Nhà báo và... smartphone

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy năm trước, một ngày đẹp trời, tôi nhận một cú điện thoại mời đi chơi một chuyến. Tính thích xê dịch nên tôi OK luôn. Hóa ra là một tập đoàn lớn mời một số anh em viết lách đến thăm cơ ngơi của họ. Nghe thế thì bèn... cảnh giác, hỏi lại cặn kẽ thì biết rằng, chỉ đi chơi, không có điều kiện gì ràng buộc.
Đến khi gặp nhau mới biết, họ mời không phải bởi tư cách nhà văn hay nhà báo, mà toàn... facebooker. Giới viết lách thường quen nhau, nhưng đây 10 ông thì 9 ông lạ hoắc, chỉ khi nói tên thì mới ồ à lên. Hóa ra các ông này toàn trong “tổ ngàn lai (like)” và đến một nửa xài... nick.
Cuộc đi hết sức thoải mái vì chả phải làm gì, viết gì, chỉ chơi và ngắm. Lần đầu tiên tôi đi một cuộc mời mà nó sung sướng đến như thế, nhàn nhã đến như thế.
 Hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” (Ảnh minh họa).
Hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” (Ảnh minh họa).
Sau chuyến đi, tôi mới theo dõi và đọc kỹ các ông bà trong “tổ ngàn lai”. Công nhận các ông bà ấy viết “mả” thật. Cũng là người viết ra có số lượng bạn đọc kha khá, nhưng quả là so với các ông bà “tổ ngàn lai” tôi thấy mình chưa là cái quái gì. Đại đa số họ là các nhà báo, nhưng khi viết báo, họ vẫn phải... theo nội quy của báo, theo những lề luật; còn khi viết Facebook, họ bung phá đúng sức của họ. Tất nhiên họ không viết điều gì sai hoặc phạm điều cấm. Họ mở rộng vấn đề và cung cấp cho bạn đọc những thông tin mà khi viết báo họ... chưa tiện đưa hoặc Ban Biên tập thấy không nên đưa. Cũng là người vừa làm báo, vừa viết Blog vừa chơi Facebook, tôi quan niệm, có những bài đăng báo được nhưng không đăng Blog được, có những bài đăng Blog được nhưng không đăng Facebook được và ngược lại. Bản lĩnh người viết nó nằm chính ở cái ranh giới này. Ví dụ có điên mới đăng cái xã luận mà mình chấp bút ký tên Ban Biên tập lên Blog hoặc Facebook. Và, cũng chả có báo nào đăng mấy câu cảm thán của “mẹ” nào đấy: “Wao, nóng quá, thèm ăn kem” kèm cái ảnh rất bất chấp tuổi tác, từ động tác chu môi đến cách vê tay hình trái tim...
Nhưng ngược lại, có nhiều nhà báo, nhà văn, nói chung là người viết, không biết Facebook, Blog là gì? Tất nhiên họ có lý của họ để không để ý đến cái món vừa mất thì giờ vừa phức tạp này.
Nhưng quả là tôi không thể hiểu được, rằng thì là tại sao giữa thời buổi này mà có người viết lại cự tuyệt với mạng xã hội, tất nhiên ngoại trừ những người giờ này vẫn còn viết bằng bút bi và... không có email. Hoặc có email nhưng mỗi lần mail thì lại phải tốn một hoặc vài cuộc điện thoại chỉ để nhắc: mở mail đi. Có lần tôi nhắn một anh bạn: Check mail đi. Ảnh nhắn lại: Check là gì? Nhắn qua nhắn lại mấy lần anh mới hiểu, tin nhắn cuối cùng của tôi là: Biết thế tôi gọi điện thoại rồi đọc cho ông chép. Tiền điện thoại với tiền nhắn tin đến giờ là... ngang nhau.
Dù muốn dù không, phải công nhận, mạng xã hội giờ là một cái... chợ tin. Người đi chợ tin cũng giống như người đi chợ ngoài đời, cũng phải biết phân biệt đâu là hàng tươi đâu là hàng héo, đâu là hàng giả đâu là hàng thật, đâu là đồ “của nhà giồng được” và đâu là cất nơi khác về “không rõ nguồn gốc”...
Cũng tất nhiên, trừ ra khoảng... 70% các mẹ các chị lên mạng xã hội chỉ để... khoe váy, khoe ảnh tự sướng mọi nơi mọi chỗ, ngôn ngữ hay dùng của họ là wao, ồ zê, các mẹ ơi biết gì chưa?
Còn lại là thông tin cả đấy.
Tất nhiên nó cũng đầy cạm bẫy, mà nếu không tỉnh táo, chính các nhà báo cũng... sập bẫy. Lại nhớ, năm nào đấy, một giáo sư sử học bị chửi sấp mặt vì mọi người tin vào một cái ảnh chụp vị này bị ghép lời. Cái ảnh ghép thấy rất rõ cả về lý lẫn tình, thế nhưng có hề chi, một cú share (chia sẻ) về, kèm một câu chửi, cứ thế nhân lên, phải cả tháng mới giải oan được. Và rồi chả thấy ai lên tiếng xin lỗi vị giáo sư này.
