Làm kiến trúc sư không phải chỉ biết vẽ

E-magazine Làm kiến trúc sư không phải chỉ biết vẽ

Được khơi nguồn cảm hứng từ anh trai, Nguyễn Mỹ Hạnh lựa chọn theo đuổi ngành kiến trúc. Nuôi dưỡng đam mê ấy, cô đã quyết tâm thành lập công ty Tư vấn Thiết kế và Xây dựng ALPHA Decor.

Thời tiểu học, Mỹ Hạnh đã có sở thích đặc biệt với hội họa. Chị vẽ tất thảy những gì mình yêu, từ phong cảnh thiên nhiên cho đến các nhân vật trong truyện tranh… Nhìn thấy tiềm năng của em gái, anh trai đã định hướng Mỹ Hạnh theo đuổi ngành kiến trúc; đồng thời, không ngừng ở bên động viên để chị biến tình yêu hội họa thành mục tiêu nghề nghiệp. Và như Mỹ Hạnh chia sẻ, đến giờ đó vẫn là lựa chọn đúng đắn của mình bởi bản thân chị ngày càng thấy yêu nghề hơn, muốn học hỏi nhiều hơn để tiến xa trong sự nghiệp.

"Trên hành trình trở thành kiến trúc sư, anh trai vẫn là hình mẫu lý tưởng mà Hạnh luôn hướng đến. Đôi khi mình tự hỏi liệu mình có thể truyền đạt lại những gì học được cho người khác như cách anh trai đã làm cho mình hay không?”-chị Hạnh tâm sự.

Dù vậy, để bước chân vào ngành kiến trúc, Mỹ Hạnh cũng đã đối mặt với nhiều giai đoạn chán nản. Chị nhận ra rằng, khác xa với việc vẽ tự do theo ý thích, kiến trúc đòi hỏi sự tuân thủ quy trình và khung chuẩn mực.

Chia sẻ trong Podcast Chuyện Người Gia Lai, chị Mỹ Hạnh kể: “Mình dành ba năm THPT để rèn luyện kỹ năng trước khi bước vào trường đại học. Cũng đã có lúc mình chán đến mức trốn học vẽ... nhưng may mắn nhờ có mẹ đồng hành, mình đã quay trở lại ôn luyện nghiêm túc và thi đậu vào ngành mong muốn".

2.png

Để làm kiến trúc sư, biết vẽ thôi là chưa đủ. Do đó, trong suốt thời gian luyện thi, chị Hạnh không chỉ học vẽ mà còn trau dồi tư duy sáng tạo và khả năng quan sát.

Những ngày đầu đại học, khối lượng kiến thức lớn và yêu cầu cao khiến cô sinh viên lúc ấy không khỏi cảm thấy choáng ngợp. Điều khiến chị Hạnh vượt qua giai đoạn khó khăn là có được những người bạn tốt và những kỷ niệm đáng nhớ.

“Thành công đối với mình không chỉ là điểm số cao hay đồ án xuất sắc mà là xây dựng được những mối quan hệ quý giá”-chị chia sẻ. Điều này không chỉ giúp cô kiến trúc sư trẻ phát triển kỹ năng nghề nghiệp mà còn tạo nên nền tảng xã hội vững chắc để xây dựng sự tự tin.

Sau khi tốt nghiệp, Hạnh chọn ở lại TP. Hồ Chí Minh 1 năm để trải nghiệm. Sau đó, chị quyết định trở về Gia Lai. Trong 4 năm đầu về quê, chị làm việc cho 2 công ty tại địa phương để tích lũy kỹ năng và kiến thức. “Lúc mới về, mình còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng may mắn gặp những người đồng nghiệp tốt, họ đã luôn bên cạnh và chia sẻ với mình những lúc trắc trở trong công việc”-chị Mỹ Hạnh nhớ lại.

Đã nhiều lần cô kiến trúc sư trẻ phân vân liệu mình có thể phát triển hết tiềm năng nếu chỉ làm việc ở địa phương hay không? Thậm chí, chị từng trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc và so sánh. Cuối cùng, chị nhận ra, Gia Lai mới thực sự là nơi dành cho mình. Về kiến trúc, Gia Lai chưa phát triển như TP. Hồ Chí Minh, song đối với Mỹ Hạnh, đó lại chính là cơ hội để những kiến trúc sư trẻ như chị có nhiều “đất” thử nghiệm và khám phá cách làm mới.

4.png
Một số không gian do Kiến trúc sư Mỹ Hạnh thiết kế. Ảnh: NVCC

Bắt đầu với những dự án nhỏ từ cải tạo phòng hay thiết kế shop, chị Hạnh đều đặt tâm huyết vào mỗi công trình. Theo thời gian, nhờ sự tận tâm, mọi người biết đến cái tên Mỹ Hạnh nhiều hơn. Cùng với sự ủng hộ từ đồng nghiệp trong ngành, chị ngày càng mở rộng được mạng lưới khách hàng, trong đó có những chủ đầu tư lớn.

Thế nhưng, trong công việc, chị Mỹ Hạnh cũng có quy tắc riêng. “Để dung hòa được giữa bản sắc cá nhân và mong muốn của khách hàng, mình sẽ không ép khách hàng phải theo ý của mình. Ví dụ, mình sẽ gợi ý rằng mình thấy cách A cũng được, nhưng nếu thử cách B thì công trình sẽ đẹp hơn. Khi đó, khách hàng là người quyết định với công trình của họ”-chị Hạnh cho biết.

Lần đầu tiên chị Hạnh nhận được một công trình lớn là lúc còn chưa thành lập ALPHA Decor. Đó là 1 căn nhà mang đến cơ hội cho nữ kiến trúc sư khẳng định bản thân.

ban-sao-cua-white-and-green-modern-home-interior-design-instagram-post.png
Chị Mỹ Hạnh trong ngôi nhà được thiết kế bởi ALPHA Decor. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, chị Mỹ Hạnh còn chú trọng phát triển kiến trúc “xanh” trong các dự án của ALPHA Decor. Chị cho rằng kiến trúc không chỉ đơn thuần là thiết kế mà còn cần tôn vinh văn hóa và thiên nhiên địa phương.

Nếu không vẽ, mình sẽ rất buồn. Dù đôi lúc công việc đến dồn dập cũng làm mình đuối sức. Nhưng mình cũng nhận ra rằng khi học được cách cân bằng giữa công việc và cảm, mình mới có khả năng để sáng tạo bền vững.

- Kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Hạnh -

Có thể bạn quan tâm

Cho đi là còn mãi

E-magazineCho đi là còn mãi

(GLO)- Hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Hội (SN 1990, thôn Lũh Yố, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) đã trực tiếp đóng góp và vận động các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm khắp mọi nơi hỗ trợ nguồn lực để giúp các mảnh đời khốn khó trong, ngoài huyện.

Món ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

E-magazineMón ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

(GLO)- Trải nghiệm ẩm thực đặc trưng địa phương là phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của mỗi người. Tại Pleiku, du khách có thể thưởng thức những món ăn “gây thương nhớ” đã tồn tại qua nhiều thập kỷ gắn liền với nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất này.

Bên dòng Krông Năng

E-magazineBên dòng Krông Năng

(GLO)- Dòng Krông Năng với màu nước xanh như ngọc làm dịu hẳn cái nắng nóng của những ngày tháng tư ở vùng “chảo lửa” Krông Pa. Từng đàn bò thong dong qua cây cầu nối đôi bờ sông xanh như chỉ dấu bắt đầu một ngày mới.