong suốt hành trình khám phá thiên nhiên đầy thú vị.

Để xe ở UBND xã Đăk Na, chúng tôi bắt đầu hành trình đến với thác Siu Puông. Băng qua những ngôi làng, rồi chiếc cầu treo bắc qua con suối lớn, chúng tôi tiến dần vào con đường đất gồ ghề với rừng thông reo xanh mát hai bên.

Cầu treo bắc qua suối. Ảnh: Thảo Nhi

Cầu treo bắc qua suối. Ảnh: Thảo Nhi

Tôi bước chân chậm rãi, hít hà thật sâu mùi thơm thoang thoảng của gỗ thông. Xa xa, cánh đồng lúa bậc thang uốn lượn quanh chân núi như điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên hài hòa sắc màu.

Cánh đồng lúa bậc thang uốn lượn đẹp mắt quanh chân núi. Ảnh: Thảo Nhi.

Cánh đồng lúa bậc thang uốn lượn đẹp mắt quanh chân núi. Ảnh: Thảo Nhi.

Anh Nguyễn Thắng "trò chuyện" cùng một chú trâu trên cung đường trekking. Ảnh: Thảo Nhi

Anh Nguyễn Thắng "trò chuyện" cùng một chú trâu trên cung đường trekking. Ảnh: Thảo Nhi

Sau 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến được 1 lán trại nhỏ bằng gỗ, cách thác Siu Puông ước chừng vài cây số. Đây là điểm dừng chân của nhóm vào buổi tối để nạp năng lượng cho hành trình khám phá dòng thác Siu Puông vào sáng sớm mai.

Thả chiếc ba lô trên vai, chúng tôi bắt đầu tận hưởng hoàng hôn trên núi cao theo cách riêng của mình cho đến khi trời sập tối. Bếp lửa được nhóm lên để nấu thức ăn và sưởi ấm. Đêm xuống, những chú đom đóm xuất hiện rồi bay lượn vòng quanh nơi chúng tôi ở. “Dàn hợp ca” của mấy loài côn trùng cũng thi nhau cất lên giữa không gian yên tĩnh của núi rừng. Một cảm giác thật yên bình và thư thái!

Tác giả (áo sọc trắng đứng) chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên đoàn trekking tại thác Siu Puông. Ảnh: T.N

Tác giả (áo sọc trắng đứng) chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên đoàn trekking tại thác Siu Puông. Ảnh: T.N

Tỉnh dậy sau giấc ngủ ngon, chúng tôi rời lán trại, băng qua cánh rừng già theo lối mòn, tầm 40 phút thì đến thác Siu Puông. Nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển và được bao quanh bởi rừng già, thác Siu Puông luôn có khí hậu mát mẻ và đặc biệt rất lạnh vào mùa đông.

Sau những cơn mưa, dòng thác trở nên hùng vĩ hơn với lượng nước đổ xuống khá lớn. Đứng gần thác, âm thanh của nước rền rã tạo nên bản hòa ca thiên nhiên hoang dã giữa không gian bao la của núi rừng.

Thác có 5 tầng chính với độ cao khoảng 240 m. Chúng tôi đi bộ đến tầng cao nhất để được chìm đắm trong dòng nước mát lành. Nước ở tầng này không hề dữ dội, những dòng nước chảy ra từ khe núi trong vắt. Phóng tầm mắt xa xa là mảng xanh dịu êm của rừng già, tạo thành một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.

10 giờ sáng, chúng tôi quay lại lán rồi thu dọn hành lý để quay về nhà, kết thúc hơn 24 giờ trải nghiệm đầy thú vị đến thác Siu Puông. Guồng quay hối hả của cuộc sống vẫn đợi tôi ở đó, nhưng sau chuyến trekking này, tôi đã trở lại với một tâm hồn tươi mới hơn để làm việc hiệu quả hơn.

Thác Siu Puông nhìn từ trên cao. Ảnh: Thảo Nhi

Thác Siu Puông nhìn từ trên cao. Ảnh: Thảo Nhi

Những bài học của tôi từ chuyến đi trekking thác Siu Puông:

1. Một trong những bài học lớn nhất mà thiên nhiên mang lại là sự khiêm tốn. Khi đứng giữa rừng cây, trước những ngọn núi hùng vĩ hay quan sát những dòng sông ngàn năm chảy, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bé nhỏ của bản thân.

2. Thiên nhiên chính là nguồn cảm hứng vô tận, là nơi để mỗi người tìm về sự bình yên. Khi kết nối với thiên nhiên, chúng ta có thể thực sự trở về với bản chất của chính mình, nhận ra những giá trị đích thực trong cuộc sống.

3. Thiên nhiên dạy cho chúng ta bài học về tính kiên nhẫn và sự thay đổi không ngừng. Quan sát những quá trình biến đổi của thiên nhiên, tôi hiểu rằng không gì là vĩnh cửu. Điều này giúp tôi có được sự bình thản, không quá vướng bận vào những thứ tạm bợ.

4. Kết nối với thiên nhiên còn dạy chúng ta bài học về sự tương trợ và tính liên kết. Trong hệ sinh thái tự nhiên, mọi loài đều hỗ trợ và phụ thuộc lẫn nhau. Điều này gợi ý cho chúng ta cách sống hài hòa, cộng sinh với những người xung quanh để cùng nhau tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Một số lưu ý trước khi trekking thác Siu Puông:

1. Để tận hưởng được cung đường nhiều nhất, khi đi trekking, bạn hãy mang đồ gọn nhẹ. Người dân địa phương ở đây cũng có dịch vụ chở hộ đồ lên đến chỗ dừng chân cắm trại nếu bạn có nhu cầu.

2. Trời có thể sẽ mưa thất thường, bạn nên kiểm tra trước thời tiết và chuẩn bị áo mưa dự phòng.

3. Khi trời đổ mưa sẽ có vắt. Vì vậy, các bạn nên mặc đồ bó sát và mang vớ kín; đem theo thuốc bôi ngừa côn trùng.

4. Thời tiết về đêm ở thác rất lạnh nên nhớ mang theo đồ ấm nhé!

Có thể bạn quan tâm

Về Sró khám phá thác Dạt Dài. Ảnh: Ngọc Minh

Về Sró khám phá thác Dạt Dài

(GLO)-

Nằm trong hệ thống suối Đak Pơ Kơ, thác Dạt Dài (làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng dòng nước mát đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân.

Vó ngựa cao nguyên

Vó ngựa cao nguyên

Chiều xuống yên ả phía chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Tôi ngược núi để chứng kiến các “kỵ mã chân trần”, những người con sinh ra giữa buôn làng, lớn lên trên lưng ngựa... tự do bay bổng với cuộc chơi bên sườn núi.