Ngay tôi cũng từng bị một trang web đểu vu cho làm lộ bí mật quân sự. Cũng hàng trăm người share, hàng ngàn người vào chửi. Cách xử lý của tôi là... lơ, coi như mình không biết trang ấy, dù có người dẫn link về cho tôi. Chửi mãi mỏi mồm, rồi cũng im. Nhưng giờ vào Google tìm kiếm tên tôi, giữa hàng vạn link vẫn hiện lên link này, của cái trang một thời làm mưa làm gió, khiến nhiều người thất điên bát đảo mỗi khi được nó nhắc tên.
Nên Nhà nước e ngại mạng xã hội cũng phải, bởi có phải ai cũng thông minh đâu. Cũng như đi chợ đời, chính các nhà văn, nhà báo tả xung hữu đột giữa trường văn trận báo, lại hết sức lơ ngơ, rất dễ bị lừa, mua cua thì cua lép, mua cá thì cá ươn, mua gà già, mua rau héo...
Nhưng nếu cứ vì sợ mà trốn nó thì chả bao giờ khôn lên được, chả bao giờ trở thành “người tiêu dùng thông minh” được.
Có mạng xã hội, chỉ cần một smartphone, ai cũng có thể trở thành nhà báo. Nhưng như thế thì nhà báo lại càng không chỉ cần cái smartphone...
Tôi có 2 trang trên mạng, một tài khoản Facebook và một Blog. Những suy nghĩ vặt trong ngày, những vụt hiện, những vấn đề đang tư duy, tôi đưa lên Facebook trước. Sau đấy, khi thành tấm thành món, tôi đưa lên trang vanconghung.com. Tất nhiên sau khi đã in báo, bởi báo là để tôi... nuôi thơ, ngày xưa còn nuôi cả con học đại học nữa.
Có nhiều bài viết của tôi về những vấn đề nóng là tôi thả trước vài dòng trên Facebook, các bạn Facebook của tôi, toàn các chuyên gia, vào comment (bình luận) tưng bừng. Thì đấy chính là tư liệu để mình viết, có khi xin phép các bạn ấy, trích nguyên comment của các bạn, tất nhiên dẫn nguồn, tên tuổi cẩn thận.
Tất nhiên, chơi Facebook cũng phải tỉnh táo. Tỉnh táo và thông minh nữa, để lọc tin giả, để biết cái gì là sự thực, cái gì là phịa, cái gì là sến là vớ vẩn, để một mặt mình vẫn là mình, nhưng mặt khác lại không lạc lõng trước trào lưu, là trend ấy. Nói gì thì gì, là nhà báo nhà văn mà không phân biệt được đúng sai, mà lại a dua, lại tào lao vớ vẩn thì quả là nó chả ra làm sao.
Bây giờ, tôi lại còn cái thú là mỗi sáng, ngồi xem lại mục “Kỷ niệm”, tức ngày năm trước ấy, có nhiều bài viết vẩn vơ nhưng lại... khá hay. Thế là cop về, cặm cụi viết lại, chừng hơn tiếng đồng hồ là thành bài báo. Thì ra cái nghề viết nó thế này, nhiều khi thăng hoa, viết trên điện thoại thôi, lúc ấy thấy nó thường, nhưng sau đấy thì lại tự xuýt xoa: Ơ sao lúc ấy mình lại viết được như thế nhỉ? Tức là vấn đề như thế, dữ liệu như thế, nhưng chữ nó khác, liên tưởng nó khác... nó chỉ vụt ra lúc ấy, sau này không tìm lại được nữa. Và như thế, thêm một lần nữa, Facebook nó có công dụng như... viết nháp.
Một chuyện mới về Facebook: Một nữ facebooker vừa tuyên bố tẩy chay một hãng bay vì sử dụng hình ảnh một ca sĩ mà facebooker này cho là mất tư cách. Lập tức hãng bay phải ra thông báo chính thức rằng, sẽ không sử dụng anh này làm hình ảnh quảng cáo. Đấy, sức mạnh Facebook đấy, sức mạnh mạng xã hội đấy.
 VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Phạm Ngọc Trúc Linh (18 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã thành công chinh phục học bổng toàn phần trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỉ đồng) từ Trường ĐH Monash (Úc). Được biết, Linh là một trong số ít ứng viên nhận được suất học bổng của trường đại học này dành cho thí sinh quốc tế.

Lắng nghe trẻ em nói

Lắng nghe trẻ em nói

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với thiếu nhi VN; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chàng trai nói về cách học để đạt thủ khoa kép

Chàng trai nói về cách học để đạt thủ khoa kép

Nguyễn Hữu Hưng, sinh viên Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, là thủ khoa tốt nghiệp đại học toàn trường với điểm trung bình tích lũy toàn khóa 9.2/10. Trước đó, nam sinh này cũng là thủ khoa toàn quốc khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc Tết Trung Thu tới thiếu niên, nhi đồng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc Tết Trung Thu tới thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhân dịp Tết Trung Thu 2024, ngày 13-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.