Nghiên cứu của Việt Nam lên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 11-1, tạp chí y khoa hàng đầu thế giới New England Journal of Medicine (NEJM, Mỹ) đăng kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ Việt Nam (VN) làm y khoa thế giới xôn xao. 
Nhóm nghiên cứu khi trình bày kết quả nghiên cứu tại hội nghị thường niên của Hội Y học sinh sản Mỹ
Nhóm nghiên cứu khi trình bày kết quả nghiên cứu tại hội nghị thường niên của Hội Y học sinh sản Mỹ
Hàng loạt hãng thông tấn và báo đài lớn trên thế giới như Reuters, Sydney Morning Herald, Tân Hoa xã... đã đồng loạt đăng tải. Với kết quả của nghiên cứu này, phụ nữ vô sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thụ tinh trong ống nghiệm (TTON).
Cơ hội cho người hiếm muộn
Theo nghiên cứu trước đây với những phụ nữ đang TTON, việc chuyển phôi đông lạnh cho thấy tỷ lệ thụ thai và sinh thành công cao hơn so với chuyển phôi tươi ở những người vô sinh do buồng trứng đa nang. Liệu việc chuyển phôi đông lạnh có mang lại kết quả tương tự ở những phụ nữ vô sinh không do buồng trứng đa nang hay không? Nhóm nghiên cứu VN đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Các bác sĩ đã nghiên cứu ngẫu nhiên trên 782 phụ nữ vô sinh (không do buồng trứng đa nang) đang TTON. Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi TTON. Đây là nghiên cứu “khá chấn động” vì có thể góp phần làm thay đổi phác đồ chuyển phôi trong TTON trên thế giới hiện nay.
Nói rõ hơn về việc này, TS-BS Vương Thị Ngọc Lan, bộ môn phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay trên thế giới có hai phương án chuyển phôi TTON. Đó là chuyển phôi tươi vào tử cung hoặc đông lạnh phôi trước, sau đó mới chuyển phôi sau rã đông vào tử cung. Số phôi còn dư sẽ được đông lạnh và để dành chuyển phôi các lần sau, tạo thêm cơ hội cho người bệnh.
Vài năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy trong các trường hợp, sau kích thích buồng trứng, nội tiết tăng cao hơn bình thường nhiều lần, do nhiều nang noãn phát triển, dẫn đến nội mạc tử cung phát triển mạnh, nhưng không tốt cho phôi làm tổ. Một số trung tâm có xu hướng chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ, không chuyển phôi tươi, mà đợi đến các tháng sau, khi nội tiết giảm xuống bình thường, để chuyển phôi với hy vọng cải thiện kết quả. Tuy nhiên, việc đông lạnh phôi toàn bộ lại làm tăng chi phí và trì hoãn cơ hội có thai của người bệnh thêm vài tháng nữa.
“Phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu này là việc đông lạnh phôi để thực hiện TTON không gây ảnh hưởng đến cơ hội thực hiện ước mơ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau chu kỳ chuyển phôi tươi đầu tiên, bệnh nhân có thể đông lạnh tất cả phôi còn lại và thực hiện chuyển phôi sau đó một cách an toàn, hiệu quả. Do đó, chúng ta không cần chuyển quá nhiều phôi vào tử cung một lúc, mà có thể đông lạnh phôi và chuyển phôi làm nhiều lần, mỗi lần 1 - 2 phôi. Như vậy, người bệnh vẫn gia tăng cơ hội có thai mà nguy cơ đa thai được giảm tối đa”, TS-BS Lan cho biết. Như vậy, việc quyết định cách chuyển phôi, phôi tươi hay đông lạnh, có thể linh động cho từng trường hợp, làm sao cho khả năng có thai cao nhất và tỷ lệ biến chứng thấp nhất. Bác sĩ và cả bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và phù hợp hơn.
Những kết quả nghiên cứu về vấn đề này là bài báo đầu tiên của ngành sản phụ khoa VN trên NEJM, tạp chí được giới nghiên cứu y khoa gọi là “thánh đường” bởi rất khó để đăng bài báo khoa học. Mỗi tuần, có hàng nghìn bài báo trên khắp thế giới gửi về NEJM nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được xuất bản.
Hành trình 4 năm
Nhóm nghiên cứu gồm 9 người: TS-BS Vương Thị Ngọc Lan, bộ môn phụ sản (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), Th.S Đặng Quang Vinh, BV Mỹ Đức; Th.S Hồ Mạnh Tường, BV Mỹ Đức; Th.S Huỳnh Gia Bảo, BV Mỹ Đức; BS Hà Tấn Đức, BV đa khoa T.Ư Cần Thơ; Phạm Dương Toàn, BV Mỹ Đức; Th.S Nguyễn Khánh Linh, BV Mỹ Đức; GS Robert Norman, ĐH Adelaide (Úc); GS Ben Mol, ĐH Adelaide (Úc).

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Bệnh viện Mỹ Đức, thành viên nhóm nghiên cứu, dự án này trải qua thời gian khoảng 4 năm. Mất gần 2 năm để thu thập số liệu,11 tháng để phân tích số liệu, viết bài và 10 tháng từ lúc gửi bài cho đến khi được đăng trên NEJM. GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Y khoa Garvan, ĐH New South Wales, Úc), người giúp đỡ nhóm một số công việc ở giai đoạn cuối, cho biết đây là thành tựu đáng tự hào và cũng là một minh chứng rằng VN có thể làm những nghiên cứu chất lượng rất cao.
TS-BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, chưa có tạp chí khoa học nào khó đến mức như NEJM. Những tạp chí khá có uy tín, thường chỉ sửa chừng 3 lần là có thể đăng, nhưng bài báo này phải sửa... 17 lần! Tháng 3-2017, nhóm nghiên cứu nộp bài lên NEJM thì 2 tháng sau tạp chí gửi bản nhận xét phản biện, nhiều đến mức nhóm phải giải đáp… 20 trang A4. Nhóm mất 2 tháng mới có thể trả lời. Sau khi được chấp nhận, lại phải làm việc với biên tập tới 3 lần, qua 2 bản thảo sau đó mới được đăng. Tất cả từ ngữ chuyên ngành được NEJM biên tập lại để làm sao cho người trong ngành y nhưng không phải chuyên ngành phụ sản và người ngoài ngành có thể hiểu được.
“Bài báo được đăng 5 giờ sáng ngày 11-1 (giờ VN). Đó là một cảm xúc khó tả, tự hào là một chuyện, nhưng kết quả công bố khiến bệnh nhân trên thế giới được hưởng lợi rất nhiều. Mình đi qua hết con đường chông gai, khó khăn, khi đến đích cảm giác lâng lâng, mà đến giờ nghĩ lại cũng không biết sao mình may mắn đến vậy”, TS-BS Lan chia sẻ.
Đăng Nguyên - Lam Yên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.